"Đưa hàng Việt đến với người Việt"

29/07/2011 09:00 GMT+7

(TNO) Vào lúc 14 giờ hôm nay 29.7, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (DNT VN) và Báo Thanh Niên tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Sao vàng Đất Việt - Đem hàng Việt đến với người Việt". Tại buổi giao lưu nhiều doanh nghiệp (DN) trong Top 100 Sao vàng Đất Việt (SVĐV) cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về những trăn trở, thách thức để làm thế nào đưa hàng Việt đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, ba Đại sứ hàng Việt là NSƯT Kim Xuân, nghệ sĩ Cẩm Vân, nghệ sĩ Hiếu Hiền sẽ cùng chia sẻ về chuyện lựa chọn hàng Việt, trào lưu và phong cách tiêu dùng hàng hóa trong giới showbiz và giới trẻ hiện nay...

Hiện tại, đa số các DN trong nước đều phải đối mặt với hàng loạt khó khăn đến từ lãi suất ngân hàng, vốn vay, tình hình lạm phát khiến giá cả, chi phí sản xuất tăng cao... Tuy nhiên, bằng những nỗ lực của mình các DN vẫn cố gắng tiếp tục đứng vững trong khó khăn đồng thời cố gắng phát huy hết khả năng để đưa hàng Việt đến với tay người Việt nhiều hơn nữa.

Buổi giao lưu "Sao vàng Đất Việt - Đem hàng Việt đến với người Việt" do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Báo Thanh Niên đồng tổ chức.


Anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội DNT Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình giao lưu - Ảnh Đào Ngọc Thạch

Đúng 14 giờ chương trình bắt đầu. Đến tham dự buổi giao lưu có anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội DNT Việt Nam; anh Đặng Quốc Toàn, đại diện cơ quan T.Ư Đoàn; Anh Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội DNT Việt Nam; chị Đào Hồng Hạnh, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên; và đặc biệt là sự có mặt của lãnh đạo các DN tiêu biển đã từng đoạt Giải thưởng Sao vàng Đất Việt qua các năm. Và 2 đại sứ Hàng Việt cũng là những nghệ sĩ tên tuổi của chúng ta là NSƯT Kim Xuân, ca sĩ Cẩm Vân, nghệ sĩ Hiếu Hiền.

Mở đầu cho buổi tọa đàm, anh Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Sau 8 năm (2003 - 2010) tổ chức, được sự chỉ đạo trực tiếp của Hội LHTN Việt Nam, giải thưởng SVĐV đã bình chọn và trao giải cho 1.327 thương hiệu, sản phẩm. Các thương hiệu, sản phẩm được trao giải đều mang tính tiêu biểu cho đất nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế, có uy tín cao trong xã hội. Giải thưởng SVĐV đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của các DN trong cả nước với số lượng rất đông các tỉnh, thành và bộ ngành đề cử thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu tham gia bình chọn giải thưởng.

Năm 2011, trong điều kiện nền kinh tế đất nước đang gặp phải những khó khăn, đặc biệt là lạm phát ở mức cao và luôn có xu hướng gia tăng, giải thưởng SVĐV tiếp tục được triển khai phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu, vượt qua khó khăn, thách thức.

Nhưng cũng từ năm nay, giải thưởng SVĐV sẽ chính thức được tổ chức 3 năm một lần chứ không còn là giải thưởng thường niên trước đây nữa.

Theo anh Nguyễn Mạnh Cường, giải thưởng SVĐV năm nay có đổi mới về công tác tổ chức, quy trình bình chọn, tiêu chí xét trao giải và các hoạt động tôn vinh, hỗ trợ các doanh nghiệp trước, trong và sau giải thưởng.

Cụ thể là trong năm 2011, Ban tổ chức đã thành lập nhóm chuyên gia tư vấn với sự hỗ trợ của Công ty Kiểm toán KPMG và Công ty APAVE Việt Nam và Đông Nam Á để xây dựng thang chấm điểm cho các tiêu chí bình chọn giải thưởng SVĐV 2011.

