Doanh nghiệp công nghệ Việt cần chính sách công bằng

Mai Hà
Mai Hà
10/05/2019 06:53 GMT+7

Những trăn trở về chính sách hỗ trợ, về lối đi cũng như khát vọng khẳng định sản phẩm công nghệ Việt đã được nhiều start-up trẻ cũng như những ông lớn công nghệ trong nước chia sẻ trong diễn đàn.

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Be Group - công ty sở hữu ứng dụng vận tải Be, môi trường khởi nghiệp công nghệ tại VN đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn đọng nhiều bất cập. “Chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các start-up còn khá khắt khe, trong khi một số DN nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước”, ông Hải chia sẻ và khuyến nghị cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước, tránh hỗ trợ ngược khiến mất thị trường VN vào các DN nước ngoài, vững được thị trường trong nước mới có thể vươn ra khu vực. Ông Hải cũng cho rằng, tài sản quý nhất trong thời đại công nghiệp 4.0 là dữ liệu người dùng, đây cũng chính là tài nguyên quốc gia. DN Việt cần làm chủ và nhà nước cần kiểm soát được tài nguyên này.
Nhận được nhiều tán thưởng với bài phát biểu thẳng thắn, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, cho rằng để các sản phẩm sáng tạo dựa trên công nghệ của VN phát triển thì phải thay đổi lối tư duy cũ trong chính sách quản lý.
Người đứng đầu VCCorp chứng minh năng lực của các DN nội địa như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0 từ VinFast đến Vinsmart, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G, thị trường gọi xe có Grab thì giờ cũng có Be, Fastgo, mảng nội dung số có VNG với Zalo, VCCorp... Tuy nhiên, tên tuổi lớn vẫn ít, tiềm năng phát triển chưa hết do chính sách quản lý lỗi thời, chưa công bằng với DN nội địa.
"Chính sách của chúng ta là Grab cần gắn mào trên nóc xe, phá vỡ hoàn toàn mô hình kinh doanh xe gia đình. Mạng xã hội VN nếu thuê người sản xuất video đăng lên thì vi phạm quy định về quản lý báo chí còn YouTube, Facebook... thì thuê hẳn công ty làm nội dung lại không bị kiểm soát. Chính vì thế, nhiều công ty muốn làm nhưng không dám", ông Tân chia sẻ. Cũng theo DN này, nhiều DN công nghệ trên thế giới được hỗ trợ thuế 0%, trong khi các công ty công nghệ sáng tạo VN phải đóng thuế tới 15 - 20% doanh thu.
Đại diện VCCorp cũng đề xuất 3 cơ chế: thứ nhất, với những loại hình kinh doanh mới đã rõ ràng cần tách riêng để quản lý. Thứ hai, loại hình chưa rõ ràng thì tạo cơ chế sandbox, khoanh vùng số lượng công ty, quy mô để quản lý. Thứ ba, loại hình còn hóc búa thì tạo đặc khu ảo để chọn lọc vấn đề, công ty chặt chẽ hơn.
Nhấn mạnh đến vấn đề chính sách, theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast, để DN Việt đủ tự tin và cả niềm tin để phát triển công nghệ thì chính sách của nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, các ưu tiên về thuế, thủ tục cởi mở sẽ giúp nền kinh tế phát triển. Chính phủ nên tạo động lực, thậm chí tạo áp lực cho các DN phát triển.
Còn theo ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Got It, nói rằng không chỉ trong nước mà cơ hội tại thị trường Đông Nam Á rất lớn. Tuy nhiên, thách thức với DN Việt là chưa có đội ngũ lãnh đạo kỳ cựu có khả năng xây dựng sản phẩm hướng ra thị trường toàn cầu. Đội ngũ quản lý sản phẩm gần như chưa có, kỹ sư tốt nghiệp mới chỉ làm tốt việc gia công nhưng chưa được đào tạo kỹ càng để làm được sản phẩm lớn.
Từ góc độ kinh nghiệm quốc tế, theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, DN công nghệ có thể giúp các nước thu nhập trung bình gia tăng năng suất lên 0,8 - 1,4% mỗi năm. Chính phủ luôn đặt mục tiêu GDP từ 7%, nếu có thêm các DN công nghệ lớn, khả năng sẽ giúp kinh tế tăng thêm được 0,8 - 1,4%. Ông Thành cũng đề xuất DN công nghệ không đi lên đơn lẻ mà cần được hội tụ theo cụm ngành đổi mới (innovation cluster), phải có chính sách thu hút DN tập trung thành các cụm ở một nơi và có tác động cộng hưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.