Đường sắt bỏ tư duy 'ưu tiên con cháu trong nhà'

21/04/2015 07:46 GMT+7

Tại cuộc họp về các dự án xã hội hóa lĩnh vực đường sắt, do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chủ trì hôm qua 20.4, Tổng công ty đường sắt VN (ĐSVN) đề xuất áp dụng thí điểm hợp tác đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng đối với bãi hàng của 3 nhà ga trọng điểm là Yên Viên (Hà Nội), Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Sóng Thần (Bình Dương).

Tại cuộc họp về các dự án xã hội hóa lĩnh vực đường sắt, do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chủ trì hôm qua 20.4, Tổng công ty đường sắt VN (ĐSVN) đề xuất áp dụng thí điểm hợp tác đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng đối với bãi hàng của 3 nhà ga trọng điểm là Yên Viên (Hà Nội), Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Sóng Thần (Bình Dương).

Ga Đồng Đăng, một trong các ga được đề xuất xã hội hóa khai thác kết cấu hạ tầng Ga Đồng Đăng, một trong các ga được đề xuất xã hội hóa khai thác kết cấu hạ tầng - Ảnh: Hoàng Thanh

Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV tổng công ty, việc hợp tác đầu tư sẽ thực hiện theo phương án ĐSVN đầu tư các hạng mục liên quan đến tác nghiệp điều hành giao thông vận tải là xếp dỡ, đường lập tàu; các doanh nghiệp (DN) được đầu tư các hạng mục công trình phục vụ cho vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tập trung vào bãi hàng, nhà kho, thiết bị xếp dỡ, hệ thống quản trị kho bãi... Về điều kiện kinh doanh, nhà đầu tư được thu dịch vụ, trên cơ sở khung giá nhà nước và ĐSVN chấp thuận, gồm: dịch vụ xếp, dỡ, nâng hạ hàng hóa, container tại các ga, bãi hàng; dịch vụ lưu kho, bảo quản hàng hóa tại kho; các loại dịch vụ khác được nhà nước cho phép.

Theo ông Thành, xã hội hóa đầu tư các dự án đường sắt sẽ thay đổi mạnh mẽ tư duy của ngành từ trước đến nay, vốn chỉ dành việc thực hiện dự án cho các công ty con. “Trước kia, ngành đường sắt nặng về quan điểm con cháu trong nhà, nhưng nay sẽ thay đổi tư duy. Chúng tôi kêu gọi đầu tư, thậm chí mời các đơn vị mua hẳn đoàn tàu về chạy, ngành đường sắt sẽ cung cấp hạ tầng và hỗ trợ các dịch vụ đi kèm”, ông Thành nói và cho biết để triển khai xã hội hóa, ngành mời một số nhà đầu tư có năng lực tài chính tham gia. “Trong số này có các DN lớn như Tập đoàn Vingroup, Công ty CP thương mại và dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, Công ty CP giao nhận và vận chuyển Indo Tran Logistics (ITL), Công ty TNHH Express Trains ATH... Tuy nhiên, việc tham gia mới chỉ dừng lại ở khảo sát, đề xuất quy mô công năng của từng công trình, đề xuất quyền khai thác công trình rồi mới đề xuất cơ chế để triển khai”, ông Thành cho biết.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Với chủ trương này, mọi người dân và DN đều có thể tham gia, chứ không thể một mình ĐSVN làm. Bởi nếu một mình đường sắt làm thì sẽ tiếp diễn cơ chế xin - cho”. Ông Thăng cũng yêu cầu các đơn vị rà soát lại luật hiện hành, các nghị định, thông tư đối với đường sắt nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc nhượng quyền, để cuối quý 2 năm nay sẽ có kết quả cụ thể về xã hội hóa với từng dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.