Đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn

25/03/2019 07:30 GMT+7

Luôn được coi là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng nhưng thực tế, do tiếp cận khó khăn, nông thôn đã trở thành địa bàn nóng cho tín dụng đen.

 Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay là bảo vệ người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trước cơn lốc tín dụng đen.
     Ảnh: Vũ Hân
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với TS Đào Minh Tú (ảnh), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN xung quanh vấn đề này.
Ông có thể cho biết giải pháp tín dụng trọng tâm mà ngành NH đặt ra để "đấu" với tín dụng đen?
Tạo điều kiện cho người nông dân và doanh nghiệp (DN) dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng DN với lãi suất hợp lý; mở rộng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân trên địa bàn nông thôn... Nếu họ tiếp cận được vốn tín dụng thì sẽ không phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cắt cổ nữa.
Cụ thể ngành NH đã "tạo điều kiện" như thế nào?
Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn; niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay; rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để DN, người dân được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất. Tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng (TCTD), hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô mở rộng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, cải thiện đời sống của người dân nông thôn; phối hợp với các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đưa vốn đến tận tay người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay NH...
Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo vệ người nông dân, doanh nghiệp trước tín dụng đen Ảnh: Đào Ngọc Thạch - Ngọc Dương
Trong đó, chính sách cho vay tín chấp tôi cho là bước đột phá lớn tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng NH. Đặc biệt, đến cuối năm 2018, mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình đã được nâng lên gấp đôi so với năm 2015. Vừa qua, NH Chính sách xã hội đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng...
Bên cạnh đó, NHNN cũng quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1 - 2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác; hỗ trợ về nguồn vốn cho các TCTD có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên; khuyến khích các TCTD mở rộng hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các khu vực có mạng lưới NH chưa phát triển...
Tôi nhấn mạnh rằng, không phải đến bây giờ mà nhiều năm qua, ngành NH luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đối với lĩnh vực này. Chúng tôi vẫn "bám sát" và thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách cho phù hợp với nhu cầu phát triển mới của nông nghiệp, nông thôn.
Nhưng thực tế sản xuất nông nghiệp vẫn rất khó khăn tiếp cận vốn NH, theo ông vướng mắc ở chỗ nào?
Đúng thế. Điều này xuất phát từ tính đặc thù của ngành nông nghiệp trong nước. Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng các cơ chế xử lý, phòng ngừa rủi ro như bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được triển khai mạnh mẽ, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Thứ hai, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Các mô hình liên kết còn ít, chưa hiệu quả, gây khó khăn cho các TCTD trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi. Thứ ba, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, tình trạng mất cân đối cung - cầu, sản xuất và tiêu dùng, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thường diễn ra, trong khi công tác phân tích, dự báo thị trường cũng như quy hoạch còn bất cập... tạo áp lực trong quản lý rủi ro cho các TCTD.
Vậy làm thế nào để tín dụng NH có thể tới tay địa bàn này khi những nguyên nhân ông chỉ ra chưa thể giải quyết trong ngắn hạn?
Vấn đề này không chỉ một mình NHNN có thể giải quyết được. Cơ quan nào dự báo, cảnh báo về môi trường; cơ quan nào thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại để hỗ trợ DN cũng như người dân tiêu thụ sản phẩm; cơ quan đảm trách nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp thu hút vốn ưu đãi, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế... phải "phân vai" và thực hiện đồng bộ.
Các địa phương cũng phải quan tâm tới chất lượng và quản lý quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp; chủ động triển khai, hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp để người dân có thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn NH.
Các cá nhân, tổ chức, DN đầu tư sản xuất nông nghiệp cũng cần chủ động nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả để tăng khả năng tiếp cận vốn vay tại các TCTD.
Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt gần 20% và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 12.2018, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này đạt 1.786.353 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình đã được nâng lên đến 200 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.