Giá dừa khô lao dốc, nhà vườn lao đao

Bắc Bình
Bắc Bình
18/08/2018 08:04 GMT+7

Hàng vạn hộ dân trồng dừa tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long... đang đứng trước nguy cơ thua lỗ và thiếu chi phí tái đầu tư vì giá dừa khô lao dốc.

ĐBSCL có gần 130.000 ha dừa đang cho trái, chiếm gần 79% diện tích dừa cả nước, tập trung nhiều ở 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long và đây là thời điểm thu hoạch dừa rộ nhất trong năm.
Tuy nhiên, hiện dừa khô bán tại vườn cho thương lái chỉ từ 17.000 - 23.000 đồng chục (12 trái), thấp hơn khoảng 80.000 đồng/chục so với cùng kỳ năm 2017. Mức giá này cũng chỉ bằng 1/3 giá trung bình trong khoảng 10 năm qua. Giá bán thấp nhưng vẫn khó tìm được người mua.
Giá liên tục giảm
Theo nhiều nhà vườn ở Bến Tre, giá dừa liên tục sụt giảm kéo dài hơn 3 tháng qua khiến họ lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Bởi số tiền thu được từ dừa không đủ tái đầu tư phân, thuốc cho vườn dừa và nếu tính luôn công chăm sóc thì nhà vườn thua lỗ. Trong khi đó, đời sống của các hộ dân này có thu nhập chính từ việc bán dừa.
Vườn dừa 2,5 ha của anh Huỳnh Văn Hậu (35 tuổi, xã Châu Bình, H.Giồng Trôm, Bến Tre) cho thu hoạch hơn 2.000 trái/tháng nhưng 2 lần mua phân bón, thuốc trừ sâu gần đây anh phải xin nợ tiền đại lý vì tiền bán dừa chỉ đủ trang trải chi phí chuẩn bị năm học mới cho 2 đứa con. “Tháng 4 năm nào giá dừa cũng xuống thấp do ảnh hưởng thị trường của các nước Hồi giáo ăn chay. Nhưng nay tháng 4 qua rồi mà không hiểu sao giá lại còn thấp hơn nữa mà cũng không có người mua”, anh Hậu than thở.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bến Tre, toàn tỉnh có hơn 71.000 ha dừa, hơn 80% diện tích trong đó là dừa khô, sản lượng trung bình hơn 600 triệu trái/năm. Gần 2/3 trong tổng số hộ dân toàn tỉnh (khoảng 310.000 hộ) có kinh tế chính là trồng dừa, diện tích trung bình mỗi hộ 3 - 5 công. Do đó, khi giá dừa khô giảm sâu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con.
Giá dừa khô giảm mạnh và kéo dài khiến đời sống người trồng dừa khó khăn
Cần nâng chất lượng dừa khô
Về nguyên nhân dừa khô giảm giá, các thương lái địa phương cho biết do thương lái Trung Quốc ngừng mua, trong khi các nhà máy chế biến dừa trên địa bàn tỉnh cũng mua nhỏ giọt. Anh Nguyễn Văn Tâm, một thương lái dừa khô ở H.Châu Thành (Bến Tre), nói: “Hằng năm, khi bước vào tháng ăn chay Ramadan ở các nước Trung Đông, giá dừa khô đều giảm mạnh và lúc này các doanh nghiệp chế biến dừa khô tranh mua trữ lại. Còn hiện họ chỉ mua để giữ mối thôi, chờ đến khoảng tháng 8, 9 âm lịch thì mới thu mua trở lại với số lượng lớn”.
Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, thị trường xuất khẩu của trái dừa Bến Tre đã tới khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường rất quan trọng. Toàn tỉnh hiện có đến 1.970 cơ sở sản xuất, chế biến dừa khô nguyên liệu để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Các doanh nghiệp này nếu chạy hết công suất, mỗi năm tiêu thụ khoảng 1,1 tỉ trái dừa khô. “Rõ ràng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nông dân trồng dừa gặp khó khăn là do chất lượng, giá thành sản xuất của trái dừa khô Bến Tre cũng như một số tỉnh, thành khác tại ĐBSCL không cạnh tranh được với dừa khô nguyên liệu tại các nước trong khu vực là Indonesia, Philippines, Thái Lan, nên thời gian qua xuất hiện việc doanh nghiệp trong tỉnh nhập khẩu dừa nguyên liệu từ nước ngoài”, ông Lê Văn Khê, Giám đốc Sở Công thương Bến Tre, đánh giá.
Cũng theo ông Khê, cơ cấu giống, phần lớn diện tích vườn dừa đều đã già cỗi, năng suất cho trái vườn dừa Bến Tre hiện ở mức khá thấp nên thậm chí trong các thời điểm giá dừa khô có cao ngất ngưởng thì nông dân cũng không có thu nhập tương xứng.
Thời gian tới, ông Khê cho biết tỉnh sẽ tập trung phát triển thương hiệu trái dừa thông qua hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, không để các doanh nghiệp loại trừ nhau như hiện nay. Việc này nhằm kéo giảm giá thành sản xuất trái dừa nguyên liệu, đồng thời quảng bá nhãn hiệu, tăng cường hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.