Đường sắt sai phạm vì tư duy độc quyền

03/09/2016 10:00 GMT+7

Tổng công ty đường sắt VN có nhiều sai phạm trong chỉ định thầu, gây lãng phí ngân sách hàng trăm tỉ đồng do kê giá mua cao bất thường, dự án chậm tiến độ...

Sai phạm trong chỉ định thầu, gây lãng phí ngân sách hàng trăm tỉ đồng do kê giá mua cao bất thường, dự án chậm tiến độ... là những kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Tổng công ty đường sắt VN.
Chỉ định nhà thầu Trung Quốc
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án đóng mới 300 toa xe hàng đã được Tổng công ty đường sắt VN (ĐSVN) lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh là sai quy định của luật Đấu thầu. Cụ thể, ĐSVN chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH đầu máy Tư Dương, thuộc Tập đoàn đầu máy toa xe Phương Nam (Trung Quốc), trúng gói thầu cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy D19E, thuộc dự án với giá gói thầu 14,56 triệu USD, nhưng không có trong kế hoạch đấu thầu của dự án được duyệt.
Đặc biệt, ĐSVN có dấu hiệu gây lãng phí ngân sách nhà nước trong dự án “mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng vốn vay của chính phủ Áo” (dự án Áo 1 và Áo 2). Theo đó, ĐSVN phê duyệt giá bán để đưa vào sửa chữa, bảo trì đường sắt là 34,1 triệu đồng/tấn, chênh cao bất thường so với các loại ray P50 khác trên thị trường có đủ điều kiện đưa vào sửa chữa bảo trì (ray P50 của Nga giá bán là 26,7 triệu đồng/tấn, ray Trung Quốc 24,69 triệu đồng/tấn).
Ngoài ra, ĐSVN giao Công ty CP công trình đường sắt thực hiện việc ủy thác nhập khẩu với giá gói thầu 12,65 tỉ đồng, không thông qua đấu thầu hoặc chào giá cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ là sai quy định. Trong giá vốn hàng tồn kho ray Áo có các khoản chi phí không thuộc giá vốn nhưng được ĐSVN phê duyệt bổ sung vào giá vốn hàng tồn kho và không có chứng từ số tiền gần 45 tỉ đồng (lãi vay vốn trên 30 tỉ đồng, phí dịch vụ ngân hàng trên 1,4 tỉ đồng và chi phí lãi vay ngân hàng trả thuế 13,4 tỉ đồng).
“ĐSVN đã quyết định đầu tư dự án mua ray Áo và quyết định bán ray Áo cho công tác duy tu sửa chữa đường sắt thông qua các công ty quản lý đường sắt với giá cao bất thường, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Tính từ năm 2011 đến năm 2013 đã xuất bán 4.686 thanh, chênh lệch so với giá thị trường đối với ray Nga 27,4 tỉ đồng, đối với ray Trung Quốc 33,1 tỉ đồng”, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Dự án chậm tiến độ hơn 10 năm
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013, ĐSVN đã đầu tư 31 dự án với tổng mức đầu tư hơn 49.748 tỉ đồng, giá trị thực hiện đến hết năm 2013 là 14.497 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách và vay ODA để đầu tư cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt.
Tuy nhiên, 24 dự án đầu tư chậm tiến độ, nhiều dự án chậm nhiều năm như dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn chậm hơn 10 năm, dự án thay tà vẹt K1, K2 chậm 7 năm, dự án cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM chậm hơn 3 năm, dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Vinh - Sài Gòn giai đoạn 1 chậm 7 năm, các dự án còn lại đều chậm hơn 1 năm. Tiến độ ì ạch đã làm tăng chi phí đầu tư rất lớn, chỉ tính riêng 2 dự án thông tin tín hiệu đã phát sinh phí cam kết vay vốn phải trả tăng do chậm tiến độ 37,2 tỉ đồng, một số dự án thậm chí phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng đến 100% như dự án thay tà vẹt bê tông K1, K2 tăng 1.324 tỉ đồng.
Thanh tra kết luận ĐSVN thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả. Như dự án Áo 1 đang mất cân đối nguồn trả nợ do phát sinh chênh lệch tỷ giá vay ngoại tệ 40,38 tỉ đồng. Việc chậm tiến độ và quyết định đầu tư không hợp lý cũng gây lãng phí lớn cho ngân sách, trong đó việc đầu tư dự án hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đã lắp đặt dư thừa tới 7 lần nhu cầu sử dụng thực tế.
Bên cạnh đó, phương thức đầu tư và giao tài sản đã đẩy khó khăn, áp lực tăng chi phí khấu hao bất hợp lý cho các công ty quản lý hạ tầng, làm giảm hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về tiền công, tiền lương quá thấp của người lao động tại một số công ty quản lý hạ tầng đường sắt thời gian qua.
Chậm đổi mới
Nguyên nhân những vi phạm và tình trạng trì trệ của ĐSVN, theo Thanh tra Chính phủ là do chậm chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động, không phân định rõ giữa quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, tư duy độc quyền chậm đổi mới. Thanh tra Chính phủ cho rằng, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc ĐSVN phải chịu trách nhiệm với các khoản đầu tư máy móc thiết bị và dự án hạ tầng lãng phí, kém hiệu quả.
Thanh tra cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài chính đánh giá toàn diện việc thực hiện tái cơ cấu DN, quản lý khai thác kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đồng thời xem xét xử lý các khoản tiền có sai phạm theo kết luận thanh tra tổng số 131,28 tỉ đồng. Giao ĐSVN và các công ty thành viên rà soát điều chỉnh, hạch toán đúng quy định số tiền 1.109,9 tỉ đồng. Kiến nghị Bộ GTVT xử lý với 75,5 tỉ đồng và 303.920 EUR.
Trả lời Thanh Niên, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc ĐSVN, nói ĐSVN sẽ triển khai khắc phục các nội dung của kết luận thanh tra theo quy định pháp luật. Còn ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết đang giao các đơn vị liên quan đề xuất xử lý thực hiện kết luận.
3 năm có 188 đoàn đi nước ngoài
Dù kết quả kinh doanh không tốt, nhưng từ năm 2010 đến hết 2013, ĐSVN đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền chi là 13,9 tỉ đồng. Trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác, tổng số tiền 1,94 tỉ đồng. Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012 và 2013 đều đi hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tour) với nội dung là đi nước ngoài tham quan, học tập với chi phí thanh toán 1,7 tỉ đồng sai quy định của Bộ Tài chính. Chưa kể, dù hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của Ban điều hành ĐSVN từ 2010 đến 2013 còn nhiều tồn tại vi phạm nhưng vẫn trích tối đa quỹ thưởng ban điều hành số tiền 1,85 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.