Đường ế ẩm

12/04/2011 01:32 GMT+7

Giá đường liên tục giảm, giá bán buôn hiện xuống mức thấp, chỉ 17.200 - 18.800 đồng/kg. Nhiều nhà máy đường đang phải chạy cầm chừng, thậm chí tạm ngưng hoạt động vì hàng sản xuất ra bán không ai mua.

Giảm giá vẫn ế

Đó là tình hình chung hiện nay của thị trường đường VN hiện nay khi hàng loạt nhà máy (NM) giảm giá bán để đẩy lượng hàng tồn kho nhưng vẫn không có ai mua. Ông Hoàng Nhâm Nam - Trưởng phòng Kế hoạch - thị trường Công ty CP đường Biên Hòa cho biết, so với thời điểm đầu tháng 3.2011, giá đường thế giới đã giảm hơn 100 USD/tấn, còn khoảng 700 USD/tấn. Tại các NM trong nước, giá các loại đường đã giảm khoảng 1.200 - 2.000 đ/kg so với đầu tháng 3.2011. Giá bán sỉ đường rời một số chợ đầu mối tại TP.HCM từ 230.000 - 240.000 đ/cây 12 kg, tương đương 20.000 đ/kg. Giá bán lẻ khoảng 21.000 đ/kg đường rời. Tại các siêu thị, giá đường tinh luyện từ 22.000 - 22.600 đ/kg, giảm 1.000 - 2.000 đ/kg so với đầu năm 2011. So với ngày 28.3, giá đường kính trắng bán buôn ngày 1.4 giảm khoảng 1.000 đ/kg, xuống còn 17.200 - 18.800 đ/kg, giá bán lẻ khoảng 23.000 đ/kg. Một số tiểu thương chợ Thái Bình (TP.HCM) cho biết: “Giá đường rời mua vào vừa giảm thêm 200 đ/kg, còn 19.800 đ/kg, giá bán lẻ 21.000 đ/kg, đường tinh luyện từ 22.000 - 22.500 đ/kg. Tuy giá giảm nhưng sức tiêu thụ đường hiện rất chậm, chủ yếu nhà người dân mua lẻ dùng cho nhu cầu hằng ngày của gia đình chứ nhu cầu cho sản xuất kẹo bánh rất ít”.

 

 Giá đường giảm nhưng sức tiêu thụ tại các chợ hiện rất chậm - Ảnh: Hoàng Việt

Theo Hiệp hội Mía đường VN, tính đến cuối tháng 3 các NM đường trong nước đã sản xuất được 860.400 tấn, tồn kho khoảng 400.000 tấn. Trong tình hình tài chính khó khăn, các NM lại đang cần tiền để thu mua nguyên liệu, việc hạ giá để đẩy hàng càng trở nên gấp rút nhưng vẫn không có khách mua. Nhiều NM đang phải “ôm” đến hơn 50.000 tấn đường dù đã liên tục hạ giá bán. Thậm chí có NM sản xuất được 30.000 tấn nhưng chỉ tiêu thụ được 1.000 tấn, tồn kho đến 29.000 tấn. Trong khi đó, giá đường trên thị trường thế giới cũng đang giảm. Tại sàn giao dịch London, giá đường trắng giao tháng 5 giảm 16,6 USD/tấn xuống còn 705,8 USD/tấn. Tại sàn New York, giá đường thô giao tháng 5 giảm 0,84 cent xuống 26,71 cents/pound.

Dự báo sai

Chỉ mới cách đây một tháng, nhiều dự báo trên thế giới còn cho rằng giá đường sẽ tiếp tục tăng vì nguồn cung hạn chế. Trước những dự báo này, Bộ Công thương cũng đã cấp quota nhập khẩu đường trong năm 2011 là 250.000 tấn ngay từ đầu năm để giảm áp lực tăng giá đường. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tháng nay, tình hình cung cầu mặt hàng đường trên thế giới lại đi ngược với tính toán, thu hoạch mía đường tăng ngoài mong đợi ở Thái Lan và việc tăng cường xuất khẩu đường ở Ấn Độ đã làm tăng cung thế giới. Theo đại diện một số NM đường, hiện đường lậu từ Thái Lan tràn vào rất nhiều, giá rất rẻ, tác động tiêu cực lên thị trường trong nước.

Chưa cần dừng nhập khẩu đường

Trước tình hình trên, Hiệp hội Mía đường VN vừa kiến nghị Bộ Công thương lùi thời gian cho phép nhập 250.000 tấn đường như kế hoạch để bảo hộ giá đường trong nước. Tuy nhiên, theo tính toán của một số doanh nghiệp trong ngành, để nông dân có lãi 460 đ/kg mía, giá mía (loại 10 CCS) bán tại ruộng phải từ 1.080 đ/kg (chưa kể giá vận chuyển). Trên cơ sở đó, đối với DN, giá đường chưa thuế tại kho NM là khoảng 18.000 đ/kg; với giá này, doanh lãi khoảng 10% (1.800 đ/kg đường) từ giá bán buôn. Một số DN sản xuất sữa lớn ở TP.HCM và Hà Nội cho biết giá đường bán buôn trong nước đang có xu hướng hạ trong thời gian gần đây nhưng vẫn ở mức rất cao. Hiện giá bán buôn đường cho các DN giảm từ 20.500 đ/kg xuống còn 20.200 đ/kg. So với giá đường Thái Lan và một số nước khác, giá đường bán buôn trong nước của VN vẫn cao hơn khoảng 1.000 đ/kg. Trên thực tế, nhiều NM đường ở ĐBSCL đã tạm ngưng hoạt động vì tồn hàng, thiếu vốn. 

Còn bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đường Biên Hòa cho rằng: “Tồn kho ở các NM cũng chỉ mức vừa phải, chứ không nhiều, vì nhiều NM vào vụ sớm, đương nhiên họ tiêu thụ hết sớm. Các DN cần bình tĩnh, giá đường giữ được như hiện nay là mình giữ giá mía được cho người nông dân. Nếu kêu theo kiểu giá đường lao dốc, DN lao đao, là không đúng”.

Ông Nguyễn Lộc An - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: “Cuối năm 2010 Bộ NN-PTNT dự báo sản lượng đường trong nước năm 2011 đạt khoảng 900.000 tấn. Từ đó, qua cân nhắc nhu cầu nhập khẩu đường để bổ sung tiêu thụ trong nước. Đầu năm 2011 Bộ Công thương đã cấp hạn ngạch nhập đường cho các đơn vị nhằm ổn định thị trường. Nay số liệu dự báo cho biết sản lượng đường trong nước ước đạt 1.095.000 tấn, cao hơn khoảng 195.000 tấn so với dự báo. Tuy nhiên, chúng tôi mới nghe Bộ này nói vậy thôi chứ họ chưa có văn bản chính thức gửi Bộ Công thương, yêu cầu chúng tôi tạm đình chỉ hạn ngạch nhập khẩu đường đã cấp trước đó”.

Quang Thuần - Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.