Hỗn loạn yến thật, yến giả

15/06/2015 08:27 GMT+7

Trung bình một ký yến có giá tương đương, thậm chí cao hơn một lượng vàng, nhưng chất lượng yến như thế nào thì không có cơ quan nào chứng nhận. Đó là lý do thời gian qua thị trường yến sào bùng nổ với hàng loạt nhãn hiệu và cũng kèm theo nhiều vụ bê bối.

Trung bình một ký yến có giá tương đương, thậm chí cao hơn một lượng vàng, nhưng chất lượng yến như thế nào thì không có cơ quan nào chứng nhận. Đó là lý do thời gian qua thị trường yến sào bùng nổ với hàng loạt nhãn hiệu và cũng kèm theo nhiều vụ bê bối.
Tổ yến thô được bày bán ở làng yến Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: Mai VọngTổ yến thô được bày bán ở làng yến Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: Mai Vọng
Ghi nhận trên thị trường, giá tổ yến VN từ 20 - 30 triệu đồng/kg, giá bạch yến lên đến 70 triệu đồng/kg và đắt nhất là yến huyết (hồng yến) lên tới 150 - 170 triệu đồng/kg.
Giá yến mắc hơn cả giá vàng, nhưng điều đáng nói là việc kiểm định chất lượng đang bị bỏ ngỏ nên thị trường yến sào đang tràn ngập các sản phẩm với hàng trăm thương hiệu yến khác nhau. Chỉ riêng các sản phẩm nước yến đã có trên dưới 20 loại như: nước yến sào, yến vương, yến sâm... Nhiều sản phẩm yến sào cũng được các doanh nghiệp bán qua mạng, giao hàng trực tiếp, dĩ nhiên là chất lượng không ai kiểm chứng được. Đó là lý do, mấy năm trở về đây, thị trường yến sào xuất hiện nhiều chiêu thức độn yến, làm yến giả... để đánh lừa người tiêu dùng.
Công nghệ thêu tổ, pha màu...
Những chiêu thức phổ biến là yến trắng nhuộm thành yến huyết, yến độn (dùng tổ yến vỡ rồi vá, độn thêm tinh bột hay đường hóa học vào yến tinh chế), yến làm bằng tinh bột, phun sương để tăng trọng lượng...
Thậm chí để làm sạch lông chim dính vào tổ yến, công nhân sau khi cắt nhỏ tổ yến đã ngâm vào thuốc tẩy. Bên cạnh đó, yến vụn sẽ được cho vào khuôn, đóng thành tổ, đem sấy một ngày một đêm thì cho ra thành phẩm gồm nhiều dạng như: hình chiếc lá, hình tròn, hình dài... Để trở thành yến huyết, hoặc yến đặc biệt bán giá cao hơn, người ta nhuộm thêm màu vàng, đỏ. Một số nhà máy sử dụng H2O2 (hóa chất có độc tố, có thể gây ung thư, không dùng cho thực phẩm) để tẩy mùi tổ yến, còn SO2 và SO3 thì dùng để làm trắng tổ yến...
Chính vì nhiễm nhiều hóa chất không rõ nguồn gốc như vậy nên đã xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc vì yến sào giả như trường hợp bà L.T.H, bị suy nhược sức khỏe và một số bệnh xương khớp khác nên vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) điều trị đã gần 1 tháng nay. Nghe nhiều người nói đến công dụng của yến sào dạng tổ bà đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng để mua tổ yến sào tại một quầy chuyên bán yến ngay trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Thế nhưng khi ăn bà H. thấy có mùi khó chịu, rất khó ăn. Tiếc tiền, bà cố ăn hết lượng yến đã mua nhưng ngay trong đêm đó, bà bị đau bụng dữ dội phải nhập viện.
