‘Giải cứu’ ĐBSCL trước thiên tai hạn, mặn

Nhiều tỉnh ĐBSCL đang đồng loạt triển khai các biện pháp trước thiên tai khô hạn, xâm nhập mặn chưa từng có nhiều năm qua.

Nhiều tỉnh ĐBSCL đang đồng loạt triển khai các biện pháp trước thiên tai khô hạn, xâm nhập mặn chưa từng có nhiều năm qua.

Ông Lê Hữu Tâm (xã Hưng Yên, H.An Biên, Kiên Giang) mất trắng 25 công lúa vì nước bị nhiễm mặn - Ảnh: Tây HồÔng Lê Hữu Tâm (xã Hưng Yên, H.An Biên, Kiên Giang) mất trắng 25 công lúa vì nước bị nhiễm mặn - Ảnh: Tây Hồ
Khoan giếng ngầm
Kiên Giang đang là tỉnh hứng chịu hậu quả nặng nề nhất bởi hạn, mặn. Tính đến nay, diện tích thiệt hại trong vụ lúa mùa và đông xuân 2015 - 2016 Kiên Giang đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của hơn 18.000 hộ nông dân. Hạn hán cũng làm hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Theo các chuyên gia, những tác động “kép” đầy tai hại trên chắc chắn còn tăng bởi đây mới là đầu mùa khô, nắng nóng, xâm nhập mặn sẽ còn kéo dài và ngày càng gay gắt hơn.
Giếng nước ngầm vừa được khoan thêm để dự phòng nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP.Rạch Giá - Ảnh: Xuân Lam
Giếng nước ngầm vừa được khoan thêm để dự phòng nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP.Rạch Giá - Ảnh: Xuân Lam
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết ngay lúc này, ngoài giải pháp tình thế như khoan thêm giếng ngầm, chủ động nguồn nước ngọt cho các nhà máy, tỉnh đã chỉ đạo các huyện thị khẩn cấp hoàn thành các công trình thủy lợi còn dang dở, công trình ngăn mặn “chữa cháy” như nghiên cứu đắp các đập ngăn cao su, đập vải kỹ thuật; tuyệt đối không để cục bộ ở các huyện xung đột lợi ích với nhau.
Hiện Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang đang khoan 16 giếng nước ngầm để bổ sung nguồn nước dự trữ khi nước mặt bị nhiễm mặn. Mỗi giếng sâu từ 85 - 115 m, tổng chi phí khoảng 15 tỉ đồng. Khi hoàn thành, 16 giếng sẽ cung cấp thêm khoảng từ 16.000 - 20.000 m3 nước/ngày đêm. “Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm đối phó tình hình hiện nay. Về lâu dài, công ty đã lập dự án xây dựng thêm một hồ chứa nước ngọt ở TP.Rạch Giá và một hồ ở Sóc Xoài (thuộc H.Hòn Đất) với sức chứa mỗi hồ khoảng 1 triệu m3”, ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang, nói.
Còn tại Hậu Giang, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy, cũng đã chỉ đạo khoan nước ngầm để khai thác nước ngọt bổ sung cho các nhà máy nước khi mặn kéo dài. Theo đó, tại TP.Vị Thanh sẽ khoan 2 giếng bổ sung khoảng 5.800 m3 nước/ngày đêm. Ở TX.Ngã Bảy, TX.Long Mỹ, H.Châu Thành mỗi điểm khoan 1 giếng để bổ sung khoảng 2.900 m3 nước ngọt/ngày đêm...
Nạo vét kênh, xây cống ngăn mặn
Tỉnh Cà Mau lên kế hoạch nạo vét các tuyến kênh chứa nước ở khu vực rừng U Minh Hạ, đầu tư hệ thống hồ chứa nước ngọt phục vụ nước sinh hoạt cho dân và kết hợp phục vụ phòng cháy rừng.
Đặc biệt, Cà Mau cũng kiến nghị T.Ư xem xét hỗ trợ địa phương dự án đầu tư dẫn nước ngọt từ vùng Nam sông Hậu về Cà Mau để hạn chế tối đa tình trạng khoan nước ngầm ở vùng đất bị nhiễm mặn. Các tỉnh khác như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang cũng đang ráo riết thực hiện các biện pháp chủ động nguồn nước ngọt sinh hoạt cho dân.
