Hàng ngàn điều kiện kinh doanh trái luật 'hành' doanh nghiệp

06/04/2015 11:03 GMT+7

(TNO) Tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh, kinh nghiệm quốc tế và thách thức với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 6.4, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện này cho rằng, sắp đến ngày luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực trong khi hiện vẫn còn “hàng ngàn điều kiện kinh doanh trái với luật sửa đổi.

(TNO) Tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh, kinh nghiệm quốc tế và thách thức với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 6.4, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện này cho rằng, sắp đến ngày luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực trong khi hiện vẫn còn “hàng ngàn điều kiện kinh doanh trái với luật sửa đổi.

thanh-lap-DNĐăng ký thành lập doanh nghiệp ở Hà Nội - Ảnh: M.Q

Theo ông Nguyễn Đình Cung, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh là một thách thức trong thực hiện luật Đầu tư và là yêu cầu lớn nhất của Nghị quyết 19 Chính phủ mới ban hành về cải thiện môi trường kinh doanh. Vì vậy, thực hiện luật Đầu tư thời gian tới sẽ phải thực hiện cùng với việc liên tục rà soát, bãi bỏ những thủ tục không cần thiết.

“Chúng tôi có trách nhiệm nghiên cứu, thiết lập cơ chế, thể chế dưới dạng nghị định để kiểm soát các quy định về điều kiện kinh doanh đã được ban hành phải đúng theo quy định của luật Đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện những nhiệm vụ này là khó khăn”, ông Cung nói.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, CIEM đã tập hợp tất cả điều kiện kinh doanh còn hiệu lực (trước khi luật Đầu tư sửa đổi chính thức đi vào cuộc sống), con số đã lên tới… 900 trang, với khoảng 6.000 điều kiện cụ thể, chưa tính đến các quy định về trình tự, thủ tục, thời gian để đạt giấy phép, giấy chứng nhận. “Nếu ghi đủ thì phải gấp 5 - 6 lần số điều kiện kinh doanh dày trang này. Khi đọc, chúng ta luôn phải đặt câu hỏi: tại sao cần có thủ tục, giấy tờ đó? Để hiểu được là rất khó khăn và nhức đầu, vì các quy định này rất khó hiểu”, ông Cung nói.

Cũng theo Viện trưởng CIEM, các điều kiện kinh doanh hiện nay nhiều quy định không có căn cứ thực tiễn, lý luận. “Chúng ta còn chưa kể các công văn điều hành của các Bộ, ngành mà nhiều khi đúng ở chỗ này, không đúng chỗ kia, làm méo mó môi trường kinh doanh”, ông Cung dẫn chứng và cho rằng, mỗi năm có hàng trăm, hàng ngàn nghị định, thông tư… với nội dung thay đổi liên tục, tạo nên rất nhiều rủi ro cho người kinh doanh, đầu tư.

Cũng theo ông Cung, hiện nay nhiều Bộ, ngành, chính quyền địa phương còn ban hành điều kiện kinh doanh theo cách tiếp cận: chọn - cho như quy định về phù hợp với quy hoạch; quy định về số lượng, công suất, máy móc thiết bị... "Đó là cách tiếp cận không phù hợp với luật Đầu tư vì nó tạo ra những rào cản, thủ tục, kéo dài thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp. Như quy định một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải bằng đường bộ tối thiểu phải có 20 ô tô nếu ở Hà Nội và TP.HCM, ở vùng sâu, vùng xa thì 5 chiếc. Tại sao phải quy định như vậy thì cơ quan ban hành quy định không giải thích được trong khi nó tạo ra rào cản thị trường, gây bất bình đẳng trong cơ hội kinh doanh, bất bình đẳng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm cung - cầu trên thị trường méo mó…", ông Cung nói.

Theo ông Cung, các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền lẽ ra phải chịu trách nhiệm về tình trạng này, nhưng thực tế không ai bị xử lý và chính cộng đồng doanh nghiệp hiện cũng thờ ơ với thực trạng này.

Ông Cung cho rằng, “những thách thức của việc thực hiện đúng và đầy đủ luật Đầu tư (sửa đổi) về điều kiện kinh doanh là rất lớn, dù các quy định của luật rất cụ thể. Đây là phép thử của đổi mới, cải cách. Các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với Hiến pháp và luật đương nhiên phải bãi bỏ trong thời gian tới". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.