Gạo Nàng thơm… hết thơm

06/11/2016 10:05 GMT+7

Gạo Nàng thơm Chợ Đào là đặc sản nổi tiếng của xã Mỹ Lệ (H.Cần Đước, Long An) với đặc trưng: thơm, dẻo, cơm để nguội vẫn còn thơm. Tiếc rằng bây giờ loại gạo này không còn giữ được phẩm chất như xưa nữa.

Theo ông Huỳnh Văn Cơ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lệ, toàn xã có khoảng 900 ha ruộng lúa, trong đó có 500 ha chuyên trồng giống Nàng thơm Chợ Đào.
Bể hợp đồng vì hết thơm
Từ năm 2012, HTX đã đầu tư cho nông dân trồng thử nghiệm 50 ha, đến năm 2016 nâng lên 150 ha, theo mô hình “Phục tráng chất lượng gạo Nàng thơm Chợ Đào” do Trường ĐH Cần Thơ làm chủ nhiệm đề tài. Khi thực hiện “phục tráng” giống lúa đặc sản này, từ năm 2013, một số doanh nghiệp (DN) đã trực tiếp ký hợp đồng với nông dân xã Mỹ Lệ để đầu tư phân bón, giống và bao tiêu toàn bộ lúa sau khi thu hoạch, như Công ty CP nông trại sinh thái Ecofarm, Công ty TNHH An Nông...


Giống cho năng suất cao thì đồng thời hạt gạo cũng bớt thơm và cứng cơm, không còn mềm, dẻo như ngày xưa

