Giành lại vỉa hè cho giao thông tại TP.HCM

02/12/2020 17:37 GMT+7

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP dự thảo thay thế Quyết định số 74 ngày 23.10.2008 quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, sau 12 năm triển khai thực hiện theo Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND, công tác quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố đã có những chuyển biến tích cực trong việc người dân chấp hành các quy định. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát, tổng hợp, Sở GTVT, UBND các quận, huyện cũng như một số đơn vị liên quan ghi nhận có một số vấn đề chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể.
Đơn cử, Quyết định 74 ra đời từ năm 2008 đã không còn phù hợp với một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau như Luật giao thông đường bộ, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, Luật Quảng cáo năm 2012, Luật phí và lệ phí năm 2015...
Vai trò phối hợp tham gia công tác quản lý sử dụng lòng đường, hè phố của các sở, ban, ngành chưa được thể hiện đầy đủ. Quy định về sử dụng hè phố chưa đề cập, quy định một số hoạt động khác diễn ra trên thực tế như xây dựng, lắp đặt các công trình bên trên hè phố trong hành lang đường bộ nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho người đi bộ.
Ngoài ra, chưa đề cập, chưa quy định chi tiết điều kiện hè phố cần có để tổ chức các hoạt dộng có tính chất khác nhau như trông, giữ xe hai bánh, xe ô tô, kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa... và chưa tập trung định hướng xã hội hóa, khai thác hiệu quả việc sử dụng lòng đường, hè phố.
Từ thực trạng nêu trên, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để chấn chỉnh những tồn tại thời gian qua trong công tác quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn TP, Sở GTVT đã chủ trì soạn thảo dự thảo quyết định thay thế quyết định số 74.
Dự thảo quyết định mới có quan điểm: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, các trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác, trường hợp đặc biệt sẽ do UBND TP qụyết định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Cụ thể, đối với việc sử dụng tạm thời một phần hè phố: Mọi hoạt động phải đảm bảo chiều rộng hè phố cho người đi bộ lưu thông tối thiểu từ 1,5 mét. Hè phố hiện hữu không đảm bảo chiều rộng thì phải có lộ trình thay thế tạm thời, đảm bảo an toản cho người đi bộ. 
Có 9 nhóm hoạt động được xem xét sử dụng tạm thời một phần hè phố gồm: Tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; Tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; Điểm trông, giữ xe có thu phí; Điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; Điểm để xe hai bánh tự quản; Điểm bố trí để xe 2 bánh công cộng tại vị trí chuyển tiếp phục vụ hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị); điểm bố trí dịch vụ để xe đạp, xe đạp điện công cộng và một số công trình bên trên hè phố phục vụ tổ chức giao thông. 
Đối với việc quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường: Sở GTVT yêu cầu đảm bảo phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 2 làn xe ô tô cho một chiều đi.
Các hoạt động được xem xét sử dụng tạm thời một phần lòng đường có 3 trường hợp: Tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; Bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí. Các hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải có giấy phép. 
Các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; điểm trông, giữ xe có thu phí; điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị sẽ phải đóng phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.