Anh Cường cho biết, thang chấm điểm của giải thưởng SVĐV lần này sẽ tập trung quan tâm đến các chỉ số về tăng trưởng bền vững trong hoạt động kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu, môi trường, công nghệ, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp tham gia… Việc đánh giá cũng sẽ dựa trên các trọng số ưu tiên cho nhóm ngành và lĩnh vực hoạt động.

Năm nay, bên cạnh việc bình chọn các danh hiệu TOP 10/TOP 100/TOP 200 thương hiệu tiêu biểu Việt Nam, Hội đồng bình chọn cũng bình chọn 10 doanh nghiệp tiêu biểu về trách nhiệm xã hội để biểu dương và tôn vinh.


Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh Đào Ngọc Thạch

Tiếp theo, để có cái nhìn cụ thể và cận cảnh hơn về tính phù hợp và hiệu quả của Chương trình bình chọn giải thưởng SVĐV với cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, anh Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội DNT Việt Nam, cho biết: "Hưởng ứng cuộc vận động "Người VN ưu tiên dùng hàng VN" do Bộ Chính trị phát động và Chương trình "Thanh niên VN đồng hành cùng hàng VN" của T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN VN, từ năm 2009-2011, Hội doanh nhân trẻ VN đã triển khai nhiều hoạt động sâu rộng, hiệu quả từ T.Ư đến các Hội doanh nhân trẻ địa phương, ngành".

Giải thưởng SVĐV là một trong những chương trình hoạt động quan trọng nhất của Hội doanh nhân trẻ VN, tôn vinh những thương hiệu hàng đầu VN. Giải thưởng đặc biệt đề cao những DN tích cực đầu tư, cải tiến sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp với người tiêu dùng VN, góp phần đưa nhiều hàng hóa VN đến với người tiêu dùng trong nước.

Trước những khó khăn, thách thức về chỗ đứng và sự phát triển của các DN và hàng VN, anh Thắng đề nghị các DN cùng tham gia đóng góp ý kiến, tìm hướng đi để củng cố chỗ đứng của hàng VN trên thị trường trong nước và quốc tế, đưa hàng VN đến với người tiêu dùng VN.


Anh Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội DNT Việt Nam phát biểu - Ảnh Đào Ngọc Thạch

Mở đầu cho phần trao đổi và chia sẻ về những giải pháp để thực hiện phương châm “SVĐV - Hướng đến cộng đồng - Đem hàng Việt đến với người Việt”, ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến cho biết: "Hưởng ứng đợt vận động “Đem hàng Việt đến với người Việt” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Công ty Đại Đồng Tiến đã có nhiều thay đổi trong hoạt động kinh doanh như: công tác thiết kế, nâng cao chất lượng sản phẩm, tái cấu trúc hệ thống phân phối…".

Nông thôn là thị trường tiềm năng. Do vậy, chúng tôi nhận thấy chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn là chủ trương đúng đắn, DN cần khai thác tốt thị trường này.

Ông Văn Đức Mười

Để có thể đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước với chi phí tốt nhất, chất lượng đảm bảo nhất, qua những phương cách hữu hiệu nhất, và để người tiêu dùng hiểu được rằng, đây là những sản phẩm được làm ra bởi những bàn tay, trí tuệ và sự sáng tạo của người Việt Nam.

Trả lời câu hỏi về tiêu chí hoạt động "chúng tôi luôn hướng đến người tiêu dùng, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu", anh Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bia Huế cho biết: Trong 8 năm qua, bia Huế 4 lần được công nhận danh hiệu SVĐV và công ty luôn tích cực tham gia việc đưa hàng Việt đến với người Việt.

Theo ông Chi, trong một thời gian khá dài, tâm lý nhà sản xuất VN luôn nghĩ đưa hàng chất lượng cao để xuất khẩu mà bỏ quên thị trường hơn 80 triệu dân trong nước. Hiện nay, các DN đã biết tận dụng thị trường nội địa.

