Hàng việt không còn chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ

13/04/2019 07:21 GMT+7

Không ít câu chuyện, ý tưởng táo bạo trên hành trình đưa hàng Việt ra thế giới đã được các doanh nghiệp chia sẻ tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu VN 2019 do Bộ Công thương tổ chức vào hôm qua (12.4).

Khi hiệp hội chấp nhận cạnh tranh
Ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư kí Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ VN (Vietcraft), “khoe” rằng dù là hiệp hội đang thu phí đắt nhất VN song lại được rất nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong nước lẫn nhà nhập khẩu nước ngoài tìm đến. Theo ông Ngọc, trong ngành thủ công mỹ nghệ đang có sự chuyển dịch khi các nhà nhập khẩu bắt đầu từ bỏ thị trường Trung Quốc để tìm đến VN với kỳ vọng chúng ta sẽ nổi lên như một nhà cung cấp lớn. “Không ít nhà nhập khẩu khi làm việc với chúng tôi đã nói sao hàng VN đắt. Đó là điều dễ hiểu vì họ từng quen mua hàng Trung Quốc - vốn là thị trường giá rẻ. Chúng tôi trả lời rằng mình không cạnh tranh sản phẩm với các nước giá rẻ và chúng tôi tự hào vì đang cạnh tranh rất sòng phẳng với các hiệp hội, DN trong khu vực”, ông Ngọc kể lại. Tâm đắc với điều này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết VN ngày càng có nhiều mặt hàng đã không tăng về sản lượng nhưng hàm lượng giá trị cao lên. Cùng với đó, bên cạnh mặt hàng truyền thống thì đã có nhiều hơn các dịch vụ xuất khẩu nên giá trị xuất khẩu ngày một lớn.
Dù vậy, ông Lê Bá Ngọc cũng cho hay, nhược điểm lớn của nhiều DN Việt là rất lười sáng tạo sản phẩm mới. Do đó, không ít lần hiệp hội đã phải tự đặt sản phẩm mới, mang đi bán cho khách hàng ở các hội chợ quốc tế, sau đó mới “bán” lại đối tác này cho các DN trong hiệp hội. “Tất nhiên, VietCraft từng bị DN phàn nàn rằng nếu làm thế thì tức là hiệp hội xung đột lợi ích với DN. Nhưng ngay từ đầu chúng tôi xác định hiệp hội sẽ cung cấp dịch vụ, chấp nhận cạnh tranh, vì thế mà hiện nay Chính phủ đang xúc tiến lập Trung tâm đổi mới sáng tạo nhưng chúng tôi đã làm với Thuỵ Điển từ lâu rồi”, ông Ngọc nói.
Đây cũng là điều mà ông Phạm Minh Đức, giám đốc một công ty chè hữu cơ chuyên xuất châu Âu, mong muốn. Theo ông Đức, DN rất cần hiệp hội ngành hàng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ như thông tin thị trường, duy trì các chứng nhận nhập khẩu… và nếu có nhiều đơn vị, hiệp hội làm được điều này để cạnh tranh thì DN càng thích. Khi đó, DN không còn phải lo nhiều thứ mà sẽ có thời gian tập trung sản xuất. “Ví dụ, người châu Âu họ vốn có ấn tượng xấu với sản phẩm của VN vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao. Từ năm 2003, khi ấy chúng tôi bắt đầu làm chè với hành trang gần như duy nhất là niềm tin sản phẩm hữu cơ là của tương lai nên cứ làm thôi. Nhưng đì đẹt mãi, dù đã lái xe đi khắp châu Âu, chỉ để gửi mẫu thôi mà họ còn không nhận”, ông Đức kể về hành trành 10 năm tự thân xúc tiến thương mại. Phải 10 năm sau, nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức hỗ trợ nhập khẩu từ các đang phát triển của Hà Lan, ông Đức “mới hiểu người châu Âu uống trà như thế nào” và đến nay, DN này đã có tới 30 loại chè được châu Âu cấp chứng nhận nhập khẩu. Từ câu chuyện trên, ông Đức mong muốn, các cơ quan xúc tiến thương mại, xuất khẩu của nhà nước hỗ trợ DN bằng cung cấp dịch vụ thông tin thị trường, chính sách của từng ngành hàng, từng nước để DN có thể mở rộng hơn thị trường.
Cần có “thương vụ nhân dân” để xúc tiến thương mại
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đánh giá cao vai trò chủ động của DN đã đóng góp tích cực vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu những năm qua. Song, ông Phú cũng thừa nhận, do nền kinh tế VN phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu nên trách nhiệm của cơ quan quản lý trong duy trì được thành tích xuất khẩu là rất nặng nề. Ông Phú khẳng định, ngành công thương đã định hướng ưu tiên trong xúc tiến thương mại là các DN nhỏ và vừa, bởi các DN lớn thì với tiềm lực tài chính của mình họ thường đi “kênh” riêng. “Trước đây, hoạt động xúc tiến thương mại thường chỉ có hỗ trợ, triển lãm song từ nay các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, kết nối đối tác trực tiếp sẽ được đẩy mạnh, ưu tiên. Bên cạnh đó, phải tận dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại, như việc mời Amazon tới VN để lưu ý cho nội khi xuất khẩu trên môi trường thương mại điện tử”, ông Phú nói.
Ông Nguyễn Trọng Bảo, người từng làm tham tán thương mại tại châu Âu, nay ra lập công ty riêng về xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ, cho rằng trong xúc tiến thương mại, cái gì nhà nước làm cứ làm, nhưng DN, các hiệp hội cũng không nên quá thụ động. “Nhà nước có ngoại giao nhân dân thì DN cũng nên có thương vụ nhân dân. Nghĩa là các hiệp hội có thể lập văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Ban đầu có thể chỉ vài người, hoặc thuê du học sinh, người Việt ở nước bản địa. DN nào muốn mua thông tin, dùng dịch vụ thì góp kinh phí vào. Như với nước Nga nơi tôi từng làm thương vụ, DN chúng ta hoàn toàn có thể làm được mà không phải ngồi trong chờ nhà nước”, ông Bảo đề xuất.
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.