Văn phòng ở TP.HCM đắt nhất nhì châu Á

02/03/2007 17:17 GMT+7

Thị trường cao ốc văn phòng TP HCM năm 2007 sẽ tiếp tục nóng với độ chênh lệch cung - cầu lớn. Do nguồn cầu tăng mạnh, trong khi cung dù tăng, nhưng thời gian đáp ứng chậm, khiến giá thuê văn phòng, đặc biệt ở TP HCM tăng vọt.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, cho biết, dù tổng cung cao ốc văn phòng tại TP HCM lên đến hơn 58.000 m2, với một loạt dự án mới được khai sinh và đưa vào hoạt động như Pasteur Tower (quận 3), IWA Square, Royal Building, Capital Place, Miss Áo Dài, Starview (quận 1), nhưng vẫn không thể đáp ứng "cơn khát" địa điểm của một loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đang đổ đến TP HCM thời gian gần đây.

Về cơ bản, vị trí trung tâm dịch vụ của TP HCM so với vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang ngày càng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) công nhận. Vì vậy, việc tìm đến để mở văn phòng đại diện, đặt trụ sở triển khai hoạt động kinh doanh, tiếp thị, đầu tư là điều đương nhiên.

Với họ, ưu tiên hàng đầu trong chọn lựa văn phòng là vị trí “đắc địa” (ngay khu trung tâm, gần các cơ quan hành chính để thuận tiện trong việc lo thủ tục và có giao thông thuận tiện, đặc biệt là có bãi đậu xe hơi). Đây cũng được xem là một trong những tiêu chí chủ chốt trong việc xếp loại văn phòng nhóm A, B, C tại TP HCM, với giá thuê cách biệt lên đến 20-30% so với từng loại.

Mặt khác, do nguồn cầu đang tăng mạnh, trong khi nguồn cung dù tăng, nhưng đòi hỏi thời gian đáp ứng chậm, khiến giá thuê văn phòng tăng vọt, với mức tăng bình quân của nhóm A lên đến 28-30%/năm (từ 23 USD/m2 cho mỗi tháng hồi đầu năm tăng lên 29,5 USD/m2 vào cuối năm), với chỉ số cho thuê luôn ở mức tuyệt đối 100%. Văn phòng nhóm B cũng tăng từ 21 USD lên 26,5 USD/m2/tháng, đạt tốc độ tăng 26%; chỉ số cho thuê đạt 99%.

Tương tự, văn phòng nhóm C cũng tăng từ 17,5 USD lên 20,5 USD/m2/tháng, với tỷ lệ cho thuê đạt 95%. Các mức giá này đều chưa bao gồm thuế VAT và phí dịch vụ. Chính mức giá này đã đẩy giá cho thuê văn phòng tại TP HCM vào loại cao nhất châu Á, chỉ sau các trung tâm tài chính lớn như Tokyo, Hong Kong...

Rõ ràng, việc tăng giá cao ốc văn phòng cho thuê sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho các chủ đầu tư, bởi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nơi mà nền kinh tế đang tăng trưởng cao, đưa lĩnh vực này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Townsend, khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định thâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là làm sao tìm được vị trí tốt với mức giá hợp lý. Thực tế, đã có nhiều khu đất có vị trí rất tốt được đưa ra gọi vốn đầu tư, nhưng do giá đất cao và chính quyền địa phương hạn chế về mật độ xây dựng, nên nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy mạo hiểm.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong nước với lợi thế đang sở hữu những khu đất đẹp đã chào giá “trên trời”, mà không hiểu rằng, điều này đang làm mất dần cơ hội kinh doanh của chính họ. Kinh doanh bất động sản luôn liên quan đến yếu tố thời gian. Việc các doanh nghiệp trong nước chờ một thời gian dài để tìm được một đối tác chấp nhận mức giá cao nhất mà họ đưa ra có thể khiến các đối thủ có đủ thời gian để đánh bại họ trên thương trường.

Nguồn cung hạn chế

Theo tính toán của CBRE, có đến 86 dự án cao ốc văn phòng đang được triển khai, với “điểm rơi” dự án hầu hết vào giai đoạn 2008-2010 và lượng văn phòng cung cấp tăng đều đặn, từ hơn 158.000 m2 năm 2007 lên 273.000 m2 vào năm 2010. Đó là chưa kể một loạt công ty niêm yết, Tổng công ty nhà nước đều bắt đầu đổ vốn đầu tư vào các dự án cao ốc văn phòng, từ hàng hải (Gemandept), ngân hàng (Vietcombank, VP Bank, Sacombank), đóng tàu (VinaShin), Petrovietnam... dẫn đến làn sóng “nhà nhà đầu tư vào cao ốc, người người đầu tư vào cao ốc”, khiến số dự án được công bố triển khai lên tới 86 dự án, cao gấp 3 lần số cao ốc hiện hữu vào thời điểm hiện tại. Điều này về cơ bản là rất thuận lợi, đáp ứng được “cơn khát” cao ốc văn phòng thời gian qua, góp phần tích cực trong việc kìm hãm “cơn lốc” tăng giá văn phòng cho thuê.

Trong khi thị trường tiếp tục “nóng” do cung thấp - cầu cao, nhưng khi trả lời câu hỏi: “Nếu bây giờ có thêm nhà đầu tư đổ vốn vào thị trường bất động sản để xây dựng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và nhà cho thuê cao cấp, thì có nên không?”, ông Townsend cho rằng, nếu các cao ốc đang xây dựng chuẩn bị đưa vào hoạt động, thì sẽ “trúng” lớn, nhưng nếu thời điểm 2007 mới bắt đầu tìm đất hoặc triển khai dự án bất động sản, thì hệ số rủi ro rất cao. Nói cách khác, thị trường bất động sản có nguy cơ bão hòa vào năm 2010-2011.

Theo Đầu Tư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.