Tuy nhiên, việc người Việt dùng hàng Việt còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đó là: tâm lý dùng hàng Việt của người tiêu dùng, nhà sản xuất phải bảo đảm việc mang đến cho người Việt sản phẩm tốt nhất và đáp ứng đúng với yêu cầu của người VN.

Đối với bia Huế, mặc dù hiện nay ở thị trường sản phẩm này, cung vượt cầu khá lớn, nhưng bia Huế vẫn đứng vững do có chiến lược đáp ứng với nhu cầu người tiêu dùng, luôn gắn với người tiêu dùng và việc tồn tại phát triển của bia Huế chứng minh bước đi đó là đúng đắn.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Ủy viên Ban thường vụ Hội Doanh nghiệp Hàng VN chất lượng cao, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm cách đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt của công ty Vissan.

Ông Mười nhận định: Chủ đề này “Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng Việt” rất thiết thực. Nhưng nếu chất lượng không đạt, kênh phân phối không tốt và khâu nghiên cứu thị trường chưa đảm bảo thì sẽ không duy trì mãi chương trình này được. Do vậy DN phải duy trì, tăng cường quá trình làm ăn trung thực của mình, để người Việt tự hào về các thương hiệu Việt.


Các khách mời tham dự chương trình - Ảnh Đào Ngọc Thạch

"Thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng làm tốt trách nhiệm bình ổn thị trường, tổ chức tốt khâu sản xuất, kết hợp tốt với nhà chăn nuôi và xây dựng kênh phân phối thuận lợi, và nhờ đó đã tạo sự tín nhiệm của người tiêu dùng, ông Mười cung cấp thêm thông tin.

"Chúng tôi không nghĩ rằng sẽ ưu tiên cho xuất khẩu hay thị trường nội địa, chúng tôi quan trọng chuyện sản phẩm ngon, phù hợp với khẩu vị cho từng khu vực. Sản phẩm của Vissan làm ra cho con người, do vậy, chất lượng sản phẩm phải tốt, phải ngon", ông Mười khẳng định.

Ông Mười nói thêm: "Để đưa hàng về nông thôn, chúng tôi tạo phân khúc mới với dòng sản phẩm mới. Nông thôn là thị trường tiềm năng. Do vậy, chúng tôi nhận thấy chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn là chủ trương đúng đắn, DN cần khai thác tốt thị trường này".

Người tiêu dùng của thị trường này có mức thu nhập trung bình, vừa phải. Dĩ nhiên, để xâm nhập thị trường này, ban đầu chúng tôi tạo ra dòng sản phẩm phù hợp túi tiền nông dân. Nhưng thật bất ngờ là gần đây, sản phẩm của thị trường này cũng được phân phối, tiêu thụ tốt tại thị trường ở thành thị.

"Theo tôi, để đưa hàng Việt về nông thôn tốt, chúng ta phải đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm nghiêm túc, phải có kênh phân phối tốt và đưa về nông thôn những mặt hàng phù hợp với yêu cầu của người nông thôn. Biết được tình trạng này, Vissan đã mở thêm một số đại lý ở khu vực nông thôn đó để người nông dân mua sắm", ông Mười chia sẻ thêm.


Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan (trái) chia sẻ về mạng lưới phân phối sản phẩm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngày 9.7 vừa qua, Vissan thực hiện chương trình đưa hàng Việt về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tôi thấy ngạc nhiên khi thấy sản phẩm đồ hộp của chúng tôi có mặt ở đây khá phổ biến trong những chuyến đi biển lâu dài. Thật bất ngờ hơn là dòng sản phẩm mà chúng tôi làm cho vùng nông thôn thì không đến đây. Thay vào đó, hầu hết là sản phẩm cao cấp dành cho khu vực thành thị.

