Doanh nghiệp nhà nước vẫn ở vị trí... 'trang trọng'

06/03/2015 09:04 GMT+7

Sau khi cựu Thủ tướng Anh Tony Blair phát biểu những ý kiến tư vấn về cải cách, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở VN, PV Báo Thanh Niên đã phỏng vấn ông Phạm Viết Muôn, người vừa mới rời chức vụ Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp hồi đầu năm 2015, xung quanh những vấn đề này.

Sau khi cựu Thủ tướng Anh Tony Blair phát biểu những ý kiến tư vấn về cải cách, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở VN, PV Báo Thanh Niên đã phỏng vấn ông Phạm Viết Muôn, người vừa mới rời chức vụ Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp hồi đầu năm 2015, xung quanh những vấn đề này.

 * Năm 2014 đã cổ phần hóa (CPH) hơn 140 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng theo kế hoạch 2014 - 2015 thì vẫn còn gần 300 DN nữa phải CPH, theo ông, tiến trình CPH như vậy là nhanh hay chậm?

- Nếu so với những năm trước đó thì là nhanh vì 140 DN được CPH là bằng cả mấy năm trước cộng lại nhưng nếu so với yêu cầu đặt ra thì có thể gọi là chậm. Có người thì giải thích do cơ chế, có người cho rằng vì đã động đến DN quy mô lớn nên phức tạp… nhưng theo tôi, cái quyết định vẫn là tư tưởng, là nhận thức. Ở đây có vấn đề ý thức. Một khi chúng ta còn chưa dứt khoát với vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế ở mức độ nào, đến đâu thì còn khó làm.

* Điều gì đang gây bế tắc, cản trở quá trình CPH?

- Là ở vấn đề tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước ở các DN sẽ CPH. Nhiều nhà đầu tư không quan tâm đến các DN mà nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối vì họ không muốn là người mua pháo cho người khác đốt, họ muốn tham gia điều hành, quản trị, có quyền tham gia quyết định. Do đó, theo tôi, khi phê duyệt phương án CPH sắp tới phải xác định chắc chắn, DN nào nhà nước giữ bao nhiêu phần trăm. Nếu không cần giữ chi phối thì có thể bán hết.

Vướng nữa là vấn đề giá, ta vẫn nói thị trường, người mua quyết định, nhưng xác định giá trị DN bằng nhiều cách: dòng tiền, tài sản, giá trị sổ sách… nhưng làm gì cũng không được bán cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách. Điều này là khiên cưỡng vì giá trị sổ sách của ta ít khi thấp hơn giá thị trường vì nhiều lý do như đầu tư của nhà nước thường đắt hơn. Vậy đã thị trường thì để thị trường quyết định. Chứ đã tính theo giá sổ sách còn đưa ra đấu: phải trả cao hơn. Vậy bán được ít là phải rồi. Nếu cứ nghĩ CPH là thu tiền về là không phải. Vì suy nghĩ đó nên đang tắc. Hiện nay, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép bán cổ phần dưới giá (sổ sách) nhưng điều này thực tế vẫn khó thực hiện. Năm 2014, việc thoái vốn ở các DNNN phần lớn cao hơn hết sổ sách. Đặt vào vị trí DN mới thấy bán dưới giá trị sổ sách khó vì trách nhiệm không rõ ràng, nên nhiều người không dám quyết định gì cả.

Ngoài ra, xử lý công nợ cũng là vấn đề lớn. Trước đây, nhiều DN vay để đầu tư, kinh doanh với lãi suất rất cao. Nếu để nợ như vậy rất khó bán, có một cách xử lý tốt bằng cách vay nợ mới trả nợ cũ. Một số DN đã thực hiện được điều này. Như Công ty xi măng Cẩm Phả, sau khi cơ cấu lại khoản nợ, lỗ thì ngay trong năm đầu đã có lãi 200 tỉ đồng.

* Theo ông, trong vòng 5 năm tới, khối DNNN sẽ thế nào?

- Số lượng DNNN 100% vốn sẽ ít đi, đó là điều chắc chắn. Nhưng vị trí, vai trò của khối này trong nền kinh tế, theo tôi chưa khác đi mấy so với bây giờ. Đấy cũng là thực tế. Hãy nhìn vào đóng góp của các DNNN trong GDP, nộp ngân sách... dù có giảm đi nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn. Các tập đoàn dầu khí, điện lực, than... vẫn giữ chi phối gần như tuyệt đối trong các ngành này. Vốn của khối DNNN sẽ giảm nhưng chắc là chưa giảm được 20% so với hiện nay vì tổng vốn DNNN hiện khoảng 1,3 triệu tỉ đồng, nếu giảm 20% cũng là rất nhiều. Cho nên, tôi nghĩ, đến năm 2020, DNNN vẫn còn ở vị trí rất trang trọng theo nền kinh tế. Đấy là thực tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.