Đoạn tuyệt nghề nung vôi

10/01/2016 05:06 GMT+7

Sau vụ ngạt khí lò vôi xảy ra vào ngày đầu năm 2016 tại xã Hoàng Giang (H.Nông Cống, Thanh Hóa) làm 8 người chết, 1 người bị thương, chính quyền địa phương đã đưa ra lộ trình đến năm 2020 phải xóa bỏ tất cả 200 lò vôi thủ công.

Sau vụ ngạt khí lò vôi xảy ra vào ngày đầu năm 2016 tại xã Hoàng Giang (H.Nông Cống, Thanh Hóa) làm 8 người chết, 1 người bị thương, chính quyền địa phương đã đưa ra lộ trình đến năm 2020 phải xóa bỏ tất cả 200 lò vôi thủ công.

Nghề làm vôi vốn cực nhọc và độc hạiNghề làm vôi vốn cực nhọc và độc hại
Trở lại xã Hoàng Giang sau một tuần xảy ra vụ tai nạn lao động thảm khốc, chúng tôi cảm nhận rõ nỗi đau đớn tột cùng hằn trên khuôn mặt những người có thân nhân tử nạn. Họ và những người thợ gắn bó cả đời với nghề nung vôi ở vùng đồng chiêm trũng này vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót trước nỗi mất mát quá lớn vừa ập đến.
Gia đình tôi làm nghề nung vôi truyền đời hàng chục năm nay, cũng có lúc bị ngộp thở do hít phải khí than, nhưng chỉ sơ cứu qua loa, uống cốc nước đường là khỏi. Ai ngờ lần này tai họa ập xuống quá thảm khốc, cùng lúc 8 mạng người ra đi. Thật quá đau đớn
Ông Lê Đình Thanh (thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang, H.Nông Cống, Thanh Hóa)

