Hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum cùng sở hữu thương hiệu sâm tốt nhất thế giới

Tỉnh Quảng Nam chính thức công bố chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, trở thành tỉnh thứ hai (cùng với Kon Tum) “sở hữu” và phát triển thương hiệu sâm củ tốt nhất thế giới.

Chiều nay 29.8, UBND tỉnh Quảng Nam công bố chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, kết thúc quá trình cùng với tỉnh Kon Tum đồng đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ kể từ năm 2013.
Dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” dùng cho sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, gìn giữ giá trị đặc trưng của nguồn gien quý hiếm, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, cả thế giới chỉ riêng Việt Nam có sâm Ngọc Linh. Tại Việt Nam, cũng chỉ ở 2 tỉnh (Quảng Nam, Kon Tum) có loài đặc hữu này.
Theo kết quả điều tra vùng, tại Quảng Nam cây sâm Ngọc Linh phân bố tập trung ở huyện Nam Trà My (gồm các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don) và thêm địa bàn xã Ch’ơm (huyện Tây Giang), xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn). Phía Kon Tum, sâm Ngọc Linh cũng chỉ tìm thấy ở 7 xã thuộc 2 huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã hỗ trợ 167.000 cây giống cho tỉnh Kon Tum để xây dựng vùng sâm giống, phát triển vùng sâm nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện có mối lo về tình trạng khai thác quá mức cần thiết đối với sâm Ngọc Linh. Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ.
Do những tính chất đặc biệt nổi trội và giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh, thị trường tiêu thụ, mua bán sâm Ngọc Linh đang trở nên “nóng bỏng”.
Cây sâm Ngọc Linh cũng từng bị đưa vào danh mục Sách đỏ Việt Nam rất sớm, từ năm 1994. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển diện tích sâm đang trở nên cấp bách, không chỉ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn bảo tồn được nguồn gien quý hiếm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.