Người tiêu dùng VN không phải không muốn dùng các mặt hàng cao cấp trong nước mà là do không có được mặt hàng đáp ứng nhu cầu của họ. Xét về công nghệ thì các doanh nghiệp VN hoàn toàn có thể làm chủ các công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm tương đồng về chất lượng với thế giới

Ông Phan Văn Kiệt

Như vậy, chúng ta phải làm hết trách nhiệm của chúng ta, làm sao để người nông thôn tiếp cận thông tin sản phẩm bình đẳng như thành thị. Hãy đến với khách hàng ở nông thôn với chính nhu cầu của họ. Phải dùng sức mạnh của mình từ trong khâu nghiên cứu thị trường, đến phân phối và chăm sóc khách hàng tốt để phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất.

Một bạn đọc đã đặt câu hỏi: "Vấn đề mấu chốt hiện nay ngăn cản hàng Việt đến với người Việt là gì, có phải do yếu kém của hàng Việt, DN Việt; tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng; các chính sách quản lý của cơ quan chức năng chưa thật sự tốt để hỗ trợ DN?".

Anh Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Kềm Nghĩa, khẳng định: Để sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng tốt nhất, DN phải xem người tiêu dùng thích gì. Đầu tiên là phải chú trọng đến chất lượng. Đặc biệt là chú trọng đến thị trường trong nước. Có nhiều sản phẩm khác nhau, DN phải làm cách nào để đưa ra giá thành và chất lượng phù hợp với người tiêu dùng.

Anh Tuấn chia sẻ kỷ niệm: "Có một đợt (năm 2007), kềm Nghĩa lên giá cao nhất từ trước đến nay và đã có những người tiêu dùng bình dân phản ánh là kềm Nghĩa lên giá vậy sao người lao động mua được. Sau đó, kềm Nghĩa đã sản xuất nhiều mặt hàng ở nhiều phân khúc khác nhau, cho cả doanh nhân thành đạt lẫn người lao động".


Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Kềm Nghĩa chia sẻ: "DN phải xem người tiêu dùng thích gì" - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

"Đối với nhà sản xuất thì niềm hạnh phúc nhất là khi đi đâu, hỏi đến sản phẩm thì nghe người bán hàng và người tiêu dùng nói bán và mua sản phẩm của mình", anh Tuấn nói.

Ông chủ doanh nghiệp Kềm Nghĩa cũng tự hào, trước bối cảnh khó khăn, hàng Trung Quốc giá thấp tràn vào thị trường, gây khó khăn cho DN ngay tại VN, thì Kềm Nghĩa vẫn chiếm lĩnh thị trường VN và bán cho cả người Trung Quốc ở thị trường Trung Quốc với giá gấp 3-4 lần hàng của nước này.

Tham gia buổi giao lưu trực tuyến, rất nhiều bạn đọc đã dành sự quan tâm và gửi câu hỏi đến Đại sứ hàng Việt - NSƯT Kim Xuân, trong đó, bạn đọc Thanh Hiền ngụ ở quận 10 (TP.HCM) đã đặt câu hỏi về việc đánh giá sức lan tỏa và tầm quan trọng của việc PR cho hàng Việt trong phim ảnh.

Hiện nay, có thể thấy nhiều dự án của nhà nước bỏ qua DN trong nước. Chẳng hạn, có những gói thầu quốc tế của dự án nhà nước, chỉ bao gồm các nhà thầu nước ngoài. Trong khi các nhà thầu trong nước hoàn toàn có năng lực tham gia gói thầu đó

Nguyễn Thị Kim Yến

Để trả lời câu hỏi của bạn đọc, NSƯT Kim Xuân đã kể 2 câu chuyện trong quá trình đóng phim để minh họa cho ý nghĩa của 2 từ “phù hợp” trong việc đưa thương hiệu sản phẩm trong phim ảnh.

Chuyện thứ nhất là về một cảnh quay thể hiện hình ảnh một cô gái đang rất buồn bã vì thất tình nhưng lại ôm khư khư hộp sữa tươi dinh dưỡng, khiến khán giả cảm thấy không thuyết phục.

