'Kéo' du khách đến Việt Nam làm đẹp

11/07/2017 07:28 GMT+7

Linio - một nền tảng thương mại điện tử tại Mỹ Latin - vừa công bố danh sách 50 quốc gia có chi phí làm đẹp rẻ nhất, trong đó VN chiếm vị trí đầu tiên. Nếu đầu tư và quảng bá tốt, đây là cơ hội để ngành du lịch và y tế "kéo" du khách đến VN làm đẹp, chữa bệnh.

Rẻ nhất thế giới
Theo cuộc khảo sát, phẫu thuật mũi ở VN trung bình tốn chưa đến 1.000 USD, làm một bộ móng chân mất có 7 USD, rẻ nhất thế giới. Trong khi đó, phẫu thuật nâng ngực ở Thụy Sĩ trung bình hơn 10.000 USD. Ở Na Uy, chị em phải mất khoảng 100 USD cho một lần cắt tóc, giá cắt một đầu tóc nam là 37,5 USD.
Thực tế nhiều năm qua số lượng kiều bào, du khách từ Úc, Mỹ, Canada, Nhật… về VN thăm gia đình kết hợp du lịch và khám, chữa bệnh tăng cao do chất lượng khám, chữa bệnh trong nước không thua kém các bệnh viện nước ngoài, chi phí điều trị thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.
Du lịch y tế là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng đang có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai
Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM
Thông tin từ cuộc tọa đàm "Định hướng phát triển sản phẩm du lịch - y tế tại TP.HCM" mới đây cho biết, chi phí đặt stent tái thông mạch vành tại Bệnh viện Tim Hà Nội hay Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) dao động từ 80 - 100 triệu đồng (tương đương gần 5.000 USD) tùy loại stent. Trong khi ở Mỹ, số tiền cho dịch vụ này lên tới gần 80.000 USD nếu không có bảo hiểm, từ hơn 25.000 - 37.000 USD nếu có bảo hiểm. Ngay tại Thái Lan, giá đặt stent cũng gấp hơn 2 lần ở VN, khoảng 13.000 USD, tương đương ở Singapore. Trồng răng giả Implant ở nước ngoài giá thấp nhất là 2.000 USD thì ở VN chỉ từ 800 USD. Hay nhổ một chiếc răng khôn, trong nước chỉ tốn khoảng 30 USD nhưng ở nước ngoài giá từ 50 - 200 USD... Đặc biệt, VN nổi tiếng trong việc chữa hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho tỷ lệ thành công cao, và là nước đứng thứ nhì trong số 5 nước đạt thành tựu cao nhất trong lĩnh vực châm cứu với giá dịch vụ rẻ hơn 70% so với phương Tây và các nước trong khu vực.
Rõ ràng chi phí rẻ đang là lợi thế rất lớn để VN nói chung cũng như TP.HCM nói riêng đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch có tiềm năng lớn này. Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM, đánh giá: Du lịch y tế thành phố hấp dẫn du khách không chỉ bởi giá rẻ mà còn nhiều yếu tố khác như cơ sở hạ tầng y tế của các phòng khám, bệnh viện hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; trình độ tay nghề của đội ngũ nhân lực ngày càng được nâng cao, kỹ lưỡng, khéo léo; các cơ sở khám chữa bệnh y học dân tộc cổ truyền với nguồn dược liệu thiên nhiên đa dạng, phong phú. “Có thể thấy, du lịch y tế là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng đang có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai, mang lại nguồn thu cao cho ngành du lịch và y tế”, ông Anh tin tưởng.
Yếu khâu quảng bá
Tiềm năng lớn là thế, tuy nhiên doanh thu từ du lịch y tế của VN và TP.HCM vẫn còn khá khiêm tốn. Theo thống kê của Tập đoàn y khoa Tâm Trí, năm 2014, du lịch y tế VN đón khoảng 80.000 người nước ngoài, nguồn thu ngoại tệ ước tính chỉ đạt khoảng 1 tỉ USD mỗi năm. Tính riêng TP.HCM, hằng năm, lượng khách từ các tỉnh thành và nước ngoài đến khám, chữa bệnh ước đạt 30 - 40% trong tổng lượng khách khám, chữa bệnh tại thành phố. Thế nhưng sản phẩm này chỉ mới xuất hiện và thu hút lượng khách nước ngoài rất ít, chủ yếu là người Campuchia và Lào sang khám bệnh tại một số bệnh viện lớn của thành phố. Ông Việt Anh nhận xét so với các nước trong khu vực, du lịch y tế trong nước vẫn còn nhiều hạn chế về chiến lược tiếp thị, chưa được đẩy mạnh và đầu tư về mặt quảng bá. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực còn hạn chế trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ nước ngoài. Đặc biệt, mô hình này mới chỉ mang tính tự phát, thiếu sự kết nối giữa các cơ quan y tế, du lịch, chưa có liên kết giữa các đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ của ngành y tế và du lịch để tạo ra sự cạnh tranh với thế giới và khu vực.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, cho rằng du lịch y tế VN muốn phát triển phải đầu tư mạnh cho quảng bá, xây dựng thương hiệu. Hiện nay VN chưa gắn liền với hình ảnh y tế phát triển, hình ảnh du lịch y tế nổi tiếng hàng đầu châu Á hay khu vực Đông Nam Á. Khách nước ngoài tới VN chỉ kết hợp đi du lịch cùng các dịch vụ y tế đơn giản như khám chữa răng. Bản thân các công ty du lịch, các doanh nghiệp lữ hành tỏ ra không mặn mà nên cũng không đầu tư quảng bá sản phẩm. “Đây là vấn đề của ngành y tế, các công ty du lịch không thể đứng ra làm thay được. Phải xây dựng thương hiệu y tế VN đủ tiêu chuẩn, đẳng cấp quốc tế. Khi các bệnh viện có được những sản phẩm chất lượng, nổi tiếng thì khách mới tìm đến đặt tour”, ông Huê nêu ý kiến. Ông góp ý thêm, bản thân các bệnh viện phải đầu tư, có chiến lược lâu dài. Có thể mời các bác sĩ nổi tiếng thế giới hay các nhân vật có ảnh hưởng đến tham gia điều trị, quảng bá hình ảnh y tế VN. “Chúng ta đang có lợi thế trong nền y học cổ truyền. Tuy nhiên sản phẩm của loại hình này còn rất lộn xộn, chưa được đầu tư, chưa có một hình ảnh đủ thu hút khách nước ngoài. Đây là cả một chiến lược lâu dài mà toàn ngành y tế cần cân nhắc đầu tư trước khi kêu gọi doanh nghiệp du lịch giới thiệu sản phẩm”, ông nói.
Ông Nguyễn Việt Anh cho rằng: “Để phát triển sản phẩm du lịch kết hợp y tế trong thời gian tới, Sở Du lịch và Sở Y tế sẽ tập trung đẩy mạnh 3 nhiệm vụ. Thứ nhất, phối hợp khảo sát, xây dựng các tiêu chí thành lập hệ thống bệnh viện, phòng khám đa khoa dành cho khách du lịch trong và ngoài nước đến khám, chữa bệnh kết hợp du lịch tại TP.HCM, trong đó tập trung vào lĩnh vực thẩm mỹ, nha khoa, y học dân tộc cổ truyền, khám sức khỏe và tầm soát bệnh, các dịch vụ chuyên sâu (thụ tinh trong ống nghiệm). Thứ hai, phát hành ấn phẩm như “Bản đồ du lịch y tế tại TP.HCM” dành cho khách du lịch. Cuối cùng là đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm du lịch y tế trong các hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch của thành phố trong và ngoài nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.