Điêu đứng làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa

05/06/2017 16:55 GMT+7

Từng được Hiệp hội Làng nghề VN tặng danh hiệu tiêu tiến vào năm 2008 nhưng những năm gần đây, làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân (H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) đang lâm vào cảnh khó khăn do không tìm được đầu ra.

Chuyển sang bán vỏ dừa khô
Về làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân những ngày này không còn nghe tiếng máy quấn chỉ rộn ràng như trước. Những dãy nhà xưởng nằm im lìm, hầu hết công nhân đã chuyển sang nghề lột dừa thuê. Bà Ba, chủ một cơ sở từng sản xuất hàng tấn chỉ xơ dừa mỗi ngày, cho biết bà đã chuyển sang làm thương lái buôn vỏ dừa từ 2 năm nay vì chỉ xơ dừa sản xuất ra không bán được. Giờ mỗi ngày bà thuê người lột lấy vỏ hơn 20 thiên dừa khô (1.200 trái/thiên) bán lại cho công ty sản xuất chỉ xơ dừa bên xã Tân Hội. “Bán nhiêu đó vỏ dừa mà thu lời chưa tới 2 triệu đồng; trong khi xưởng sản xuất chỉ xơ dừa của tôi ngày trước kiếm gấp mấy lần. Nhưng cũng đành chịu vì công ty bên đó có quy mô sản xuất lớn, đầu tư dây chuyền hiện đại nên mình cạnh tranh không lại”, bà Ba nói.
Theo nhiều chủ cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa, mặc dù đã chuyển sang bán vỏ dừa khô nhưng tới lúc vỏ dừa được giá lại rất khó bán ra. “Khi vỏ dừa khan hàng, sốt giá thì các thương lái “vệ tinh” của công ty nước ngoài lại không mua vỏ nữa mà chuyển sang mua chỉ xơ dừa thô. Vậy là mình phải làm theo chứ không thì bị ứ hàng đầy kho. Bởi vậy, nhiều cơ sở ở đây vẫn duy trì nhà xưởng sản xuất cầm chừng”, anh Toàn, một chủ cơ sở ở làng nghề Khánh Thạnh Tân, cho biết.


Hiện giá chỉ xơ dừa đang giảm mạnh. Lưới chỉ xơ dừa đã giảm gần 100.000 đồng, chỉ còn 160.000 đồng/cuộn; loại chỉ tim đèn còn 100.000 đồng/cuộn, giảm 70.000 đồng...

Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có thể chuyển nghề, nhất là những cơ sở không nằm gần sông Thom, con đường vận chuyển huyết mạch của dân làm nghề này. “Cơ sở tôi ở sâu bên trong nên vận chuyển dừa khô rất tốn tiền. Vậy nên từ sau tết năm ngoái, tôi phải “đắp chiếu” 6 máy se sợi cùng 40 tấn chỉ thành phẩm. Tháng này năm trước, các thương lái Hàn Quốc đã đến thu mua nhưng nay họ đang tạm ngưng kinh doanh; còn các thương lái, doanh nghiệp trong tỉnh cũng lặn mất tăm”, chủ cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa Nguyễn Thành Nghiệp nói.
Hệ quả của cơ chế thị trường
Theo ông Nguyễn Chí Linh, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thạnh Tân, tình hình khó khăn của các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa đã diễn ra hơn 2 năm qua. Hiện làng nghề chỉ còn 33 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở hoạt động cầm chừng. Ngoài khu vực làng nghề trước kia có gần 100 cơ sở nhưng hiện chỉ còn hơn 10 cơ sở và phần lớn đã ngưng sản xuất từ sau tết.
“Để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở, chúng tôi đã không thu thuế từ năm 2014; đồng thời vận động các cơ sở này lên doanh nghiệp để đủ điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 cơ sở thành lập công ty TNHH và công ty tư nhân, còn lại thà chuyển hoặc bỏ nghề chứ không lên doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi đã vận động thành lập ban quản lý làng nghề, hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới nhưng các chủ cơ sở vẫn không đồng ý”, ông Linh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Xơn, Phó chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Bắc, cho biết khó khăn của các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa ở Khánh Thạnh Tân là hệ quả tất yếu của cơ chế kinh tế thị trường mà nguyên nhân chính là do mô hình sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung gây nên. Chỉ xơ dừa là ngành kinh tế khá quan trọng của địa phương vì mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là phụ nữ.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở tham gia HTX kiểu mới để tập trung vốn, nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, có tư cách pháp nhân để trực tiếp tham gia xuất khẩu, qua đó từng bước giải quyết khó khăn trước mắt”, ông Xơn cho biết thêm.

tin liên quan

Hai lúa chế máy xe chỉ tơ dừa
Từ người làm thuê kiếm sống, anh Nghiêm Đại Thuận (Trà Vinh) vươn lên làm giàu từ tơ xơ dừa, đồng thời chế máy giúp những người làm nghề xe chỉ tơ xơ dừa ở ĐBSCL tăng thu nhập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.