PGS-TS Võ Công Thành


Thế nhưng, đến khi thu hoạch, các DN này đã lần lượt bỏ cuộc chỉ vì hạt gạo Nàng thơm Chợ Đào nấu cơm không dẻo, ít thơm, để nguội lại cứng cơm, mặc dù bên trong hạt gạo vẫn có nhân trắng đục, gọi là hạt lựu, một trong những điểm đặc trưng của loại gạo này.
Sau khi Ecofarm và An Nông bỏ cuộc, một DN tại địa phương, DNTN Bảy Sánh, có hệ thống nhà máy xay xát và kho sấy, đã đứng ra thực hiện tiếp việc ký hợp đồng, bao tiêu lúa cho nông dân, thông qua HTX Mỹ Lệ. Theo ông Huỳnh Văn Cơ, vai trò của HTX là làm trung gian ký hợp đồng với các DN để cung ứng giống, phân bón cho nông dân và thu hồi lại vốn đã đầu tư sau thu hoạch. Còn trách nhiệm của DNTN Bảy Sánh là bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Ông Phan Văn Sánh, chủ DNTN Bảy Sánh, cho biết đến nay là năm thứ ba ông đầu tư cho gạo Nàng thơm Chợ Đào. “Hồi xưa có nhiều công ty tới đây đầu tư nhưng rồi họ bỏ chạy hết. Thấy vậy tôi mới nhảy ra làm để hỗ trợ cho nông dân, nếu không thì mất giống Nàng thơm Chợ Đào. Cách làm của tôi là cung ứng cho nông dân lúa giống và phân bón. Đến khi thu hoạch, thu lại bằng tiền và bao tiêu sản phẩm. Giá thì công bố ngay từ đầu vụ và ghi cụ thể vào hợp đồng. Ví dụ giá lúa tươi từ 8.500 - 9.000 đồng/kg và giá lúa khô là 10.500 đồng/kg, mua tại ruộng”, ông Sánh nói.
Vì thiếu phù sa ?
Từng có thông tin cho rằng gạo Nàng thơm hết thơm vì bị thương lái trộn với gạo thường. Bởi vì với diện tích 500 ha, mỗi năm chỉ làm một vụ với sản lượng chừng 2.000 tấn lúa, tương đương khoảng 1.000 tấn gạo và được thu hoạch vào cận Tết Nguyên đán. Trong khi đó thì tại các điểm mua bán gạo lúc nào cũng thấy trưng bày gạo Nàng thơm Chợ Đào “chính hiệu”. Khi thực hiện bài viết này, PV Thanh Niên đã mua 5 kg ngay tại cửa hàng của HTX Mỹ Lệ đem về nấu thử thì thấy đúng là chẳng còn thơm, dẻo như gạo Nàng thơm Chợ Đào mà chúng tôi từng biết.
Một người dân ở ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ là chị Nguyễn Thị Hoàng Phương cho rằng gạo Nàng thơm Chợ Đào bây giờ bị mất chất là vì kinh Xóm Bồ bị đắp đập ngăn mặn, phù sa từ sông Vàm Cỏ không còn vào ruộng được, làm gạo hết thơm. Có cùng suy nghĩ như vậy, ông Phan Văn Sánh nói "ngăn mặn nhưng hại gạo", đồng thời ông còn nêu thêm nguyên nhân khác là do sử dụng nhiều phân hóa học. "Khoảng 3 năm về trước, gạo Nàng thơm Chợ Đào... mất thơm, giờ đang từ từ lấy lại khoảng 80%, hạt gạo năm nay có lựu nhiều, nhờ hạn chế dùng phân hóa học", ông Sánh cho hay. Còn theo ông Huỳnh Văn Cơ, gạo Nàng thơm Chợ Đào bây giờ khi mới thu hoạch thì thơm nhưng để lâu bớt thơm.
Trong khi đó, nhiều nông dân cho rằng nguyên nhân Nàng thơm hết thơm là do giống. Trước đây vùng Mỹ Lệ trồng giống lúa Nàng thơm Chợ Đào địa phương, dù năng suất thấp, nhưng chất lượng cao, khi nấu cơm dẻo và có mùi thơm rất đặc trưng. Từ khi chuyển sang trồng giống lúa năng suất cao hơn thì chất lượng lại giảm.
Theo PGS-TS Võ Công Thành (Trường ĐH Cần Thơ), hiện nay dòng Nàng thơm Chợ Đào số 5 (ký hiệu là D5) là dòng sản xuất chính chiếm gần 50% diện tích canh tác lúa Nàng thơm Chợ Đào tại xã Mỹ Lệ. Tuy có năng suất cao và ổn định nhưng giống D5 giờ chất lượng giảm sút, đặc biệt là giảm mùi thơm và độ mềm cơm. “Giống cho năng suất cao thì đồng thời hạt gạo cũng bớt thơm và cứng cơm, không còn mềm, dẻo như ngày xưa”, ông Thành nói. Nhưng nguyên nhân chính, theo ông là do thoái hóa di truyền, cụ thể là giống bị thoái hóa. Đây là yếu tố quyết định. Còn nguồn nước phù sa không ảnh hưởng nhiều, nếu có phù sa thì gạo sẽ thơm ngon hơn. Cũng vì thoái hóa di truyền nên phải phục tráng, tuyển chọn lại bộ giống.
Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Long An phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ thử nghiệm lại bộ giống cho địa phương, theo phương thức cấy thưa, nhằm phục tráng giống lúa Nàng thơm Chợ Đào.
Anh Nguyễn Khắc Nhựt (ở ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ) cho biết đặc điểm của lúa Nàng thơm Chợ Đào là năng suất thấp, trồng tới 6 tháng mới thu hoạch, nhưng giá mua như hiện nay là chưa hấp dẫn. Nếu làm lúa ngang (ngắn ngày) thì khỏi tốn công gieo mạ, nhổ mạ, rồi tiền cấy, cày, trục, trong khi năng suất cao hơn, khoảng 6 - 7 tấn/ha và một năm có thể làm được 3 vụ. "Như năm rồi giá lúa Nàng thơm Chợ Đào là 10.200 đồng/kg, trong khi lúa Nàng hoa giá 5.300 đồng/kg nhưng năng suất cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi”, anh Nhựt so sánh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.