Chuyện thứ hai là về một phân đoạn trong phim Dù gió có thổi, diễn viên Lê Khánh đã vô tình làm rơi một chiếc tách trà xuống đất nhưng không vỡ…, chỉ hình ảnh nhỏ đó thôi cũng có thể chứng minh được chất lượng và gián tiếp quảng bá cho một thương hiệu sản phẩm Việt nổi tiếng gắn liền với mặt hàng này.

Bên cạnh việc là một nghệ sĩ, một Đại sứ hàng Việt, NSƯT Kim Xuân còn chia sẻ ý kiến trên vai trò của một người tiêu dùng, một người phụ nữ nội trợ của gia đình. Đó là những năm trước đây, thị trường trong nước bị tấn công bởi hàng ngoại, nhưng gần đây, lại bị tấn công bởi hàng giả, hàng kém chất lượng, mặc dù nước ta luôn có những thương hiệu rất đáng tự hào.

Vì vậy, NSƯT Kim Xuân nghĩ rằng, các DN nên chuyển hướng tấn công mạnh mẽ hơn trên thị trường trong nước, để có thể chinh phục được người tiêu dùng, bằng chất lượng và sự minh bạch thông tin sản phẩm.


NSƯT Kim Xuân - một trong ba đại sứ hàng Việt tham gia buổi gia lưu cho rằng, các DN nên chuyển hướng tấn công mạnh mẽ hơn trên thị trường trong nước, để có thể chinh phục được người tiêu dùng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Nghệ sĩ Cẩm Vân mong muốn các DN trong nước ngày càng có nhiều mặt hàng tốt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tiếp lời NSƯT Kim Xuân, ca sĩ Cẩm Vân cho biết về xu hướng dùng hàng Việt trong giới showbiz hiện nay. Theo chị, hàng Việt có những sản phẩm rất tốt nhưng công tác quảng bá chưa rộng, chưa sâu khiến người dân chưa biết đến nhiều. Như chị vẫn dùng nhiều hàng Việt mỗi ngày.

Ca sĩ Cẩm Vân cũng cho biết mình rất vui khi được làm Đại sứ hàng Việt, góp phần vào công việc quảng bá hàng Việt cho người Việt.

Ngoài ra, chị cũng mong muốn các cấp chính quyền có sự quản lý chặt chẽ về chất lượng sản phẩm trong nước để không ảnh hưởng đến sức khỏe và tài chính của người tiêu dùng. Ca sĩ Cẩm Vân cũng mong muốn các DN trong nước ngày càng có nhiều mặt hàng tốt để công tác quảng bá hàng Việt đạt hiệu quả cao hơn.

Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp mạnh để chống hàng gian, hàng giả nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và điều kiện phát triển cho những DN làm ăn chân chính

Ông Hồ Quỳnh Hưng

Tiếp lời ca sĩ Cẩm Vân, nghệ sĩ hài Hiếu Hiền chia sẻ: "Hiếu Hiền có người chị làm nail ở Mỹ, thường nhờ Hiền mua kềm làm móng tay, móng chân. Và mỗi lần mua kềm giúp cho chị ấy, Hiền ra chợ Bến Thành mua cả nửa va-li kềm. Câu chuyện này cho thấy uy tín của một sản phẩm Việt rất được kiều bào mình ở nước ngoài quan tâm, ưa chuộng".

Hiếu Hiền cho biết thêm anh vốn ít mặc áo sơ-mi, nhưng đôi khi phải mặc theo yêu cầu của nhà sản xuất phim. Và từ đó chính Hiền nhận thấy cũng có nhiều nhãn hàng áo quần của Việt Nam chúng ta rất tốt và đẹp.

Nghệ sĩ Hiếu Hiền gợi ý DN Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho chất lượng và mẫu mã sản phẩm để giúp người Việt có nhiều sản phẩm tốt và uy tín để lựa chọn.

