Doanh nghiệp nhỏ ra biển lớn

22/04/2016 07:00 GMT+7

So với những nước láng giềng, các chính sách ở VN vẫn chưa thực sự tỏ ra hiệu quả và thiết thực trong việc giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ 'ra biển lớn'.

So với những nước láng giềng, các chính sách ở VN vẫn chưa thực sự tỏ ra hiệu quả và thiết thực trong việc giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ 'ra biển lớn'.

Doanh nghiệp nhỏ ra biển lớn
Các đại biểu dự một hội nghị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEAN - Ảnh: Asean.org
Khi cơn khát thị trường mới và những cuộc chinh phạt quốc tế đang trở thành xu hướng rầm rộ và mãnh liệt, chính phủ một số nước ASEAN đã nhanh chóng thành lập những cơ quan chuyên biệt, giữ nhiệm vụ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nước mình trên đất khách.
Nhóm viễn chinh người Thái
“Thailand Team” (Đội Thái Lan) là tên gọi đơn giản mà chính phủ Thái dùng để đặt cho cơ quan kinh tế mới thành lập của mình, với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đầu tư ra toàn Đông Nam Á. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Apiradi Tantraporn khẳng định với báo giới nước này rằng “Đội Thái Lan” sẽ đảm đương nhiệm vụ thống kê các dữ liệu kinh tế, thăm dò, phân tích thị trường và từ đó tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trước các quyết định ký kết hay dự án hợp tác trên thị trường nước bạn. “Thailand Team sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết những trở ngại về thủ tục, pháp lý khi đầu tư tại cộng đồng CLMV… Các tập đoàn lớn cũng sẽ hỗ trợ, giúp đỡ nhóm SME trong việc tìm kiếm cơ hội trên sân khách”, Bộ trưởng Apiradi nhấn mạnh.
CLMV - tên gọi tắt của nhóm 4 thành viên ASEAN gồm Campuchia, Lào, Myanmar và VN, là các thị trường xuất khẩu mới đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Thái, và sự ra đời kịp thời của “Thailand Team”, với “quyền trợ giúp” từ các bộ, ngành và hàng loạt ngân hàng thương mại lớn, được kỳ vọng là cỗ xe giúp doanh nghiệp Thái tăng tốc trên con đường chinh phục các thị trường láng giềng.
Ngày xuất khẩu ở Malaysia
Để kêu gọi các SME đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, chính phủ Malaysia trong tuần qua đã tổ chức Export Day - Ngày xuất khẩu - để giới thiệu các thị trường tiềm năng trong khu vực. Cơ quan Xúc tiến ngoại thương Malaysia (Matrade), nhà tổ chức của Export Day, tha thiết mời gọi các doanh nghiệp đăng ký làm thành viên để được hỗ trợ về chuyên môn, thủ tục pháp lý và tài chính trong các thương vụ trên nước bạn. Không chỉ nói suông, Matrade đã lập 150 dự án cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đón đầu những lợi thế có được từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Malaysia cũng tham gia.
“Trong số đó, có nhiều kế hoạch giúp SME tăng sản lượng xuất khẩu, củng cố nền tảng công nghệ, phát triển mảng thương mại điện tử, đặc biệt trong những lĩnh vực giá trị cao như dầu khí và chất đốt, hàng hải, điện tử và dược phẩm”, Bộ trưởng Công thương quốc tế Mustapa Mohamed phát biểu với báo giới. Matrade, với 46 chi nhánh có mặt trên khắp thế giới, cũng tuyên bố hợp tác với 4 ngân hàng và quỹ tín dụng hàng đầu Malaysia để kịp thời rót vốn cho các SME trong các thương vụ ở nước ngoài.
Singapore ưu tiên nhà thầu vừa và nhỏ
Theo Bộ Tài chính Singapore, 85% các dự án công của đảo quốc này rơi vào tay nhóm SME, với tổng giá trị các gói thầu chiếm đến gần 2/3 toàn bộ nguồn kinh phí nhà nước. Không chỉ ưu ái các doanh nghiệp tầm trung trong các gói thầu nội địa, chính phủ Singapore còn khuyến khích những doanh nghiệp này mạnh dạn đầu tư ra quốc tế để giải quyết tình trạng bế tắc của nền kinh tế, vốn chỉ tăng trưởng ở mức 1 - 3%, tốc độ thấp nhất trong vòng một thập niên trở lại đây. Cuối tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat vừa ra mắt cổng Dữ liệu thương mại quốc gia (NTP), cho phép các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, đăng ký kinh doanh hoặc khai báo thủ tục hải quan chỉ sau vài thao tác nhấp chuột. NTP, với kinh phí xây dựng lên tới 100 triệu SGD, cũng cho phép các SME cập nhật tiến độ các dự án đang thực hiện, tìm kiếm các đối tác kinh doanh hoặc tiếp cận các gói thầu một cách minh bạch, dễ dàng... Cùng với sự ra đời NTP, chính phủ Singapore còn tuyên bố rót 30 triệu SGD cho các hiệp hội, nghiệp đoàn kinh doanh, giúp hỗ trợ tư vấn cho các SME để “vươn ra thế giới”.
Doanh nghiệp Việt cần chính sách rõ ràng, thông tin minh bạch
Năm 2016 - thời điểm bản lề của hàng loạt các hiệp định hội nhập thương mại, một lượng lớn hàng hóa từ nước ngoài sẽ đổ vào thị trường VN, tạo thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước ngay tại sân nhà. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn chưa thực sự tỏ ra hiệu quả và thiết thực trong việc giúp các SME ra biển lớn. “Tôi nhớ những năm 2004 - 2005, khi bàn về các chương trình hỗ trợ khu vực SME, chúng ta đã bàn tới mô hình hỗ trợ theo kiểu xương cá, với xương sống là khung chính sách thống nhất, có cơ quan điều phối để đảm bảo không có các xương mọc ngược. Rất tiếc, 15 năm nhìn lại, những gì ta muốn hỗ trợ khu vực này như tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ... thì nó vẫn còn đấy. Vậy nhà nước có nên tiếp tục ngồi nghĩ việc hỗ trợ doanh nghiệp, hay phải là chính các doanh nghiệp đề xuất lên”, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), từng chia sẻ với báo chí về độ vênh giữa chính sách hỗ trợ của nhà nước và cái doanh nghiệp thực sự cần.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là chuyện “những chiếc xương cá” đâu vẫn hoàn đấy trong suốt 15 năm. Theo bà Lê Huỳnh Kim Ngân, nhà sáng lập Twenty.vn, một cổng thông tin hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp, cái mà SME cần nhất trong giai đoạn hiện nay là các chính sách, thông tin rõ ràng, cụ thể. “Khoan bàn gì nhiều, chỉ cần một chính sách minh bạch, cụ thể đã là phương pháp hỗ trợ thiết thực nhất dành cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại”, bà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.