Một trường hợp khác là bà Lê Thị Thuyên (Bà Rịa-Vũng Tàu) đang điều trị ung bướu tại TP.HCM. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe của bà giảm sút rõ rệt. Khi được một số người vào tận bệnh viện tiếp thị về yến sào, đặc biệt để tạo niềm tin cho khách hàng, những đối tượng tiếp thị còn cho dùng thử một ít, nếu đồng ý mua thì sẽ mang đến tận nơi cho khách hàng. Đang điều trị bệnh nặng, được tiếp thị đầy thuyết phục, lại được dùng thử nên bà Thuyên tin ngay và mua 3 lạng yến sào dạng tổ với giá 19 triệu đồng. Người này còn giao cho bà Thuyên danh thiếp có ghi số điện thoại của mình. Tuy nhiên dùng hết 3 lạng yến sào này thì sức khỏe của bà Thuyên lại càng yếu hơn. Các bác sĩ phải tích cực truyền đạm cho bà. Điều đáng nói 3 lạng yến sào bà mua khi ăn hoàn toàn không giống như thứ yến sào mà bà ăn thử trước đó. Gọi điện cho người bán yến sào theo số được cho trước đó thì không liên lạc được.
"Pha" yến nội với yến Malaysia, Indonesia
Nguyên giám đốc điều hành một công ty kinh doanh yến lớn cho biết: “Trên thế giới chỉ có 6 nước có được tổ yến nhờ khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp, trong đó chất lượng tổ yến của VN cao hơn hẳn so với những nước xung quanh, sản lượng vẫn còn hạn chế do đó giá bán cũng cao hơn hàng nhập khẩu. Giá tổ yến của Malaysia mua tận gốc hiện nay dao động khoảng từ 9 - 12 triệu đồng/kg, bán ra trên thị trường khoảng 14 - 15 triệu đồng/kg loại thường thường và khoảng 20 triệu đồng/kg loại đẹp. Trong khi đó, giá tổ yến của VN hiện nay dao động khoảng từ 30 - 32 triệu đồng/kg loại thô (khoảng 10 tổ/100 gr) và từ 37 - 40 triệu đồng/kg loại đã làm sạch”.
Chính vì chênh lệch như vậy nên không ít các doanh nghiệp kinh doanh yến pha trộn yến Việt và yến Malaysia. Nhiều tiểu thương còn “biến” hàng Malaysia thành hàng Việt để bán cho người tiêu dùng trong nước; thậm chí còn thay đổi nguồn gốc để tái xuất khẩu. Đó là lý do tổ yến được bày bán ở nhiều chợ hay cửa hàng với đủ mức giá.
Một người kinh doanh yến sào tại TP.HCM xin không nêu tên cũng thừa nhận, trên thị trường hiện nay tổ yến nhập từ Malaysia và Indonesia chiếm một tỷ trọng rất lớn ở VN và rất nhiều trong số đó được biến thành yến VN rồi bán giá cao, kiếm lời.
Theo các chuyên gia, thị trường yến sào nếu không được sự hỗ trợ về kiểm định chất lượng thì không chỉ có người tiêu dùng bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp yến sào làm ăn chân chính.
Lỗ hổng quản lý
Thị trường yến sào hỗn loạn thật giả một phần vì giá trị cao nhưng hiện tổ yến thô vẫn được xem như mặt hàng nông sản thô, nên chưa có những quy định ràng buộc. Chỉ có hằng tháng theo định kỳ, cơ quan thú y địa phương đến lấy mẫu tổ yến, mẫu lông, trứng, phân yến để xét nghiệm kiểm tra dịch cúm H5N1. Với tổ yến đã sơ chế (làm sạch) thì yêu cầu của cơ sở chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định và cơ quan quản lý địa phương cũng kiểm tra, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn với yến lọ, yến chai thì đòi hỏi phải đăng ký chất lượng và nhà sản xuất phải đảm bảo đúng chất lượng đã đăng ký. Còn hàm lượng, xuất xứ... tổ yến hầu như bỏ ngỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.