Hãy tạo điều kiện cho kiều bào thế hệ thứ nhất trở về

12/11/2005 23:00 GMT+7

Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Trà Vinh nghèo khó, Phan Thành sớm nắm nhiều cơ hội kinh doanh trong lúc ra nước ngoài du học. Khi đã có trong tay văn bằng quốc tế, ông không ở lại xứ người như đa số bạn học của mình mà quyết định trở về làm giàu trên quê hương.

Mang quốc tịch Canada, Phan Thành hiện là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM (OVIBA). Ở tuổi lục tuần, với vốn sống dày dặn và óc quan sát tinh tế của một thương gia am hiểu thời cuộc, ông trao đổi với Thanh Niên những suy nghĩ của mình xung quanh vấn đề tạo điều kiện cho kiều bào trở về xây  dựng đất nước.

* Được biết vừa qua OVIBA có đề xuất lên Thủ tướng Phan Văn Khải hai biện pháp để thu hút vốn đầu tư của Việt kiều, xin ông cho biết đó là những biện pháp gì?

- OVIBA vừa đề xuất lên Thủ tướng Phan Văn Khải hai biện pháp để thu hút vốn đầu tư của Việt kiều nên tiến hành càng sớm càng tốt. Thứ nhất, cho phép Việt kiều lấy visa vào Việt Nam tại sân bay quốc nội. Thứ hai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ mua nhà ở trong nước. Chuyện cho phép Việt kiều mua nhà, tôi nghĩ rằng sẽ kéo theo 3 hiệu ứng. Trước hết, việc sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ giúp Việt kiều "an cư lạc nghiệp" và làm giảm thiểu những tiêu cực phát sinh do tình trạng mua bán bất động sản vòng vo. Tiếp đến là hiệu ứng tâm lý tích cực lên các thế hệ Việt kiều thế hệ thứ 2, 3. Hãy tưởng tượng, nếu ông bà, cha mẹ của mấy em Việt kiều trẻ có nhà đàng hoàng ở Việt Nam, chắc chắn đó sẽ là động lực để các em quay về thăm cội nguồn của mình, nhất là vào các kỳ nghỉ. Có như thế, mới tạo được mối dây liên hệ giữa các thế hệ kiều bào về tình cảm dành cho quê hương. 

Tôi được biết, nhiều Việt kiều tránh những thủ tục xin visa rườm rà ở các tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bằng cách mua "dịch vụ" của các công ty du lịch. Mỗi lần tốn từ 50 đến 100 USD. Vì vậy, theo tôi, Nhà nước phải giải quyết sớm vụ visa này, nếu không thì việc cho Việt kiều mua nhà cũng giảm bớt ý nghĩa. Thử hỏi, cho người ta mua nhà mà làm khó, không cho họ vào "nhà" của mình thì còn ra sao?  
 
* Vậy còn điều gì khiến ông phải trăn trở về cách Nhà nước thu hút nguồn lực của Việt kiều?

Là tổng giám đốc của Công ty đầu tư Việt kiều - Overseas Vietnamese Investment Company (OVIC), ông Phan Thành từng ký kết những hợp đồng trị giá hàng chục triệu đô la với các đối tác nước ngoài. Ông là cổ đông lớn của các khách sạn Equatorial, Sofitel Plaza ở Hà Nội, đồng thời là chủ của OVIC Motel ở Trà Vinh. Ngoài ra, ông nắm giữ 60% cổ phần của hệ thống Monaco Pizza ở Sài Gòn. Mới đây, ông tiếp tục đầu tư vào khu ẩm thực u - Á trong khuôn viên siêu thị Co-op Mart ở thành phố Cần Thơ. Gần đây, ông đầu tư ra  miền Trung với kế hoạch xây dựng một khu resort 4 sao trị giá 10 triệu USD,  rộng 6 ha ở Hội An. 

- Lâu nay, chúng ta cứ vò đầu bứt tai tại làm sao mà chỉ mới có 200 trong số 300.000 trí thức kiều bào chịu về nước làm việc. Lý do, chúng ta không biết cách chọn đối tượng để kêu gọi. Nếu chỉ hô hào suông thì không thể thuyết phục Việt kiều thế hệ thứ 2, 3 chịu từ bỏ mức lương 8.000 đến 10.000 đô la/tháng để về Việt Nam nhận mức lương thấp chưa tới 1/10.

- Sai lầm của chúng ta là lâu nay không chú ý đúng mức đến thế hệ Việt kiều thứ nhất, những người từng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên có nhiều tình cảm gắn bó với quê hương. Vào thời điểm này, đa số họ đã già và về hưu. Phần lớn bạn bè đang ở nước ngoài tâm sự với tôi họ thèm về cố hương lắm. Xã hội bên Tây hầu như xem những công dân trên 50 tuổi như những món hàng hết date sử dụng.  Nếu Chính phủ Việt Nam đề nghị họ được cống hiến cho công cuộc phát triển kinh tế nước nhà, tôi chắc nhiều người sẽ chấp nhận về nước làm việc với mức lương chỉ khoảng 1.000 USD/tháng. Theo tôi, ở Việt Nam, chừng đó cũng đủ để người ta sống thoải mái. Mặt khác, Chính phủ lại được lợi là sử dụng chất xám nhưng không tốn công đào tạo.

* Một câu hỏi mang tính chất cá nhân. Nghe nói ông sắp kết thúc một dự án xây dựng giữa lòng Sài Gòn một khu du lịch sinh thái kiểu Nam Bộ thu nhỏ có tên gọi "Làng tôi"? 

- Dự án đã kéo dài 17 năm rồi. "Làng tôi" tọa lạc trên khoảng đất rộng 10.000m2 ngay dưới chân cầu Thủ Thiêm sắp xây, hy vọng 2 năm nữa sẽ hoàn tất cùng lúc khánh thành cây cầu. 25% của tổng diện tích được sử dụng cho các công trình xây dựng bao gồm văn phòng làm việc, phòng hội họp, nhà thờ tổ tiên, khu đàn ca tài tử, sân tennis, nhà nghỉ,  xưởng mộc..., tất cả đều làm từ vật liệu thiên nhiên. 74% diện tích còn lại là vườn sinh thái bao gồm khu trồng cây ăn trái nhiệt đới với xoài, ổi, mít, dừa Tam Quan... Chuồng thú với các loại chim muông, khỉ, beo, trăn... những hàng mai, rặng trâm bầu, những cây bần cùng với các loài thực vật phổ biến ở rừng U Minh như tràm, đước... Tôi khẳng định rằng tất cả những vị khách đến viếng thăm "Làng tôi" sẽ được đón tiếp nồng nhiệt.

Quỳnh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.