G20 'chào thua' Tổng thống Donald Trump về mặt thương mại

19/03/2017 18:35 GMT+7

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa từ bỏ sự ủng hộ lâu dài dành cho thương mại tự do trong buổi họp đầu tiên của họ với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo CNN, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thuộc G20, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Mexico, Đức và Ấn Độ, vừa có hai ngày đàm phán khó khăn tại thị trấn Baden-Baden của Đức.
Tuyên bố chính thức được đưa ra sau hội nghị G20 chỉ là: “Hợp tác nhằm tăng cường sự đóng góp của thương mại vào nền kinh tế của chúng ta”. Cụm từ “chúng ta sẽ chống lại tất cả các hình thức bảo hộ” như hồi hội nghị G20 diễn ra ở Trung Quốc vào tháng 7.2016 vắng bóng trong thông cáo mới nhất.
Cụ thể, Trung Quốc, Úc và nhiều nước khác đẩy mạnh việc duy trì cam kết. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho hay cuộc đàm phán mới nhất kéo dài và thẳng thắn. Thay vì bỏ qua vấn đề thương mại trong tuyên bố chung, ông Schaeuble cho hay mình muốn tìm một lập trường mà tất cả các nước đều có thể đồng ý.
Việc G20 không đưa ra cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ phản ánh nhiều bất đồng nghiêm trọng về một nguyên tắc then chốt vốn củng cố nền kinh tế toàn cầu nhiều năm qua. Các lãnh đạo thế giới tăng gấp đôi cam kết ủng hộ thương mại tự do sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vì họ từng muốn ngăn chặn cuộc suy thoái toàn cầu.
Song cam kết trên nhạt dần theo thời gian. Tổng thống Donald Trump mới đây rút tên Mỹ khỏi danh sách các nước tham gia một hiệp định thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương, hứa tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada, đe dọa áp thuế quan lên hàng nhập khẩu để bảo vệ công ăn việc làm của dân Mỹ. Ông Trump cho rằng các quy tắc thương mại toàn cầu được sắp xếp để chống lại Mỹ và người lao động nước này.
Sự khác biệt trong quan điểm thương mại của Mỹ và các cường quốc khác thể hiện lần nữa trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng. Trong cuộc họp báo, ông Trump phát biểu: “Mỹ đã bị đối xử rất bất công trong nhiều năm qua và điều này sẽ chấm dứt. Tự do thương mại khiến rất nhiều điều xấu xảy ra… NAFTA là một thảm họa cho Mỹ, là thảm họa cho các doanh nghiệp Mỹ và đặc biệt là thảm họa với lao động Mỹ”.
Trong khi đó, bà Merkel cho hay toàn cầu hóa và thương mại tự do có thể công bằng hơn nhưng hai yếu tố này hiện vẫn giúp ích cho Đức. Bà nhấn mạnh thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc, vốn đã và đang đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Lời đe dọa về các chính sách bảo hộ cùng thuế mới khiến nhiều nước phụ thuộc thương mại vào Mỹ đau đầu. Nền kinh tế số một thế giới nhập khẩu 2.700 tỉ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ mỗi năm, một nửa trong số này đến từ các nước thuộc khối các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, Canada, Mexico, Nhật Bản và Đức.
Trước cuộc họp G20, giới chuyên gia nhận định việc nhóm các nền kinh tế lớn thất bại trong việc cam kết tự do thương mại sẽ báo hiệu chuyện ông Trump nghiêm túc trong việc thông qua ít nhất là một trong số nhiều lời đe dọa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.