Giáo sư Paul Krugman: Cần gia tăng các gói kích cầu!

21/05/2009 00:07 GMT+7

Chiều 20.5, giáo sư Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2008 đã có mặt tại VN theo lời mời của trường Doanh nhân PACE. Ông sẽ chủ trì hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng" diễn ra hôm nay ở TP.HCM.

Ngay trong chiều qua, giáo sư đã dành cho báo giới trong nước và quốc tế một cuộc phỏng vấn nhanh.

*Ông đánh giá thế nào về tác động của cuộc khủng hoảng đến kinh tế toàn cầu?

- Những tổn thương do cuộc khủng hoảng gây ra đã rõ ràng. Chúng ta có thể thấy rất nhiều dấu hiệu. Thực tế là chúng ta đã trải qua giai đoạn không mấy lạc quan của nền kinh tế thế giới. Nhiều quốc gia trở nên lúng túng và không biết làm gì để vượt qua cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần suy nghĩ là làm thế nào để đưa ra được các biện pháp đối phó với khủng hoảng. Vẫn còn rất nhiều ẩn số mà chúng ta chưa thể dự đoán được. Không ít người cho rằng, thế giới sắp thoát khỏi giai đoạn này nhưng theo tôi, vấn đề phải suy nghĩ hiện nay là trả lời câu hỏi "chúng ta phải làm gì sau đó?".

Trong khi nhiều nước đang có tốc độ tăng trưởng bằng không, thậm chí là tăng trưởng âm thì việc VN vẫn đang tăng trưởng là một dấu hiệu rất tốt trong bối cảnh hiện nay.

*Ông đánh giá thế nào về các biện pháp giải quyết khủng hoảng mà các nước trên thế giới đang sử dụng?

- Biện pháp mà các nước sử dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay đã tốt hơn trước đây rất nhiều. Tuy nhiên, các gói kích thích kinh tế mà Chính phủ các nước đưa ra chưa đủ lớn để vực dậy nền kinh tế của họ. Đơn cử như gói kích cầu của Mỹ, đến thời điểm này vẫn chưa có tác động khả quan trong việc tăng tổng cầu. Không ít quốc gia cũng đã đầu tư rất nhiều để cải thiện tình hình nhưng lại lo sợ việc đầu tư của mình có thể làm cho nước khác hưởng lợi. Suy nghĩ này khiến họ không mạnh dạn bỏ thêm tiền cho các gói kích cầu và kết quả là các gói kích cầu này chưa đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế của họ. Làm thế nào để xóa bỏ suy nghĩ này? Tôi cho rằng, điều mà chúng ta cần làm hiện nay là sự phối hợp. Ví dụ như các nước thuộc nhóm G20 phải đưa ra gói giải pháp chung cho cả khối... thay vì những lo sợ như nói trên.

*Vậy theo ông, gói kích cầu cần có quy mô như thế nào mới đủ để vực dậy nền kinh tế đang suy thoái hiện nay?

- Cần gia tăng gấp đôi các gói kích cầu hiện nay. Tại Mỹ, gói kích cầu mà Chính phủ đưa ra hiện nay bằng 2,5% GDP nước này. Tôi cho rằng phải tăng lên 4% - 5% GDP thì mới có thể giúp Mỹ vực dậy và phát triển nền kinh tế của mình. Bên cạnh gói kích cầu có một số giải pháp khác mà các nước có thể áp dụng là xem xét lại các chính sách kích cầu của mình, kiểm tra lại các can thiệp tài chính, môi trường... để có thể giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng.

*Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc chính phủ các nước đưa ra gói kích thích kinh tế sẽ khiến lạm phát có nguy cơ quay trở lại. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta không nên lo lắng về nguy cơ lạm phát mà nên lo về nguy cơ giảm phát. Lấy Nhật là ví dụ. Những năm 1980 khi kinh tế suy thoái, Nhật Bản đã chi rất nhiều tiền để cứu vãn nền kinh tế nhưng kết quả là họ vẫn bị rơi vào tình trạng giảm phát chứ không phải lạm phát. Mỹ cũng tương tự, khi đưa tiền ra để cứu nền kinh tế, GDP của Mỹ giảm từ 12% xuống còn 4% thập niên 80.

*Giáo sư là người phát hiện rất sớm những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng và đã đưa ra những kiến nghị để vượt qua khủng hoảng. Ông có nhìn thấy dấu hiệu tại VN và ông có thể đưa ra những giải pháp để VN vượt qua giai đoạn hiện nay?

- Tôi đã từng đưa ra một số dự báo nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay thì không cần dự báo nữa. Cái cần suy nghĩ hiện nay là làm thế nào để vượt qua khủng hoảng. Các nước đang phát triển trong đó có VN đã có sự tăng trưởng tốt hơn so với nhiều nước phát triển trên thế giới. Trong khi nhiều nước phát triển đang có tốc độ tăng trưởng bằng không, thậm chí là tăng trưởng âm thì việc VN và một số nước vẫn đang tăng trưởng là một dấu hiệu rất tốt trong bối cảnh hiện nay.

Giáo sư Paul Krugman, cha đẻ của thuyết thương mại mới và được mệnh danh là "nhà cảnh báo khủng hoảng" của thế giới. Ông cũng là người vừa được tạp chí Time bình chọn là một trong "20 nhà khoa học và tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009".

Các tác phẩm kinh điển nhất và phổ biến nhất trong kho tàng nghiên cứu của ông là Nền tảng của kinh tế, Sự trở lại của kinh tế học suy thoái và cuộc khủng hoảng năm 2008 và Kinh tế học quốc tế: Lý thuyết và chính sách.

Nguyên Hằng (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.