Gỡ nút thắt, đổi mới lần 2

23/04/2015 07:00 GMT+7

Hôm qua, tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ở TP.Vinh (Nghệ An), nhiều đại biểu cho rằng thời điểm này phải bắt đầu đẩy mạnh cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư như một cuộc đổi mới lần 2.

Hôm qua, tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ở TP.Vinh (Nghệ An), nhiều đại biểu cho rằng thời điểm này phải bắt đầu đẩy mạnh cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư như một cuộc đổi mới lần 2.

Môi trường kinh doanh, đầu tư VN được cho là chưa có nhiều cải thiện Môi trường kinh doanh, đầu tư VN được cho là chưa có nhiều cải thiện - Ảnh: Bình Minh

Một số kết quả khảo sát, lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho thấy, môi trường kinh doanh (MTKD) vừa qua ít nhiều đã có cải thiện. Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện của Tổ chức Xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại VN (JETRO), cho biết kết quả điều tra 720 DN Nhật Bản tại VN từ tháng 10 - 12.2014 của JETRO cho thấy, 57,5% DN Nhật cho rằng điểm mạnh của VN là chính trị - xã hội ổn định; 53,7% DN cho biết họ đến VN vì giá nhân công rẻ...

Một kết quả khảo sát khối DN FDI khác của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), do ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, trình bày cho thấy, số DN phải chi trả tiền “hoa hồng”, các khoản chi phí không chính thức trong làm ăn ở VN đã tăng mạnh từ 10% các năm trước đây lên 31% trong năm 2014. Điều kiện cơ sở hạ tầng cũng được đánh giá thấp. Một loạt vấn đề khác được nhiều DN cho biết như hiện số lần bị cắt điện đang gia tăng, nhiều lần bị thanh tra, kiểm tra, có DN bị thanh tra hơn 20 lần/năm; chi phí xin giấy phép lao động cao…

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cho rằng, 10 năm qua, chỉ số đo lường về mức độ thị trường của nền kinh tế VN chưa cải thiện được nhiều. Từ năm 2014 - 2015 có những cải cách nhất định về thể chế, luật lệ về kinh tế nhưng vị trí xếp hạng về mức độ thị trường hóa trên thế giới của VN vẫn ở mức 147, cách rất xa với những nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Cũng theo ông Cung, hiện nay việc tổ chức bộ máy các bộ không ổn khiến các bộ quá ôm đồm, hoạt động không hiệu quả. “Các bộ hiện là nơi vừa ra quyết định, vừa đại diện chủ sở hữu ở DN, vừa giám sát”, ông Cung nói. Đồng tình với điều này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nói: “Ví dụ như Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng quản lý cạnh tranh hiện nằm ở Bộ Công thương trong khi bộ này lại quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì phải chăng vừa đá bóng, vừa thổi còi?”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá nhà nước không nên coi cải thiện MTKD chỉ là việc “hỗ trợ” cho DN mà chính là việc mà bộ máy nhà nước phải làm để chính bộ máy của mình có hiệu lực, hiệu quả hơn. “20 năm vào ASEAN, chúng ta vẫn vui vẻ ở nhóm 4 nước cuối cùng, phải đi xin ưu đãi. Phải biết xấu hổ và quyết tâm cao hơn mới cải thiện MTKD được”, bà Chi Lan nói.

Các bộ không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ ngày 22.4, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Vừa qua, Bộ Tư pháp có báo cáo về kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Theo đó, một số bộ, địa phương ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền, có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật và một số văn bản cần rà soát, xử lý theo quy định tại Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 6.2.2013 về việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp theo dõi việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật nêu trên của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố và báo cáo Thủ tướng trong quý 3/2015.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.