Hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp

28/04/2013 03:50 GMT+7

Đó là đề nghị của nhiều đại biểu tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế của QH ngày 26.4, bên cạnh đề nghị cần có giải pháp ưu tiên tập trung cho mục tiêu tăng trưởng 5,5% của năm 2013.

Hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp
Hỗ trợ doanh nghiệp đứng vững và phát triển là mục tiêu quan trọng được Chính phủ xác định - Ảnh: Đ.N.Thạch

Lạm phát dễ kiềm, tăng trưởng khó khăn

Trong báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh trình tại phiên họp, Chính phủ nhận định khả năng GDP năm 2013 đạt 5,5% như mục tiêu QH đề ra là “rất khó khăn”, nếu không xử lý kịp thời như những giải pháp Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết 02 (NQ).

 

DN khó khăn như vậy, đổ vỡ như vậy thì nhiệm vụ số 1 phải giải quyết vấn đề tín dụng, hai là tiếp tục thực hiện giải pháp trong NQ 02 của Chính phủ. Đồng thời phải đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút nhiều nguồn lực cho sản xuất kinh doanh

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH

Dự báo việc kiềm chế lạm phát ở mức 6 - 6,5% như quyết tâm Chính phủ đặt ra là “trong tầm tay” trong khi để đạt được tăng trưởng 5,5% là “rất khó khăn”, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng cần tập trung ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng năm 2013 trong bối cảnh ngân sách hụt thu, doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động và giải thể hàng loạt.

Ông Ngoạn nhấn mạnh đến trách nhiệm nặng nề của công cụ tiền tệ trong năm 2013 để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng, vì không thể trông chờ nhiều vào chính sách tài khóa, và đề nghị thời gian tới nên tiếp tục giảm mạnh lãi suất trên cơ sở cân nhắc các tác động tiêu cực đi kèm trong vấn đề huy động vốn của ngân hàng.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ cũng cho rằng phải hạ lãi suất để cứu DN, giải quyết việc làm, khơi thông nguồn vốn. “DN khó khăn như vậy, đổ vỡ như vậy thì nhiệm vụ số 1 phải giải quyết vấn đề tín dụng, hai là tiếp tục thực hiện giải pháp trong NQ 02 của Chính phủ. Đồng thời phải đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút nhiều nguồn lực cho sản xuất kinh doanh”, ông Thụ kiến nghị.

Giảm các khoản chi chưa cấp thiết

 

Ngân hàng Nhà nước mua thêm 3,18 tỉ USD

Báo cáo kết quả quản lý thị trường vàng, ngoại tệ trong 3 tháng đầu năm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết thanh khoản của thị trường ngoại tệ tiếp tục cải thiện do cung ngoại tệ được bổ sung từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), nguồn kiều hối chuyển về nước tiếp tục ổn định, nhu cầu ngoại tệ ở mức thấp, tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân và DN giảm. Lượng ngoại tệ NHNN mua được tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ (NHNN mua ròng 3,18 tỉ USD từ các tổ chức quốc tế, Bộ Tài chính và tổ chức tín dụng trong quý 1/2013), đưa quy mô dự trữ ngoại hối đạt mức tương đương với thông lệ quốc tế là 12 tuần nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Một trong các giải pháp mà Chính phủ nhấn mạnh là rà soát các chính sách và văn bản để loại bỏ các điểm bất hợp lý; sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách có hiệu quả trực tiếp cho DN; giải thể, phá sản DN theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi và thêm động lực cho DN.

“Đặc biệt, phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính, khắc phục và xử lý nghiêm khắc những trường hợp cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà, trở ngại cho hoạt động của DN”, báo cáo của Chính phủ khẳng định.

Còn Bộ Tài chính, trong báo cáo cung cấp tại phiên họp Ủy ban Kinh tế QH, nhấn mạnh giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, giải quyết nợ xấu... để hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013.

Trong đó, Bộ đưa ra giải pháp xem xét việc giảm thuế có thời hạn hoặc tiếp tục giãn thuế GTGT đối với những hàng hóa, dịch vụ gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ... theo các nghị quyết của Chính phủ; Đẩy mạnh tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, như yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rà soát các nhiệm vụ chi, chủ động sắp xếp, giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí đã bố trí chi cho lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước...; thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm.

Bảo Cầm

>> Giảm thuế cứu doanh nghiệp
>> Chính phủ không “cứu” doanh nghiệp một cách tràn lan
>> Cần “thuốc” liều cao để cứu doanh nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.