Điêu đứng vì hạn mặn giết lục bình

12/05/2016 05:50 GMT+7

Hơn 2 tháng qua, người dân ở xã Vĩnh Viễn A (H.Long Mỹ, Hậu Giang) điêu đứng vì lục bình nuôi ven sông chết hàng loạt do độ mặn tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống và nghề đan lục bình truyền thống.

Nhìn hơn 20 công lục bình khoanh nuôi ven sông chết sạch, ông Nguyễn Văn Bi (ngụ ấp 10, xã Vĩnh Viễn A) vẫn chưa hết lo lắng. Theo ông Bi, gia đình ông hơn chục năm qua sống bằng nghề mướn bãi ven sông nuôi lục bình để bán cho những người làm nghề đan lát, nhưng chưa năm nào rơi vào tình cảnh bi đát như năm nay. Cuối tháng 1.2016, độ mặn trên sông tăng cao làm lục bình bắt đầu héo úa, chết dần và đến giờ xem như mất trắng. “Gia đình tôi không có đất nên mướn được 20 công bãi ven sông với giá 1,5 triệu đồng/công để nuôi lục bình, sau đó thu hoạch bán lại mỗi công lời khoảng 4 triệu đồng. Đó là đường mưu sinh chính. Năm nay, mới chỉ thu hoạch được 3 công thì số còn lại chết hết, bây giờ không biết tính sao”, ông Bi nói.
Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Lê Văn Bảy (ở ấp 10) nuôi 7,5 công lục bình, những năm trước cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, còn năm nay mất trắng. Ông Bảy than: “Vụ lúa vừa rồi bị mặn xâm nhập nên thu nhập chẳng được bao nhiêu, cả nhà chỉ trông cậy vào số lục bình này. Vậy mà niềm hy vọng cũng tiêu tan vì nước mặn làm lục bình khô héo rồi chết hết. Hơn chục triệu đồng tiền thuê bãi, đầu tư coi như không lấy lại được, giờ chỉ còn cách đi làm thuê làm mướn mới mong có cái ăn”.
Ông Bùi Tiền Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Viễn A, cho biết độ mặn trên 2 con sông chính nơi bà con khoanh nuôi lục bình luôn dao động từ 14 - 17‰ nên không thể sống nổi. Hiện toàn xã có khoảng 200 hộ dân nuôi lục bình ven sông Nước Trong và Nước Đục, với tổng diện tích hơn 100 ha coi như mất trắng. Trong đó, rất nhiều hộ không có đất sản xuất, chủ yếu sống nhờ nghề này đang gặp rất nhiều khó khăn. “Địa phương đã tổng hợp báo cáo lên trên để xem xét có hướng hỗ trợ, đồng thời thực hiện nhanh việc chuyển đổi nghề, mà chủ yếu cho bà con học trồng nấm rơm nhằm tận dụng nguồn rơm có sẵn, đất ven các tuyến kinh trồng nấm kiếm thêm thu nhập”, ông Giang nói.
Nghề đan lục bình lao đao
Theo những người nuôi lục bình tại Vĩnh Viễn A, nếu có mưa, độ mặn trên sông giảm xuống, họ vẫn phải chờ nước từ thượng nguồn đổ về để kiếm nguồn lục bình giống gom lại nuôi tiếp, nhanh cũng phải đến cuối năm lục bình mới có thể phục hồi và thu hoạch được. Từ nay đến thời điểm đó, nguồn cung nguyên liệu lục bình khan hiếm làm những người theo nghề đan lục bình tại địa phương lo lắng.
Chị Đào Thị Thiêu (ngụ ấp 9) cho biết làm nghề đan lục bình hơn chục năm nay nhưng chưa lúc nào thiếu nguyên liệu nghiêm trọng như bây giờ. “Gần 2 tháng qua, nguồn lục bình khô tại địa phương không còn buộc tôi phải qua H.Vị Thủy (Hậu Giang) hoặc phải sang tỉnh Kiên Giang mua nhưng nguồn cung cũng hạn chế và giá cao hơn 2.500 - 3.000 đồng/kg. Nhưng giá có cao mấy vẫn phải mua vì sắp tới sẽ còn thiếu nguyên liệu nghiêm trọng hơn nữa”, chị Thiêu nói. Còn bà Trương Thị Ánh (ngụ ấp 8) cho biết những người đan lục bình trước đây mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000 đồng, nay do khan hiếm nguồn cung nguyên liệu nên phải chia nhau để có việc làm, thành ra thu nhập chỉ khoảng 70.000 đồng/ngày.
Ông Lê Văn Trong, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Chí Công (ấp 8), cho biết hằng năm vào thời điểm này gia đình ông thường trữ khoảng 1 tấn lục bình khô để giao lại cho thợ đan, nhưng giờ chỉ còn khoảng 100 kg. Trong khi đó, tổ hợp tác của ông có 22 thành viên với hơn 100 thợ đan lục bình, mỗi tháng giao hàng cho đơn vị mua xuất khẩu trị giá khoảng 150 triệu đồng, nay doanh số sụt giảm theo nguồn cung khan hiếm. “Hiện giờ sản phẩm cung cho đơn vị thu mua đã giảm hơn 10%, nhưng nếu nguồn lục bình cứ khan hiếm và dự kiến đến cuối năm mới có trở lại thì những tháng tới nguồn cung sản phẩm đan lục bình xuất khẩu sẽ thiếu hụt trên 30%”, ông Trong lo lắng.
Hàng ngàn người bị ảnh hưởng
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN-PTNT H.Long Mỹ, cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 750 người bị ảnh hưởng do lục bình chết, ngoài ra còn có nhiều người giảm thu nhập do không có nguồn nguyên liệu để đan. Do đó, huyện đang báo cáo về trên để xem có phương án hỗ trợ người dân, bởi hiện tại lục bình không nằm trong danh mục cây trồng được hỗ trợ khi bị thiệt hại do thiên tai”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.