Hiếu Hiền đưa thêm một dẫn chứng: "Các anh chị em công nhân người ta nấu ăn thì cần có nồi cơm điện. Nhưng hiện nay, có một số sản phẩm nồi cơm điện do Việt Nam sản xuất lại có giá cao hơn sản phẩm của nước ngoài. Nên công nhân phải chọn hàng ngoại nhập vì giá rẻ. Nhưng thực tế thì chúng ta cũng khó tin tưởng chất lượng của nồi cơm điện nước ngoài lắm. Do vậy, chúng ta cũng phải có nhiều hơn nữa những sản phẩm gắn bó thiết yếu với đời sống người dân mà có giá cả phù hợp, chất lượng cạnh tranh".


Nghệ sĩ Hiếu Hiền (phải) cho rằng các DN Việt cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho chất lượng và mẫu mã sản phẩm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tiếp tục buổi giao lưu, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, cho biết, tăng trưởng của công ty những năm gần đây từ 60 - 80%, thể hiện sự cạnh tranh và uy tín của sản phẩm trên thị trường. Theo ông Phước Vũ, tên tuổi DN rất quan trọng, tuy nhiên chất lượng của sản phẩm do DN cung cấp mới có tính quyết định, mới có thể duy trì sự vững chãi và phát triển của DN trên thị trường.

Bên cạnh đó, DN cần thể hiện khả năng cạnh tranh trên thị trường chủ đạo. Nếu có chiến lược kinh doanh tốt, sản phẩm chất lượng cao, thông tin sản phẩm và thương hiệu minh bạch, đồng thời tạo được niềm tin với người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ cạnh tranh thành công trên cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Ngoài ra, hoạt động của DN cần gắn liền với các hoạt động có tính xã hội cao, có tính tác động, để có thể tạo nên một thương hiệu thân thiện, như thương hiệu của Tôn Hoa Sen đã đồng hành với chương trình truyền hình Vượt lên chính mình.

Ông Phước Vũ cũng cho biết, công ty luôn chú trọng và đã đặt ra chiến lược lâu dài cho hệ thống phân phối, bán lẻ sao cho thật sự hiệu quả và linh hoạt, kết hợp giữa quản trị và hoạt động sản xuất, để phù hợp với đặc trưng của việc sản xuất và phân phối đầy biến động của thị trường tôn, sắt, thép, vật liệu xây dựng… của tập đoàn. Nhiều DN đã rất thành công trong việc áp dụng chiến lược bán lẻ như gốm sứ Minh Long, Trường Hải…

Chia sẻ về vấn đề đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài cũng như tìm kiếm thị phần nội địa, anh Phan Văn Kiệt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần may Việt Tiến cho biết, để thành công trong việc này thì hàng Việt phải có chất lượng như thế nào và cách thức đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng ra sao.

Về thị trường cao cấp, ông Kiệt nói, đây là phân khúc thị trường khó chiếm lĩnh do hiện tại có nhiều nhãn hàng nổi tiếng của các ngành công nghiệp lâu đời trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Tiến vẫn mạnh dạn tung ra thương hiệu San Sciaro với định hướng chiến lược đúng đắn và hiện nay thương hiệu này đã đạt được thành công khi có sự đón nhận của người tiêu dùng.

 Các DN đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như kiến nghị đóng góp nhiều ý kiến về chủ đề "đem hàng Việt đến người Việt" - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Kiệt cho biết, người tiêu dùng VN không phải không muốn dùng các mặt hàng cao cấp trong nước mà là do không có được mặt hàng đáp ứng nhu cầu của họ. Hiện xét về công nghệ thì các doanh nghiệp VN hoàn toàn có thể làm chủ các công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm tương đồng về chất lượng với thế giới.

