Hạ nhiệt cơn sốt bất động sản

05/04/2007 00:14 GMT+7

Chiều 4.4, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM. Tại văn bản này, Sở TN-MT đã có những đánh giá về cơn sốt địa ốc tại thời điểm này và có một số kiến nghị nhằm ngăn chặn cơn sốt địa ốc không bùng phát trong thời gian tới.

Biến động bất thường

Theo đánh giá của Sở TN-MT, từ khoảng cuối năm 2006 đến nay, thị trường BĐS có những biến động bất thường. Giá nhà đất tại một số khu vực tăng lên hằng ngày, đặc biệt là tại các khu vực quận 7, quận 2, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Nam TP và tiếp theo là huyện Nhà Bè, quận 9 và một số khu vực khác. Sở TN-MT cho rằng: “Hiện đã xuất hiện một số nhà đầu tư mua với số lượng lớn nền đất ở (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vì chưa xây nhà) hoặc căn hộ để bán lại. Giá đất nông nghiệp tại các khu vực này cũng tăng theo và các chủ đầu tư rất khó thỏa thuận chuyển nhượng với dân để thực hiện dự án nên một số doanh nghiệp (DN) đã nhận chuyển nhượng lại dự án có cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, làn sóng các DN nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào thị trường BĐS ngày càng nhiều, trong đó một số DN đã đăng ký với TP.HCM đầu tư các dự án lớn tại khu vực trung tâm gồm nhiều dự án chỉnh trang trên địa bàn quận 1 và đầu tư mạnh vào các khu đô thị mới".

Giá đất tại khu dân cư Phú Mỹ của Công ty Vạn Phát Hưng (quận 7) tăng từ 10 triệu đồng/m2 lên 20 triệu đồng/m2 - Ảnh: D.Đ.M

Trước thực trạng trên, Sở TN-MT TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM một số giải pháp để ngăn chặn cơn sốt địa ốc bất thường, cục bộ tại TP.HCM.

Không để quá "nóng" hay quá "nguội"

 Chiều 4.4, Thanh Niên đã có một cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Thế Ngọc - Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM xung quanh các giải pháp này. Ông Ngọc cho biết: "Thực ra, giá nhà đất tăng hay giảm ở một mức độ nào đó là chuyện bình thường, do sự điều tiết của thị trường. Nhưng tăng một cách đột biến như hiện nay là hiện tượng bất thường. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước là làm sao để thị trường phát triển vừa đủ "ấm", lành mạnh và đúng hướng, hợp quy luật chứ không để quá "nóng" hoặc quá "nguội", phá vỡ quy luật. Theo tôi, để bình ổn thị trường phải nhanh chóng tăng nguồn cung sản phẩm nhà đất bằng cách thúc đẩy nhanh các dự án nhà ở. Giải pháp để tăng nguồn cung này gồm nhiều yếu tố, nhưng vấn đề vẫn là nguồn vốn để thực hiện các dự án. Nhiều DN trong lĩnh vực BĐS hiện đang khó khăn về vốn, trong khi các nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn lại cho vay có tính chất hạn chế. Do đó, việc triển khai các dự án chỉ tập trung được ở một số DN có tiềm lực mạnh. Chính vì vậy, sản phẩm nhà đất mà họ bán ra chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu của xã hội".

Tăng nguồn cung cho thị trường
Theo thống kê của Sở TN-MT, so với năm 2006, giá nhà đất một số khu vực có mức tăng rất cao trong 3 tháng đầu năm 2007. Cụ thể: giá đất tại khu đô thị An Phú - An Khánh (quận 2) từ 10,5 triệu đồng/m2 tăng lên 15 triệu đồng/m2; khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) từ 9,5 triệu đồng/m2 tăng lên 18 triệu đồng/m2; đất dự án của Công ty Him Lam (quận 7) từ 10,5 triệu đồng/m2 tăng lên 21 triệu đồng/m2; giá đất tại khu dân cư Phú Mỹ của Công ty Vạn Phát Hưng (quận 7) từ 10 triệu đồng/m2 tăng lên 20 triệu đồng/m2... Các dự án căn hộ cao cấp tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng có giá tăng từ ít nhất là 14,6% đến 123%. Đặc biệt, giá đất ở khu Hưng Gia - Hưng Phước trong năm 2006 được bán với giá 100 ngàn USD/lô nay đã tăng lên đến 300 ngàn USD/lô.

Vấn đề đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa được ông Ngọc nhận định là yếu tố quan trọng. "Chính vì vậy nên trong bản báo cáo, chúng tôi đã có kiến nghị là phải điều chỉnh bảng giá đất sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Đây là biện pháp cơ bản nhằm giải quyết phần lớn tình trạng bất hợp lý trong việc thực hiện các quyền sử dụng đất và các chương trình phát triển đô thị. Đồng thời, phải điều chỉnh biểu thuế suất phù hợp với từng chủ thể trong việc giao dịch các loại hình BĐS", ông Ngọc cho biết.

Để các DN triển khai nhanh các dự án nhằm bình ổn giá BĐS, ông Ngọc cho rằng: "Nhà nước phải hỗ trợ DN bằng các hình thức như thay đổi cách tính mức thu tiền sử dụng đất và khấu trừ tiền sử dụng đất khi DN thực hiện dự án; Phân khúc mức thuế đối với các dự án bằng cách chỉ tính giá mặt tiền từ 30m kể từ ranh lộ giới, phần diện tích tiếp theo đến 100m cách ranh lộ giới thì tính bằng 70% giá mặt tiền và có chiều sâu lớn hơn 100m thì tính mức thuế bằng 50% giá mặt tiền; Đề nghị giữ ổn định giá đất mà DN phải nộp và cho chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn 5 năm; Cho DN được huy động vốn sau khi đền bù giải tỏa, được duyệt quy hoạch 1/500 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đây là giai đoạn DN rất cần được bổ sung vốn triển khai dự án... Ngoài ra, để nhanh chóng bổ sung quỹ nhà ở, Sở TN-MT cũng đã và đang xúc tiến việc đấu giá các dự án đã thu hồi theo hình thức Nhà nước đền bù, thực hiện quy hoạch và kêu gọi các DN tham gia đấu giá, xây dựng nhà ở. Với hình thức này, sẽ tạo ra một lượng nhà ở lớn để đáp ứng cho nhu cầu của xã hội".

T.T.B

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.