Khi thị trường địa ốc “đóng băng”...

11/05/2008 00:04 GMT+7

Tình hình thị trường bất động sản (BĐS) đang diễn biến hết sức bất lợi cho nhà đầu tư và số tiền mà xã hội mất đi từ thị trường này là vô cùng lớn.

Hàng chục nghìn tỉ đồng “biến mất”

Lấy dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (Q.2, TP.HCM) để ví dụ, có thể thấy tình hình giảm giá ở đây tác động đến "túi tiền" các nhà đầu tư ra sao. Theo tính toán, dự án này có diện tích 174 ha, mật độ xây dựng là 60% thì có khoảng gần 1 triệu m2 đất thương phẩm sau khi hoàn thành hạ tầng. Thời điểm tháng 12.2007, mức giá bán đất nền ở dự án này là 35 - 40 triệu đồng/m2 nhưng nay đã giảm chỉ còn khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2. Chỉ lấy mỗi m2 đất bị hạ giá 7 triệu đồng thì riêng dự án Thạnh Mỹ Lợi, các nhà đầu tư tại đây đã mất đi khoảng 7.000 tỉ đồng! Một chuyên gia địa ốc cho biết, riêng TP.HCM có khoảng 500 dự án đang triển khai, mức giá BĐS giảm đột ngột trong 4 tháng qua đã khiến hàng chục nghìn tỉ đồng "biến mất"!

Ông Nguyễn Xuân Châu - Giám đốc Công ty Nova Homes cho biết: "Dự án khu căn hộ Nam Khánh của Công ty Him Lam tại khu đô thị Nam Sài Gòn, vào tháng 6.2007 giá bán ra của công ty là 12 triệu đồng/m2; lúc này giá vật liệu xây dựng chưa tăng mạnh. Hiện tại, Nova Homes tiếp nhận khoảng 70 căn hộ do nhà đầu tư gửi bán lại, chiếm khoảng 40% tổng số căn hộ của dự án này. Trong tháng 4.2008, Nova Homes dù đã thực hiện một chiến dịch tiếp thị, quảng bá rất mạnh nhưng chỉ bán lại cho khách hàng được 4 căn với giá 14 triệu đồng/m2, số còn lại vẫn đang bị "treo". Nova Homes cũng đã tính toán chi tiết cho khách hàng thấy với giá vật liệu xây dựng và lãi suất ngân hàng như hiện nay (tăng từ 30 - 40% so với năm 2007) và các chi phí khác đều đội lên rất lớn, mức giá 14 triệu đồng/m2 là hợp lý, thậm chí chủ đầu tư còn bị lỗ nhưng khách hàng vẫn chẳng mặn mà".

Trong tình hình thị trường BĐS sụt giảm, các ngân hàng cũng đang phải điều chỉnh lại danh mục cho vay BĐS. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), cho vay BĐS được kiểm soát ở tỷ lệ 17,1% so với tổng dư nợ cho vay; trong đó, dư nợ cho vay dự án BĐS chiếm 2,7%, dư nợ cho vay BĐS tiêu dùng chiếm 14,4%.

Ông Nguyễn Đức Tài - Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) cũng cho biết, DAB chỉ cho những khách hàng có nhu cầu nhà ở vay với thời gian dài, vì thực tế giá nhà đất dự án giảm chứ nhà ở riêng lẻ thì không giảm.

T.Xuân

Chủ đầu tư một dự án khu căn hộ sắp triển khai ở quận 7 (TP.HCM) tính toán: Giá xây dựng sàn căn hộ cao cấp  hiện nay khoảng 650 USD/m2 (tương đương 10 - 11 triệu đồng/m2), tính thêm giá đền bù đất, lãi suất ngân hàng 18 - 20%, chi phí tư vấn thiết kế và các chi phí khác như quản lý phí, dự phòng phí... thì phải bán với giá thấp nhất là 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, dù có đầu tư nhưng việc bán hàng không dễ chút nào, bởi các nhà đầu tư thứ cấp hầu như đã quay lưng lại với thị trường BĐS.

Nhiều doanh nghiệp môi giới sẽ đóng cửa

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đánh giá: "Thị trường BĐS hiện đang rất ảm đạm. Nhiều chủ đầu tư do bế tắc về vốn nên hầu như không thể triển khai các dự án, trong khi đó giá giảm từng ngày làm cho hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp khốn đốn". Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp địa ốc khẳng định: Đến tháng 6.2008, giá nhà đất tại các dự án sẽ còn giảm hàng loạt ít nhất là 10 - 20% so với mức giá hiện nay và do không có giao dịch nên sẽ có hàng loạt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới đóng cửa. Vị giám đốc này cho rằng, sở dĩ dự báo có hiện tượng giảm giá ồ ạt vào tháng 6 tới đây bởi vì vào tháng 6 - 7.2007, các ngân hàng cho vay tín dụng BĐS rất lớn, rất nhiều trường hợp ngân hàng cho vay đến 90% giá trị sản phẩm nhà đất. Lượng tiền vay từ ngân hàng để đầu tư kinh doanh BĐS sau 1 năm đã đến thời điểm đáo hạn. Vì vậy, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ ồ ạt bán ra sản phẩm nhà đất, do đó giá sẽ còn giảm xuống nữa.

Hiện nay, TP.HCM có khoảng 5.000 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh BĐS, trong đó khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực BĐS. Trong số này, chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án, còn 800 doanh nghiệp kia chủ yếu hoạt động môi giới. Hiện nay giao dịch ngưng trệ nghiêm trọng, do vậy việc các doanh nghiệp môi giới đóng cửa là điều tất yếu sẽ xảy ra. Vấn đề là sớm hay muộn mà thôi.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.