Do đó, chất lượng sản phẩm chỉ là một yếu tố cấu thành trong chất lượng hệ thống vì ngoài việc bảo đảm chất lượng thì thương hiệu đó đến được với người tiêu dùng còn phải nhờ đến các yếu tố khác như tạo ra cho người tiêu dùng cảm giác thích thú với sản phẩm. Ông Kiệt khẳng định, điều quan trọng là phải xây dựng một thương hiệu giúp cho người tiêu dùng cảm thấy có một "giá trị cảm xúc" khi sử dụng sản phẩm của mình.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để đưa sản phẩm của nhựa Bình Minh đến với người tiêu dùng một cách rộng rãi nhất, bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhựa Bình Minh khẳng định chia sẻ kinh nghiệm: “Từ những ngày đầu sau giải phóng, chúng tôi là doanh nghiệp duy nhất sản xuất ống nhựa, nhưng chúng tôi không lấy thế độc quyền chèn ép người tiêu dùng, mà ngược lại, chúng tôi đã hết sức trân trọng người tiêu dùng. Và điều đó càng được khẳng định trong thời gian hiện tại”.

“Để đưa các sản phẩm của chúng tôi đến rộng rãi người tiêu dùng thì chúng tôi đầu tư nghiêm túc vào kênh phân phối. Hiện chúng tôi đã có mạng lưới 600 cửa hàng phân phối khắp cả nước, cũng áp dụng mô hình "4 dễ": dễ mua, dễ tìm, dễ dùng và dễ phàn nàn. Khách hàng nào có phàn nàn thì nhân viên chúng tôi đều rất hoan nghênh để giải đáp hoặc tư vấn thêm cho họ sử dụng hiệu quả nhất”, bà Yến nói thêm.

"Hiện nay, có thể thấy nhiều dự án của nhà nước bỏ qua DN trong nước. Chẳng hạn, có những gói thầu quốc tế của dự án nhà nước, chỉ bao gồm các nhà thầu nước ngoài. Trong khi các nhà thầu trong nước hoàn toàn có năng lực tham gia gói thầu đó", bà Yến tâm tư.

Tiếp theo chương trình ông Hồ Quỳnh Hưng, Tổng giám đốc Công ty bóng đèn Điện Quang, chia sẻ: Để đưa hàng VN đến với người VN không chỉ cần 1-2 giải pháp mà đòi hỏi một chiến lược tổng thể.

Theo đó, ông Hưng nêu cụ thể các yếu tố giúp sản phẩm tiếp cận, tạo chỗ đứng trên thị trường và trong người tiêu dùng là: "Điều người tiêu dùng cần nhất khi chọn một sản phẩm là chất lượng. Ai cũng muốn sản phẩm có chất lượng. Vì vậy, mỗi sản phẩm cần có những tiêu chí rõ ràng về chất lượng. Đối với Điện Quang, chất lượng gắn liền với an toàn; bên cạnh đó là tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Sau chất lượng là vấn đề giá cả. Người tiêu dùng luôn quan tâm giá cả của sản phẩm có phù hợp không. Phù hợp ở đây là phù hợp với các tiêu chí chất lượng. Bên cạnh đó, còn một yếu tốt quan trọng nữa là sản phẩm có dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng không. Tiếp theo là dịch vụ, bảo hành có rõ ràng, đảm bảo hay không. Cuối cùng, là xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu".

Bên cạnh đó, ông Hưng đề xuất Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp mạnh để chống hàng gian, hàng giả nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và điều kiện phát triển cho những DN làm ăn chân chính.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Marketing của Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa chia sẻ băn khoăn về việc ngay cả người tiêu dùng, các doanh nhân Việt Nam vẫn đa số lựa chọn tiêu dùng sản phẩm nước ngoài đối với các mặt hàng cao cấp. "Chúng ta đang thiếu những thương hiệu đẳng cấp, để có thể phù hợp với nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng", ông Tùng cho biết.

Theo ông Thanh Tùng, DN Việt Nam đang bỏ ngỏ phân khúc thị trường cao cấp, mặc dù phân khúc này khá nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng cao đến thương hiệu cũng như đến các phân khúc sản phẩm khác của DN.

