Đưa dúi rừng về phố

07/08/2017 10:39 GMT+7

“Mê” nuôi vật lạ, một người dân ở TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi dúi rừng ở giữa phố và thành công ngoài mong đợi.

Một lần lên nhà bạn ở Kon Tum chơi, ông Phạm Văn Thành (56 tuổi, ở khối phố 7, P.An Xuân, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) thấy bạn nuôi dúi rừng nên lân la hỏi thăm và được bạn chia sẻ cách thức nuôi.

tin liên quan

Tự tạo cơ hội: Nuôi dúi lợi nhuận cao
Từ con vật sống hoang dã ít người biết, qua bàn tay khéo léo của chị Nguyễn Thị Phượng (Quảng Nam), dúi trở thành sản phẩm được nhiều người ưa thích và mang lại giá trị kinh tế cao.
Sau đó, ông mua 2 cặp dúi rừng với giá 1,6 triệu đồng về nuôi thử; gần 2 tháng 2 con dúi mẹ đã sinh được 4 con. Nhận thấy nuôi dúi rừng có hiệu quả, ông quyết định đầu tư.


Để nuôi được dúi rừng, không phải một sớm một chiều là thành công ngay được, mà đòi hỏi phải có thời gian. (...) Dúi sống hoang dã nên để thích nghi với môi trường nuôi khép kín rất khó, đặc biệt là ở môi trường thành phố

Ông Phạm Văn Thành


Cũng theo ông Thành, dúi rừng là động vật hoang dã nên lúc mới nuôi gặp khá nhiều khó khăn vì nó... rất hung dữ. Ông nhận ra, cần giảm sự tiếp xúc trong giai đoạn đầu để tạo cảm giác an toàn cho dúi, thậm chí nếu gặp hơi người lạ có thể dúi sẽ chết. Bản tính của loại động vật gặm nhấm này là ăn đêm ngủ ngày, do vậy cần hạn chế không cho ánh sáng mặt trời tiếp xúc trực tiếp nhiều. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vào ban ngày mình cũng phải cho chúng ăn, để có sự tỉnh táo; nếu để cho nó ngủ li bì cả ngày thì con vật sẽ mất cân bằng.
“Để nuôi được dúi rừng, không phải một sớm một chiều là thành công ngay được, mà đòi hỏi phải có thời gian. Người nuôi phải có tính cần cù, nhẫn nại vì dúi phát triển rất chậm. Mặt khác, dúi sống hoang dã nên để thích nghi với môi trường nuôi khép kín rất khó, đặc biệt là ở môi trường thành phố”, ông Thành chia sẻ.
Với 2 cặp dúi giống bố mẹ ban đầu, sau gần 1 năm nuôi đến nay ông Thành đã có gần 30 con dúi nuôi trong diện tích gần 100 m2. Ông đầu tư xây từng ô nhỏ để dúi trú ẩn, trong đó có 5 con dúi mẹ đang trong thời kỳ sinh sản. Dễ nuôi, chi phí đầu tư ít, không tốn nhiều công, đầu ra tốt, từ lúc sinh ra cho đến khi bán thương phẩm khoảng 6 tháng với trọng lượng từ 1 - 1,2 kg. Theo tính toán của ông Thành, nếu chăm sóc tốt, dúi có thể đạt trọng lượng 1,5 - 2 kg. Dúi càng già, thịt càng thơm ngon. Trong khi đó, dúi ngoài thị trường đang được bán với giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Còn dúi giống sau khi nuôi được 2-3 tháng là có thể bán với giá 400.000 - 450.000 đồng/cặp.
Ông Thành cho biết thêm, mỗi năm dúi mẹ sinh sản 4 lứa, mỗi lứa từ 2 -3 con, có lứa 4 - 5 con. Sau 45 ngày khi dúi con ăn mạnh thì có thể tách ra khỏi mẹ, rồi tiếp tục cho dúi mẹ nhân giống. Thức ăn chính của chúng chủ yếu là thân mía, hạt bắp, cỏ cây... vốn có sẵn ngoài tự nhiên, nên người nuôi tiết kiệm được nhiều chi phí. Thịt dúi là một trong những món đặc sản, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng.

tin liên quan

Làm giàu nhờ nuôi dúi
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ khởi nghiệp (thuộc Hội LHTN VN tỉnh Đắk Lắk), nhiều thanh niên ở vùng sâu, vùng khó khăn đã có cơ hội thực hiện ước mơ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
“Với đầu ra đảm bảo và giá thành ổn định như năm nay, nếu bán số dúi hiện tại trong chuồng thì sẽ thu được gần 200 triệu đồng sau gần một năm nuôi. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại cùng với đó là tăng số lượng đàn dúi lên 100 con, nhằm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình từ con vật lạ này”, ông Thành chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.