Đừng để chết vì phụ tùng xe máy giả

25/09/2006 10:03 GMT+7

Keet…!!! Tiếng phanh gấp cháy đường Trần Khánh Dư (Hà Nội) khiến hàng chục chiếc xe phía sau loạng choạng trong dòng người nườp nượp giờ tan tầm. Anh Lê Thành Lương ở ngõ 71 Phùng Khoang, Từ Liêm (Hà Nội), bàng hoàng không hiểu sao phanh trước của mình vô hiệu còn phanh sau thì... bó cứng.

Anh Lương là một trong số hàng ngàn người dùng xe máy đang có nguy cơ bị đe dọa tính mạng khi ngồi trên chiếc xe có phụ tùng là hàng giả, hàng nhái…

Đổi đồ, chuyện thường ngày ở phố

Một trong những nguyên nhân gây tình trạng mất an toàn xe là tình trạng đổi đồ thật thành đồ nhái. “Chỉ cần 5 phút, ít nhất 3 chi tiết trên chiếc xe của bạn sẽ bị “mổ” ngon lành: hoặc đôi giảm sóc, bộ chế hòa khí, có khi là chiếc IC”. Nguy hiểm hơn, chính chủ nhân của xe không biết rằng mình đang dùng đồ dởm mà cứ đinh ninh mình đang xài đồ xịn. Sau tai nạn, anh Lê Thành Lương kể: “Hôm trước mang con Future này đi sửa cái phanh của một cậu sửa xe bên đường, anh ta bảo thay cho má phanh Thái hết 35 ngàn, ai dè..., lần sau phải vào cửa hàng do Honda ủy nhiệm thôi, tiền nào của nấy, cứ thay đồ chợ có ngày tiền mất tật mang”.

Tại hội thảo "Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xe máy" do Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM tổ chức, đại diện hãng Honda - nhà sản xuất xe máy có thị phần lớn nhất tại Việt Nam hiện tại cho biết: Trong năm 2005, có 63 vụ vi phạm phát hiện ở các tỉnh, thành, với số tiền phạt 485.500.000đ hoặc phát hiện tiêu hủy tới vài tấn bao bì mang nhãn hiệu giả tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM…

Thay nhầm bộ chế hòa khí, nhầm bugi, IC dễ dẫn đến xe khó nổ, tốn xăng, nhả khói… nguy hiểm hơn, nếu bộ phận kết cấu an toàn cho xe mà dính hàng giả có thể gây tai nạn nguy hiểm bất cứ lúc nào. Anh Lê Vũ, chạy xe ôm ở xã Tân Vinh, huyện miền núi Lương Sơn (Hòa Bình) kể: "Khi tôi chở một bà mế người Mường vào khu vực đường núi trên cái Wave Alpha Cộng, qua một cái ổ gà thấy "khục", xe nghiêng một bên đổ nghiêng ra đường. Xuống nhìn xe thì ôi thôi cái ti của giảm sóc sau gãy đôi. Mang vào cửa hàng bảo hành mới biết là mình đã bị đổi đồ gia công. Nghĩ vừa tức vừa sợ. Giờ thì không dại mà mang xe cho mấy ông thợ vườn, chỉ giao trứng cho ác".

Nhiều khi người dân đi xe thường đặt sự tiện lợi lên hàng đầu: xe hỏng thì sửa, sửa ở đâu chẳng thế, cứ thấy phụ tùng có hiệu Honda, Yamaha, Suzuki… là thay liền, thậm chí có người thấy chữ Japan là đinh ninh hàng Nhật mà không biết rằng mình bị lừa một cách ngoạn mục: bỏ tiền đắt mua hàng giả.

Công nghệ "Tàu hóa" phụ tùng gia công

Theo đánh giá của một số chuyên gia về phụ tùng xe máy, ở Việt Nam hiện có hai cấp độ của phụ tùng giả: một là hàng Việt Nam giả Trung Quốc, hai là các cơ sở tư nhân làm giả phụ tùng chính hiệu. Một thời người tiêu dùng tưởng rằng xe Trung Quốc 7-8 triệu/chiếc đã là rẻ, nhưng hiện nay có những chiếc xe chỉ còn 5 triệu/chiếc, thậm chí có xe bán không giấy tờ có 2,5 triệu đồng/xe. Đang có một dòng chảy ngược "Trung Quốc hóa" xe kém chất lượng để thương lái bán ra thị trường những xe… siêu rẻ. Cách thức làm giả phụ tùng của các cơ sở sản xuất trong nước cũng rất đơn giản: Chở hàng sang biên giới, nhờ một cơ sở Trung Quốc nào đó dập nổi chữ Trung Quốc, thậm chí, mua hẳn máy dập nổi về làm ngay tại làng mình. Vậy là "phụ tùng cỏ" Việt Nam trở thành phụ tùng Trung Quốc "chính hiệu”.  Giá thành sản xuất những chiếc xe này chỉ từ 3-4 triệu đồng và chất lượng thì đương nhiên, cũng siêu tồi!

Trên thực tế, hiểm họa của việc dùng phụ tùng trôi nổi không chỉ nằm ở chỗ độ bền kém. Chỉ cần một phụ tùng không đồng bộ sẽ dẫn đến việc hỏng hóc của các bộ phận khác trong xe. Ví dụ như sử dụng nước làm mát động cơ kém chất lượng sẽ dẫn đến rỉ sét ở bộ phận làm mát, sau đó có thể gây nóng máy. Cao nhất là dẫn đến việc cháy bộ hơi, đầu bò. Thế là số tiền bỏ ra còn lớn hơn cả số tiền cho phụ tùng chính hãng. Thêm vào đó là sự bực mình vì thường xuyên phải ngồi chờ đợi ở hàng sửa xe.

Ngoài ra, người sử dụng sẽ không lường trước được khi nào săm xe sẽ nổ, phanh sẽ bó cứng và xích sẽ đứt, mắc vào bánh hoặc văng ra ngoài. Tất cả những sự cố trên đều là những sự cố có thể dẫn đến tai nạn nguy hiểm. Hệ quả ai cũng nhìn thấy, mua phụ tùng ngoài luồng có rẻ hơn, nhưng xe sẽ "tã" nhanh hơn, hay hỏng vặt. Nghiêm trọng hơn, đó là phải trả giá bằng sự an toàn, thậm chí là tính mạng.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.