Ngoài ra, DN trong nước luôn cần sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm và thương hiệu của mình. Ông Thanh Tùng nêu ví dụ về việc thị trường các nước, như Hàn Quốc qua những hình ảnh được thể hiện trên truyền hình, giải trí, thì rất ít khi nhận thấy sự xuất hiện của các thương hiệu quốc tế, mà luôn đề cao hình ảnh của sản phẩm trong nước.

Đó cũng là một trong các động thái khuyến khích tiêu dùng sản phẩm trong nước, tạo thêm vị trí và cơ hội cho các thương hiệu nội địa.

Với ý kiến cuối cùng trong buổi giao lưu, ông Nguyễn Tấn Vũ, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam cho biết, hiện tại với tình hình kinh doanh khó khăn, Thiên Nam có doanh thu sụt giảm do thị trường co lại, đặc biệt là do thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Vũ, tình hình hiện nay cũng mở ra cho DN Việt Nam nhiều cơ hội khi nhà đầu tư trong nước chuyển từ việc dùng hàng ngoại đắt tiền sang hàng VN có chất lượng tốt mà giá thành thấp hơn.

Vì vậy, các DN cần có các chiến lược kinh doanh tốt, linh động và đột phá để tận dụng cơ hội này. Ngoài ra, DN trong nước cần phát huy những ưu thế của mình như thời gian giao hàng, công tác bảo hành nhanh... để tăng lợi ích của khách hàng nhằm giúp DN giữ vững đà phát triển...

Ông Vũ cũng nêu ý kiến về việc làm sao tạo nên sân chơi bình đẳng trong đấu thầu dựa trên thực tế sản xuất của DN VN, cải thiện về chính sách thuế để tạo nên môi trường tốt cho cạnh tranh...

 Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một độc giả đặt câu hỏi: “Tại sao năm nay Hội đồng bình chọn Giải thưởng SVĐV cũng bình chọn 10 doanh nghiệp tiêu biểu về trách nhiệm xã hội để biểu dương và tôn vinh. Giải thưởng này có liên quan gì với chủ đề đưa hàng Việt đến người tiêu dùng Việt?”.

Đại diện Hội DNT Việt Nam, anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội DNT Việt Nam giải thích:
“Trên thực tế, bên cạnh các hoạt động đẩy mạnh chất lượng sản xuất, kinh doanh, muốn giới thiệu sản phẩm của DN mình đến với đông đảo người tiêu dùng, DN phải quan tâm nhiều tiêu chí khác nữa.

Thứ nhất là bảo vệ người lao động, thứ hai là bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên hiệu quả, không gây ảnh hưởng với môi trường. Thứ ba, DN còn phải tham gia công tác xã hội, làm từ thiện, đem lại những giá trị nhất định cho xã hội. Tiêu chí thứ 4 là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bốn tiêu chí này giúp DN phát triển danh tiếng và tạo nên uy tín cho người tiêu dùng Việt.

Anh Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội DNT Việt Nam, kết lại buổi giao lưu với khẳng định: DN VN đã sản xuất rất đầy đủ các mặt hàng và không có lý do gì các cơ quan nhà nước, người VN không sử dụng hàng VN. Sử dụng mặt hàng của VN, do doanh nghiệp VN sản xuất là đã góp phần đảm bảo thu nhập, công ăn việc làm cho người lao động trong nước.

"Tôi tiếp xúc với nhiều DN và hầu hết đều gặp khó khăn nhưng khó khăn không phải để chúng ta chùn bước mà khó khăn để chúng ta đoàn kết và chia sẻ. Mong rằng có những diễn đàn như thế này để DN cùng góp ý, phát triển và củng cố chỗ đứng của hàng VN. Mong rằng người tiêu dùng hãy tin tưởng vào chất lượng và uy tín của các thương hiệu hàng Việt", anh Thắng chia sẻ.

Song song đó, anh Thắng cũng kiến nghị cơ quan chức năng triệt tiêu hàng giả, hàng nhái để DN làm ăn chân chính phát triển.

Thanh Niên Online
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.