Đường thừa, vẫn xin nhập khẩu

29/03/2012 03:46 GMT+7

Sáng 28.3, tại TP.HCM, Bộ Công thương chủ trì cuộc họp giữa đại diện các nhà máy đường trong nước và các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm, nhằm tìm hướng tiêu thụ đường nội.

Sáng 28.3, tại TP.HCM, Bộ Công thương chủ trì cuộc họp giữa đại diện các nhà máy đường trong nước và các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm, nhằm tìm hướng tiêu thụ đường nội.


Việc điều tiết thị trường đường cần chú trọng đến quyền lợi của nông dân trồng mía - Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), cho biết hiện đường tồn kho lớn trong khi các DN tiêu thụ đường lại xin nhập đường từ nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện lượng đường mà các DN xin nhập khẩu lên đến 268.000 tấn, chẳng hạn Tân Hiệp Phát xin nhập 25.000 tấn, Coca Cola xin nhập 20.000 tấn, Kinh Đô xin nhập 15.000 tấn, Friesland Campina xin nhập 14.000 tấn, Vinacafe xin nhập 14.000 tấn… Theo ông Đỗ Thành Liêm, Giám đốc Công ty mía đường Khánh Hòa, Phó chủ tịch VSSA, do thuế nhập khẩu đường giảm nên giá đường nhập khẩu thấp hơn giá trong nước. Đây là lý do khiến các DN chế biến thực phẩm không mua đường trong nước mà xin nhập khẩu.

Tuy nhiên đại diện nhiều DN chế biến thực phẩm đã cho biết lý do chính là trong khi nhập khẩu đường chỉ cần mở L/C, đặt cọc khoảng 10% thì các nhà máy đường đòi phải trả tiền trước hoặc ít nhất phải trả trước 50%; giá đường thường xuyên thay đổi, nguồn hàng không ổn định...

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, đã yêu cầu Vụ Công nghiệp nhẹ tổng hợp nhu cầu nhập khẩu của các DN chế biến, gửi Hiệp hội Mía đường để hai bên thương lượng, thống nhất ngay trong tháng 4. Bộ Công thương sẽ dựa theo đó để cân nhắc việc cấp phép nhập khẩu đường. Các giải pháp hỗ trợ ngành mía đường trong việc sản xuất, tiêu thụ, thu mua tạm trữ, xuất khẩu cũng đã được Bộ Công thương soạn thảo và trình Thủ tướng.

Đề nghị mua tạm trữ

Trong một động thái khác, Bộ NN-PTNT cũng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn của ngành mía đường và đề xuất những giải pháp điều hành tiêu thụ, tạm trữ đường. Theo Bộ NN-PTNT, sau nhiều năm thiếu đường phải nhập khẩu, năm 2012, các nhà máy đường trong nước đã sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Dự báo, nguồn cung trong cả năm đạt 1,57 triệu tấn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và luân chuyển gối vụ mà còn dư khoảng 70.000 tấn đường.

Tuy nhiên, các nhà máy đường hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và tiêu thụ sản phẩm. Các nhà máy đường đang bị tồn kho lớn, hiện lên đến trên 366.000 tấn đường và để có vốn sản xuất các nhà máy đã phải liên tục hạ giá bán, chấp nhận lỗ nhưng tiêu thụ trong nước vẫn khó khăn. Hiện mía còn rất nhiều ngoài ruộng nhưng các nhà máy đang phải sản xuất cầm chừng vì sợ lỗ và không có vốn, nguy cơ sẽ có những ruộng mía không được thu hoạch hoặc thu hoạch chậm dẫn đến tái sinh kém, làm cho vụ tới lại thiếu nguyên liệu và lại phải nhập khẩu đường.

Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương tạo điều kiện cho các DN được xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ với số lượng khoảng 100.000 tấn. Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện chính sách tạm trữ đường. Theo đó, có cơ chế bố trí đủ nguồn vốn ước khoảng 3.200 tỉ đồng và hỗ trợ 100% lãi suất, cho các công ty sản xuất đường vay để tạm trữ 200.000 tấn đường trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 5.2012.

Q.Thuần - Q.Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.