Hợp tác đẩy mạnh sản xuất bền vững lúa gạo

18/12/2017 09:00 GMT+7

Ngày 14.12 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết Dự án Sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á Better Rice Innitiative Asia (BRIA).

Chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN và PTNT) và Tổ chức Hợp tác Phát triển (GIZ), Bayer Việt Nam phối hợp tổ chức.
Chìa khóa giúp giúp nông dân trồng lúa cải thiện năng suất và sản xuất bền vững
BRIA là một trong những dự án thuộc khuôn khổ chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) do chính phủ Úc, Đức và Bayer Việt Nam tài trợ và được thực hiện bởi GIZ nhằm mục đích cải thiện chuỗi giá trị gạo ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, dự án được thực hiện hơn 3 năm qua tại 3 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL gồm Đồng Tháp, Hậu Giang và Kiên Giang mà đối tác là Bayer và tổ chức GIZ phối hợp Bộ NN và PTNT cùng thực hiện.
Ông Kohei Sakata, Tổng giám đốc Bayer Việt Nam bàn giao kết quả chính của dự án cho 3 sở NN và PTNT
Ông Kohei Sakata, Tổng giám đốc Bayer Việt Nam bàn giao kết quả chính của dự án cho 3 sở NN và PTNT
"Dự án BRIA là một phần của kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của chính phủ. Dự án không chỉ giúp tăng sản lượng gạo mà còn nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo bền vững ở Việt Nam", ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN và PTNT cho biết thêm.
Tại buổi lễ, ông Kohei Sakata, Tổng giám đốc Bayer Việt Nam, thành viên Ban điều hành Dự án BRIA cho biết: "Bayer góp phần cải thiện sinh kế cho nông dân trồng lúa ở Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất lúa gạo bền vững. Phần lớn nông dân trồng lúa của Việt Nam là những hộ nông dân có quy mô canh tác nhỏ, dự án BRIA chính là chiếc chìa khóa giúp họ cải thiện sản xuất một cách hiệu quả hơn và phát triển doanh nghiệp theo định hướng thị trường bền vững".
"Sắp tới, trong vai trò đồng chủ trì Nhóm đối tác hợp tác công-tư ngành gạo (còn gọi là Nhóm công tác PPP ngành hàng gạo), Bayer Việt Nam sẽ đóng góp vào PPP những định hướng, mục tiêu và chiến lược hoạt động của nhóm công tác phù hợp cũng như giải quyết những khó khăn về chất lượng gạo như: quản lý dư lượng trên gạo, chất lượng gạo xuất khẩu, giới thiệu các công nghệ tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các mô hình hợp tác xuyên suốt chuỗi giá trị hướng đến xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao và bền vững cho Việt Nam. Từ đó, đời sống nông dân trồng lúa sẽ được nâng cao, đặc biệt là nông dân có diện tích đất canh tác nhỏ", ông Kohei Sakata chia sẻ thêm.
Hiệu quả thiết thực của dự án BRIA
Toàn cảnh Tổng kết Dự án BRIA tại Việt Nam
Toàn cảnh Tổng kết Dự án BRIA tại Việt Nam
3.000 nông dân trồng lúa tham gia dự án này đã áp dụng thành công thử nghiệm hệ thống canh tác lúa thông minh, qua đó ghi nhận mức tăng trưởng đạt từ 40 - 50% như tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất so với thực tế hiện nay của nông dân không tham gia dự án. Các hộ nông dân trong dự án BRIA đã cải thiện các tiêu chuẩn chất lượng sản xuất lúa gạo: 48.000 tấn gạo chất lượng cao được sản xuất ở mỗi tỉnh trong dự án. 22 mô hình hợp tác công-tư đã được xây dựng và thử nghiệm tại ba tỉnh của dự án, theo ban điều hành dự án BRIA .
Ông Hùng, nông dân thành viên hợp tác xã Tiến Cường (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) chia sẻ thời gian đầu, việc động viên mọi người tham gia tập huấn tương đối khó khăn. Một số người cho biết họ không muốn thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, không thể tiếp thu được kiến thức mới, không quan tâm đến việc canh tác an toàn hoặc lo lắng sẽ bị mất đất cho hợp tác xã. Tuy nhiên, ông Hùng vẫn kiên nhẫn thuyết phục mọi người tham gia tập huấn. Từng ngày, số nông dân tham gia vào dự án dần tăng lên. Ông Hùng chia sẻ thêm: “Qua dự án, chúng tôi tiết kiệm được sức lao động, thời gian và tăng thêm thu nhập. Chúng tôi đã bảo vệ được môi trường nhờ việc không sử dụng thuốc trừ sâu”.
"Trọng tâm của BRIA là cung cấp giải pháp công nghệ tiên tiến và đồng bộ hóa, bao gồm việc sử dụng hạt giống tốt, quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý nguồn nước và dinh dưỡng, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)... giúp đảm bảo chất lượng, giảm tổn thất, chi phí và đồng thời tăng năng suất lao động và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, nó cũng góp phần rất lớn giúp nhà nông thích ứng và giảm thiểu rủi ro trước biến đổi khí hậu để sản xuất lúa gạo bền vững ở Việt Nam", tiến sĩ Phan Huy Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ NN và PTNT, cho biết.
"Dự án BRIA ở Việt Nam là một ví dụ thành công về hợp tác công-tư trong ngành lúa gạo. Hệ thống sản xuất và tiếp thị sản phẩm được cải tiến giúp tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao chất lượng lúa gạo và giảm các nguy cơ về môi trường và sức khỏe ", ông Christian Henckes, Giám đốc Chương trình ICMP chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.