Doanh nghiệp Việt đang chậm chân

07/02/2015 05:12 GMT+7

Ngày 6.2, Bộ Ngoại giao phối hợp UBND TP.HCM tổ chức tọa đàm “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ 2015”. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì tọa đàm.

Ngày 6.2, Bộ Ngoại giao phối hợp UBND TP.HCM tổ chức tọa đàm “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ 2015”. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì tọa đàm.

Trong năm 2015, ngoài việc chính thức thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), VN có thể sẽ ký kết 6 FTA (hiệp định thương mại tự do), bao gồm TPP; ASEAN + 6; FTA giữa VN và EU, Hàn Quốc (đã kết thúc đàm phán), Liên minh Hải quan (Nga - Belarus - Kazakhstan, cũng đã đàm phán xong), 4 nước khu vực Trung và Bắc Âu. Đây đều là những FTA có những đòi hỏi rất cao, không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ hợp tác kinh tế mà cả yêu cầu hội nhập và phát triển. Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, tham gia những “sân chơi” này, VN sẽ được nhiều cái lợi, nhất là về thị trường xuất khẩu. Những lợi ích cốt lõi của VN ở những lĩnh vực có thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản... sẽ tiếp tục phát triển.

Cũng theo Phó thủ tướng, trong việc thực hiện các cam kết của cộng đồng ASEAN, VN hiện là nước đi đầu, đạt tỷ lệ 85% so với tỷ lệ trung bình của ASEAN là hơn 80%. Điều này cho thấy quyết tâm hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực của VN. Tuy nhiên, thách thức là cả DN và người dân chưa nắm rõ được tiến trình hội nhập. Đơn cử, với Cộng đồng kinh tế ASEAN, thực tế là VN đang sống trong cộng đồng này rồi và cuối năm nay là hoàn tất những cam kết mà các nước cần phải thực hiện nhưng nhiều DN vẫn chưa nắm rõ. Có những cam kết mà các nước ASEAN-6 (6 nước thành viên đầu tiên) và VN đã thực hiện từ năm 2010. Có những cơ hội rất lớn được tạo ra trong cộng đồng này mà các DN ở các nước ASEAN nắm bắt và tận dụng thành công, trong khi DN VN chưa thấy được những cơ hội đó.

Trong nước, các DN ASEAN đã đầu tư vào, tạo ra sự cạnh tranh rất lớn cho DN nội địa. “Họ cũng xây dựng nên các biện pháp bảo vệ hợp pháp (trong khuôn khổ các cam kết), còn chúng ta thì chưa tìm hiểu rõ những biện pháp đó nên thường bị thiệt và chúng ta cũng chưa biết cách để sử dụng các biện pháp để tự bảo vệ mình, nhằm tạo ra một sự cạnh tranh bình đẳng”, Phó thủ tướng nhận định.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư: “Các DN thay vì suy nghĩ sản xuất để phục vụ thị trường 90 triệu dân VN thì nên nghĩ về thị trường 600 triệu người với giá trị thương mại lên đến 3.000 tỉ USD của ASEAN. Mà ASEAN là cộng đồng mở với khu vực và thế giới, nên đó là chuỗi, là mạng sản xuất mang tính toàn cầu”.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “DN phải hiểu rất rõ từng quy định trong ASEAN để tận dụng”, đồng thời khẳng định: “Nhà nước sẽ nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh đổi mới thể chế, hoàn thiện chính sách, pháp luật để cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách trong năm 2015. Bên cạnh đó, một trong những điểm trọng yếu là phải gấp rút chuẩn bị nội lực cho việc tham gia một thị trường chung ASEAN, giảm thuế quan và thuận lợi hóa tối đa việc luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư trong khu vực”.

Thách thức an ninh lớn nhất

Tại tọa đàm, đại sứ Nguyễn Đức Hòa, Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao, nhận định những hành động của Trung Quốc như hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải dương-981) trong vùng biển VN trong năm 2014 và đang ráo riết thay đổi cấu trúc, mở rộng tôn tạo các đảo, bãi chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN cho thấy nước này muốn khống chế toàn bộ biển Đông. Ông cho rằng chính sách của Trung Quốc ở biển Đông là “thách thức lớn nhất đối với an ninh, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và môi trường an ninh phát triển của nước ta”.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.