Cơ cực mưu sinh
Tuy nhiên, vì mưu sinh, ở khu vực dưới chân núi Yên Thái (xã Hoàng Giang), hàng chục phụ nữ vẫn đang dùng cào, cuốc ra lò vôi mới; nhẫn nại nhặt nhạnh, phân loại vôi cục, vôi bột, xỉ lò rồi đóng vào từng bao tải. Đang giữa kỳ làm đất chuẩn bị cho vụ chiêm xuân, người dân ở vùng đồng chiêm trũng Nông Cống đang cần vôi để cải tạo ruộng đồng và vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...
Dẫn chúng tôi tới lò vôi của ông Lê Văn Thong (57 tuổi, ngụ thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang) - nơi xảy ra vụ ngạt khí kinh hoàng, ông Lê Đình Ngọc (một chủ lò vôi, đồng thời là em họ ông Thong), cho biết ông Thong vừa đầu tư hơn 150 triệu đồng xây dựng lò vôi, mới đốt được đến lò thứ tư thì tai họa xảy ra. “Thông thường khi đã đốt lửa, người thợ không được phép xuống lò xếp than, xếp đá mà phải đứng trên miệng lò ném xuống. Do chưa thạo nghề, ông Phạm Văn Tuyên (52 tuổi, ngụ cùng thôn với ông Thong) ném không đều nên phải xuống lò xếp lại, dẫn tới bị ngạt khí tử vong. Thấy vậy, ông Thong và những người ở các lò vôi gần đó cùng vợ và 2 con gái ông Thong đã lao xuống cứu. Nhưng lao xuống đến đâu thì bị ngất xỉu, tử vong đến đó. Tôi cố can ngăn nhưng không được. Bản thân tôi, nếu không nhanh chắc cũng mất mạng rồi”, ông Ngọc nhớ lại.
Một tuần sau vụ tai nạn, nỗi đau vẫn hằn trên khuôn mặt những người làm nghề lò vôi ở thôn Yên Thái - Ảnh: Ngọc Minh
Một tuần sau vụ tai nạn, nỗi đau vẫn hằn trên khuôn mặt những người làm nghề lò vôi ở thôn Yên Thái - Ảnh: Ngọc Minh
Bần thần ngồi bên bãi vôi vừa ra lò đã nở bung thành vôi bột trắng xóa như vòng khăn tang trắng trên đầu, bà Lê Thị Loan (ở xã Hoàng Giang) đau đớn vì bỗng dưng tai họa ập xuống khiến chồng bà là ông Lê Đình Hoàn bị tử vong khi tham gia cứu những nạn nhân dưới lò vôi. Sau gần một tuần nằm liệt giường, hôm nay bà Loan mới gượng được dậy, thuê người dỡ lò vôi mong vớt vát chút đỉnh. “Lò vôi vừa chín, chuẩn bị ra lò thì ông ấy gặp nạn. Giờ toàn bộ hơn 20 tấn vôi trong lò bị nở hết. Nếu bán hết số vôi bột chắc cũng chỉ vớt vát được khoảng 5 triệu đồng, chẳng đủ trả tiền đá, tiền than và tiền công thợ...”, bà Loan than thở.
Cùng chung nỗi đau như bà Loan, ông Lê Đình Thanh (em trai ông Hoàn) buồn rầu cho biết hầu hết những chủ lò vôi ở Yên Thái hiện nay đều có họ hàng thân thích với nhau, nên vụ tai nạn đã khiến một nửa thôn Yên Thái phải đội khăn tang. Biết là làm vôi là độc hại, khó nhọc nhưng nhiều người vẫn phải gắn bó với nghề để mưu sinh. Hầu hết người thiệt mạng là lao động chính trong nhà, khiến cuộc sống của gia đình các nạn nhân vốn đã khó khăn, giờ thêm khó khăn chồng chất. “Gia đình tôi làm nghề nung vôi truyền đời hàng chục năm nay, cũng có lúc bị ngộp thở do hít phải khí than, nhưng chỉ sơ cứu qua loa, uống cốc nước đường là khỏi. Ai ngờ lần này tai họa ập xuống quá thảm khốc, cùng lúc 8 mạng người ra đi. Thật quá đau đớn”, ông Thanh nói.
Kiên quyết đóng cửa lò
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, bên cạnh việc hỗ trợ các gia đình nạn nhân lo hậu sự cho người xấu số, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, Chủ tịch UBND H.Nông Cống đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động tất cả các lò vôi thủ công trên địa bàn để kiểm tra hiện trạng, tổ chức tuyên truyền cho người dân phòng tránh những tai nạn đáng tiếc. Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB-XH và cơ quan chức năng rà soát các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn lao động đối với lò vôi trên địa bàn toàn tỉnh; kiên quyết đóng cửa lò vôi không bảo đảm an toàn, tiến tới xóa bỏ tất cả các lò thủ công.
Theo Sở Xây dựng Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có 200 lò vôi thủ công, trong đó có 40 lò sản xuất liên tục, còn lại 160 lò hoạt động theo mùa vụ. Tại H.Nông Cống có 7 lò, xã Quảng Hưng (TP.Thanh Hóa) có 26 lò, số còn lại phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện miền núi. Làm việc với Thanh Niên, ông Lê Danh Diễn, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Giang (H.Nông Cống), cho biết trước năm 2000, cả H.Nông Cống có khoảng 100 lò vôi thủ công thì xã Hoàng Giang đã có hơn 60 lò, nhưng hiện nay chỉ còn 6 lò hoạt động. Để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, chính quyền xã đã quy hoạch các lò vôi ra khu vực xung quanh chân núi Yên Thái, cách khu vực dân cư khoảng 500 m. Hiện các lò vôi đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 60 - 70 lao động với thu nhập ổn định khoảng 100.000 đồng/người/ngày.
Nguyên nhân lò vôi thủ công giảm dần là do chính quyền buộc phải xóa bỏ những lò gây ô nhiễm môi trường, quan trọng hơn là do những năm gần đây nhu cầu sử dụng vôi làm vật liệu xây dựng không còn, người dân sử dụng xi măng thay cho vôi vữa. Vôi được nung chỉ để phục vụ bà con nông dân cải tạo ruộng đồng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.