Đuổi chim 2 sân bay, 'đòi' thu phí cả nước

03/08/2016 09:00 GMT+7

Đề xuất của Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) chi 1.162 tỉ đồng đầu tư hệ thống công nghệ đuổi chim chỉ riêng tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang vấp phải nhiều ý kiến phản ứng vì số vốn quá lớn cho một dự án được trình bày sơ sài, nhất là việc ACV đòi thu phí tại toàn bộ 22 cảng hàng không đang khai thác.

Đề án xây dựng hệ thống công nghệ đuổi chim (FODetect) của ACV vấp phải ý kiến phản ứng của chính cơ quan quản lý hàng không là Cục Hàng không VN. Trong công văn gửi Bộ GTVT vào cuối tuần qua, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh khẳng định tổng mức đầu tư đưa ra quá lớn so với quy mô chỉ ở 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Việc chỉ đầu tư tại 2 cảng hàng không, nhưng lại đề xuất mức thu cho mỗi lượt hạ cất cánh từ các chuyến bay quốc tế và nội địa trên tất cả các cảng hàng không là không hợp lý. Đề xuất của ACV hiện khá sơ sài khi còn thiếu một loạt nội dung quan trọng như loại hợp đồng dự án; phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác và nhất là hiệu quả kinh tế xã hội của công trình... Dự án cũng không cung cấp các báo giá tham khảo cho thiết bị làm cơ sở sơ bộ xác định tổng mức đầu tư.
Mập mờ hiệu quả, phương án thu phí
ACV dự kiến đầu tư tại 2 sân bay nhưng lại đòi thu tới 22 sân bay là quá vô lý và bất công cho các hãng hàng không tại các sân bay còn lại, điều này tương tự câu chuyện không đi đường vẫn phải trả phí BOT trong đường bộ
Chuyên gia Phạm Sanh
Bên cạnh đó, theo Cục Hàng không, trong đề xuất thiếu các tài liệu kỹ thuật và thông tin về tính năng thiết bị, vì vậy chưa thể xác định rõ khả năng làm việc tối ưu của hệ thống FODetect trong điều kiện thời tiết xấu, ban ngày, ban đêm; vùng không gian hệ thống có khả năng phát hiện, xua đuổi chim ở hai đầu tiếp cận khi máy bay cất, hạ cánh cũng như khả năng tích hợp, mở rộng hệ thống thiết bị.
Đặc biệt, đánh giá về mức phí do ACV đề xuất, Cục Hàng không cho rằng thời gian hoàn vốn cho dự án chỉ có 6 năm 6 tháng là quá ngắn, cần xem xét lại và xây dựng mức thu phù hợp với điều kiện và khả năng chịu chi trả của các hãng hàng không khai thác đến VN, không làm tăng mức thu đột ngột ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các cảng hàng không VN. Việc nâng giá dịch vụ hạ cất cánh phải tham khảo ý kiến của người sử dụng (các hãng hàng không), đặc biệt là các hãng hàng không trong nước, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Đồng thời, phương án thu hồi vốn cần gắn trách nhiệm bảo đảm an toàn đường cất hạ cánh của người khai thác cảng hàng không, sân bay, không để xảy ra tình trạng chủ đầu tư thu phí mà không chịu trách nhiệm.
Đại diện một hãng hàng không trong nước cho biết chưa hề nhận được văn bản nào liên quan đến một đề án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức phí đóng góp của các hãng hiện nay.
Quá ưu ái cho nhà đầu tư ?
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, về bản chất dự án FODetect mà ACV trình lên Bộ GTVT tương tự hình thức BOT trong đường bộ, nhưng các đề xuất lại rất sơ sài. Dự án chỉ đầu tư thiết bị tại 2 sân bay nhưng vốn lên tới gần 1.200 tỉ đồng mà không có các khoản mục đầu tư cụ thể, cũng không có đơn giá hay so sánh để biết công nghệ trên có đúng với mức giá ấy không. “ACV dự kiến đầu tư tại 2 sân bay nhưng lại đòi thu tới 22 sân bay là quá vô lý và bất công cho các hãng hàng không tại các sân bay còn lại, điều này tương tự câu chuyện không đi đường vẫn phải trả phí BOT trong đường bộ. Các hãng hàng không trong nước đang kêu nhiều vì chi phí mặt đất, dịch vụ tại các sân bay ở mức cao. Nhiều sân bay lẻ đang ế khách, nếu bây giờ đè ra thu phí tại tất cả các sân bay thì làm sao còn sức cạnh tranh?”, ông Sanh nêu câu hỏi.
Cũng theo chuyên gia này, việc áp dụng công nghệ tiên tiến là cần thiết để đảm bảo an toàn cất hạ cánh, nhưng các sân bay trên thế giới đang áp dụng rất nhiều loại công nghệ như radar, lazer, robot đuổi chim. ACV với tư cách là đơn vị quản lý khai thác cảng phải đưa ra được bài toán so sánh và lựa chọn công nghệ phù hợp nhất với VN, chứ không phải đưa ra một công nghệ đắt đỏ mang tính áp đặt.
Theo thống kê của Cục Hàng không, năm 2014 các sân bay trên cả nước ghi nhận hơn 30 sự cố do chim va vào máy bay, phần lớn tại các khu vực như Buôn Ma Thuột, Vinh, Đà Lạt, Pleiku, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất... Hầu hết các máy bay sau khi va đập đều phải dừng lại sửa chữa nhiều ngày, thiệt hại khá lớn. Ngành hàng không cũng đã từng áp dụng nhiều biện pháp kể cả thủ công lẫn công nghệ nhưng chưa thực sự hiệu quả. Thực tế này khiến một chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng ACV đề xuất đầu tư gần 1.200 tỉ đồng nhưng chưa có những kiểm nghiệm về hiệu quả thực tế của công nghệ này là thiếu hợp lý. “ACV với trách nhiệm nhà khai thác cảng, thu phí của các hãng hàng không thì phải đảm bảo các công tác đầu tư, nâng cấp, lắp đặt các thiết bị bảo đảm an toàn bay. Nếu theo hình thức xã hội hóa, thì việc của ACV là đưa ra đề án và đấu thầu quốc tế công khai, nhà đầu tư nào cung cấp được thiết bị hiệu quả, có kiểm nghiệm và mức giá hợp lý thì chọn, thay vì ấn định vào một nhà đầu tư với mức giá cao ngất ngưởng như đề án đưa ra”, chuyên gia này nhìn nhận.
Liên quan đến đề xuất của ACV, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết Bộ đã phê duyệt chủ trương về việc nghiên cứu Đề án xây dựng hệ thống đuổi chim từ rất lâu, bởi sự cố chim va vào máy bay làm móp méo phần thân hoặc làm hỏng động cơ xảy ra rất nhiều, gây thiệt hại lớn cho ngành hàng không và có nguy cơ gây ra tai nạn thảm khốc cho máy bay. Bộ đang yêu cầu ACV tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và cần thêm ý kiến của các nhà khoa học khẳng định mức độ hiệu quả của dự án này trước khi cho phép thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.