Ở Kiên Giang những năm trước đã chủ động xây dựng hệ thống cống ngăn mặn, cống lấy nước ngọt để sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều cống không phát huy được tác dụng, có cống xây dang dở, thiếu vốn, có cống khi xong lại không còn phù hợp với tình hình sản xuất thực tế... Theo ông Hồng, hiện tại UBND tỉnh đã cho rà soát lại hiện trạng sử dụng của các cống để có sự điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp các địa phương triển khai phương án ngăn mặn - giữ ngọt, tập trung ở vùng ven biển An Biên - An Minh và một số khu vực cục bộ ở TP.Rạch Giá, các huyện Châu Thành, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành. Đây đều là các huyện đang gặp khó bởi hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng đồng bộ.
Hiện tại toàn tỉnh mới chỉ hoàn thành 82/89 đập ngăn mặn và cần phải đắp thêm 12 đập ở vùng bị ảnh hưởng của H.Giang Thành. “Với các công trình thủy lợi, công trình ngăn mặn lâu dài cần nguồn vốn lớn thì có kế hoạch cụ thể trên cơ sở tính toán, cân đối trên toàn tỉnh. Riêng các công trình tạm thời, các địa phương cần tính toán sử dụng các đập như đập cao su, đập vải địa kỹ thuật vừa hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí”, ông Hồng nói.
Chọn giống lúa phù hợp
Một số địa phương ở Kiên Giang cũng đã tính đến chuyển đổi mô hình sản xuất. Đặc biệt ở H.An Minh, lần đầu tiên ngành nông nghiệp sẽ phát hàng chục ngàn phiếu thăm dò, lấy ý kiến người dân xem mô hình nào phù hợp, hiệu quả có thể áp dụng được ở những vùng đất bị nhiễm mặn không trồng được lúa. Còn H.An Biên đang chuẩn bị thí điểm vùng nuôi chuyên canh tôm và phát triển thêm mô hình nuôi thủy sản nước lợ.
Cống ngăn mặn ở ấp Xẻo Quao (xã Đông Hòa, H.An Minh) đang được đầu tư xây dựng - Ảnh: Tây Hồ
Cống ngăn mặn ở ấp Xẻo Quao (xã Đông Hòa, H.An Minh) đang được đầu tư xây dựng - Ảnh: Tây Hồ
Tại Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, cũng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện một loạt giải pháp phòng chống hạn, mặn như tuyên truyền cho người dân về mùa vụ, diễn biến thời tiết, chuyển giao kỹ thuật mô hình lúa tôm phù hợp với điều kiện thực tế, hướng dẫn lịch thời vụ và bố trí cây trồng phù hợp...
Trong khi đó, Cục Trồng trọt khuyến cáo ngoài việc ưu tiên cho sản xuất giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường thì cần chú ý tới phù hợp với diễn biến tình hình xâm nhập mặn, nhất là các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang. Cục Trồng trọt cho rằng những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn thì nông dân nên sử dụng một số giống: OM 5464, AS 996, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 6976; vùng ven biển Nam bộ sử dụng các giống: IR 50404, OM 576, OM 5476, OM 4900, OMCS 2000, Jasmine 85, RVT, VD 20, ST5; vùng bán đảo Cà Mau sẽ phù hợp với các giống: OM 4900, OM 2517, GKG 1, OM 7347, RVT, OM 5954.
Rửa đất nhiễm mặn
Hiện nay, hơn 40% diện tích trồng lúa vùng ĐBSCL, tương đương gần 300.000 ha đất sản xuất bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Vì vậy, việc cải tạo diện tích đất bị nhiễm mặn là hết sức quan trọng và cấp bách. Theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nếu đất nhiễm mặn thì nông dân cần áp dụng thêm kỹ thuật dùng lượng nước ngọt rửa mặn 1 - 2 lần trước khi xuống giống.
Đối với những vùng đất mặn có phèn nên bón vôi nung, riêng đất mặn không phèn nên bón vôi thạch cao (CaSO4) với liều lượng khoảng 30 - 50 kg/1.000 m2. Sau khi rải vôi cần cày hoặc sục cho vôi trộn đều trong đất, ngâm nước từ 1 - 2 ngày rồi rút nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.