Hàng triệu tấn tro xỉ nhiệt điện than không chỗ chứa: Giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo

13/09/2017 07:01 GMT+7

Tro xỉ của các nhà máy cũ đang ứ đọng trong khi các nhà máy mới vẫn tiếp tục được cấp phép.

Một lượng lớn là chất thải vĩnh viễn
Do đặc tính lý hóa nên việc tái sử dụng tro xỉ gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương, trong thời gian qua công ty đã kết hợp với các đơn vị làm đường để có thể sử dụng tro bay của nhà máy. Tuy nhiên, sau khi test mẫu thì độ đầm chặt của tro xỉ là 0,95 trong khi yêu cầu làm đường là 0,98 nên các đơn vị làm đường từ chối sử dụng.
Còn TS Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết: Hiện cả nước đang tồn chứa khoảng 40 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Nhiều nhà máy nhiệt điện vùng ven biển thậm chí sử dụng nước mặn để vận chuyển tro xỉ ra bãi xả thải.
Một số nhà máy vận chuyển bằng phương pháp khô thì phun nước mặn để dập bụi, vì vậy tro xỉ bị nhiễm mặn trở thành chất thải vĩnh viễn, không thể sử dụng để làm vật liệu xây dựng hoặc sử dụng trong công trình xây dựng.
Nhiều nhà máy nhiệt điện xả thải lẫn lộn làm giảm hiệu quả xử lý. Với các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 dự kiến là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn. Tro xỉ tồn ngày càng tăng tạo sức ép lên môi trường, giá điện, chiếm diện tích đất ngày càng lớn để tồn chứa.
Bên cạnh đó, nước làm mát cũng mang đến những rủi ro, nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Theo quy chuẩn VN, nước làm mát thải ra môi trường phải dưới 400C. “Tuy nhiên vừa qua do sự bất thường của thời tiết, thiếu nước làm mát đã dẫn đến nhiệt độ nước làm mát ra nguồn tiếp nhận cao hơn QCVN tại nhiệt điện Quảng Ninh”, ông Trần Văn Lượng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), thừa nhận.
Cần trợ giá năng lượng tái tạo
Theo TS Tô Vân Trường, xử lý chuyện tro xỉ này chỉ có 2 phương án. Thứ nhất, tất cả các nhà máy nhiệt điện than phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường hiện hành, có lộ trình hợp lý với các nhà máy hoạt động trước 2015 (theo quy định của QCVN 22).
Cần phải ủng hộ Bộ TN-MT về việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trước sức ép của nhiều phía. Thứ hai, thắt chặt quy trình thẩm định công nghệ để đảm bảo các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới, phải sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu.
Xin lưu ý, việc ô nhiễm khí thải và tro xỉ của nhà máy nhiệt điện đã được thống nhất trên thế giới (với các tiêu chuẩn thải tương đương), và việc quản lý, xử lý các loại chất thải này cũng đã có công nghệ phổ biến và đã thương mại hóa.
"Phát triển công nghiệp sẽ chú trọng tiết kiệm năng lượng hơn, nhất là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như xi măng, thép, bauxite... Cần có chính sách hỗ trợ giá cho năng lượng tái tạo để phát triển bền vững", TS Trường nói. 
Một bước lùi về mặt môi trường
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh - GreenID (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN): Nhiệt điện than là ngành gây ô nhiễm nghiêm trọng, thế giới ngày càng siết chặt quản lý để hạn chế ô nhiễm.
VN cũng đang đi theo con đường chung này, giờ lại có ý kiến kêu gọi “tháo gỡ” khó khăn cho các nhà máy nhiệt điện than thì thật khó hiểu.
Các tiêu chuẩn trong quy chuẩn quản lý môi trường của VN về không khí, chất thải đã thấp hơn so với các nước trong khu vực và tiêu chuẩn của thế giới (WHO). Nếu chúng ta tiếp tục “tạo điều kiện” để các nhà máy nhiệt điện than hoạt động tốt hơn so với hiện nay thì đó chính là chấp nhận một bước lùi về mặt môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.