Doanh nghiệp ngại thêm siêu bộ quản lý

24/08/2016 09:16 GMT+7

Dù lãnh đạo Bộ KH-ĐT trấn an rằng việc lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là để thu hẹp lĩnh vực hoạt động của các 'ông lớn' nhà nước, giảm cảnh 'một cổ nhiều tròng' cho doanh nghiệp song nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn.

Lo đánh bùn sang ao
Mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tiếp tục là vấn đề gây nhiều tranh luận tại hội thảo giới thiệu kinh nghiệm quốc tế và bài học VN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức hôm qua (23.8).
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định về thành lập ủy ban này thừa nhận, trong hai tháng qua, kể từ khi đề cương dự thảo nghị định được công bố, ông đã nhận được nhiều tâm sự của các chuyên gia lo ngại về việc sẽ có thêm một “siêu bộ”, như là cơ quan hành chính mới để quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN). “Mục tiêu của chúng tôi không phải lập ra một cơ quan mới đi xuống điều hành từng DN mà ủy ban sẽ xây dựng chiến lược cho DN theo định hướng của Chính phủ trên cơ sở DNNN không đi cạnh tranh, tranh giành thị trường với các công ty tư nhân”, ông Đông nói.
Đánh giá ý tưởng cơ quan quản lý vốn nhà nước là đột phá về thể chế và cung cách quản lý, song theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần một mô hình khả thi hơn, hiệu quả hơn là tổ chức ủy ban theo các phòng ban. Cần rút kinh nghiệm nhìn từ thực tế chưa hiệu quả của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC vì vẫn bị can thiệp chính trị quá sâu vào hoạt động.
Cùng quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh lo ngại, hoạt động của các DNNN đang bị can thiệp quá sâu trong khi vấn đề mấu chốt là cần một mô hình mà trong đó trách nhiệm giải trình phải rõ ràng. Nếu không thì mô hình ủy ban khó mà đạt được hiệu quả như mong đợi. "Chứ như ví dụ mới đây, tổng giám đốc một công ty nhà nước yêu cầu chuyển một khoản tiền khá lớn (500 triệu đồng), vào một việc riêng mà không ai nói gì, chỉ đến khi báo chí đưa thì mọi sự mới vỡ lở", ông Doanh dẫn chứng.
TS Đặng Đức Đạm, nguyên Phó ban Nghiên cứu của Thủ tướng thì nhận xét mô hình này không phải là phương án tối ưu mà chỉ là chuyển chức năng chủ sở hữu từ nhiều bộ về một bộ “N+1”. Như vậy, ủy ban hay bộ này sẽ làm công việc hành chính thay các bộ kia mà thôi chứ vấn đề cốt lõi là quản lý DN theo cơ chế thị trường thì chưa đạt được. Từ đó, ông đề xuất một mô hình ủy ban làm chiến lược cho Chính phủ, rồi giao chiến lược kinh doanh này cho một số tổng công ty đầu tư quản lý vốn nhà nước tương tự như SCIC và quản lý các tổng công ty này chứ không thể có một ủy ban với tay xuống hàng trăm DNNN.
Cồng kềnh, lãng phí
Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhìn nhận tên gọi ủy ban chỉ là tạm thời, song cái chính là cơ quan này chỉ thực hiện quyền chủ sở hữu của DNNN chứ không còn chức năng khác nữa như hiện các bộ vẫn làm. “Không có chuyện ủy ban này đi xuống điều hành từng DN mà DN chỉ báo cáo về ủy ban thay vì một cổ 5 - 6 tròng như bây giờ là báo cáo nhân sự với Bộ Nội vụ, báo cáo lương với Bộ LĐ-TB-XH, báo cáo chuyên môn với bộ chủ quản, báo cáo tài chính với Bộ Tài chính hay trình bày chiến lược với Bộ KH-ĐT", ông Đông nói.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm quốc tế, ông William P.Mako (Ngân hàng Thế giới) lo ngại, cơ cấu của ủy ban gồm 6 ban chuyên trách như Ban Đầu tư, Ban Kế hoạch, Ban Phân tích dự báo... là cồng kềnh, lãng phí. Hoặc tệ hơn, có thể thành bộ máy quan liêu tuy không trực tiếp điều hành nhưng can thiệp quá sâu vào hoạt động hằng ngày của DN như đang diễn ra với mô hình Ủy ban Giám sát quản lý tài sản nhà nước của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.