Khổ vì... sức mua yếu

12/11/2008 10:48 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường thời trang của TP.HCM như Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi... rợp những panô giảm giá khuyến mãi hấp dẫn. Nhưng khác những mùa “hàng xôn” các năm trước, dù nhiều sản phẩm thời trang giảm giá đến 70% song lượng khách vẫn thưa thớt.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận đợt giảm giá khuyến mãi năm nay nhằm cố gắng giải quyết lượng hàng còn tồn quá lớn trong thời gian qua. Sức mua kém đã khiến không ít doanh nghiệp ngành dệt may lao đao.

Hàng tồn đến 50 tỉ đồng

Nhìn chung chất lượng nhiều mặt hàng khuyến mãi năm nay được người tiêu dùng đánh giá là có chất lượng hơn so với những năm trước. Ngoài những mặt hàng bị lỗi trong quá trình may mặc thì nhiều sản phẩm giảm giá vẫn mới về kiểu dáng, chất lượng còn rất tốt.

Giảm mạnh nhất là thương hiệu Sea Collection, với mức giảm từ 50-70%, hàng loạt mẫu quần jean, kaki, váy, áo sơmi, áo thun bằng chất liệu 100% cotton hiện chỉ còn 40.000 - 90.000 đồng/sản phẩm. Tương tự, nhãn hiệu thời trang Ivy cũng giăng kín các biển giảm giá 10-50%. Các cửa hàng thời trang lớn trong nước như Việt Thắng, Việt Tiến... cũng giảm mạnh, riêng dòng sản phẩm sơmi hiện chỉ còn 70.000-120.000 đồng/cái.

Ông Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế): Sớm có chính sách kích cầu tiêu dùng

Sở dĩ có tình trạng rất nhiều mặt hàng không tiêu thụ được tại thị trường trong nước thời gian qua là do tình hình lạm phát, kinh tế khó khăn. Mặt khác, do thu nhập người dân không tăng nên chỉ chi những nhu cầu mua sắm thiết yếu đời sống hằng ngày, chủ yếu là lương thực thực phẩm, đồng thời cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết như các mặt hàng xa xỉ chẳng hạn. Chính vì vậy, dù chỉ số tiêu dùng có giảm trong tháng 10-2008, nhưng do mặt bằng giá hiện vẫn đang ở mức cao nên sức mua thấp là điều bình thường. Giải pháp hiện nay là phải sớm có các chính sách, chương trình khuyến khích tiêu dùng để kích cầu, tăng sức mua... Điều này không chỉ dừng ở mức độ các doanh nghiệp, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải sớm vào cuộc.

Dọc con đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu... nhiều shop thời trang có thương hiệu lớn cũng đưa ra mức giảm “chóng mặt” từ 30- 70%. Bà L. - chủ một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi - than thở: “Hàng mới về liên tục, trong khi hàng cũ không bán được nên đành chấp nhận giảm giá để xoay đồng vốn”.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho biết chưa năm nào hàng tồn còn nhiều như năm nay nên buộc phải tính toán đến phương án giảm giá một số mặt hàng trong dịp này để thu hồi vốn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện lượng hàng tồn của khá nhiều doanh nghiệp cần phải thanh toán lên đến 15-20 tỉ đồng, thậm chí có doanh nghiệp lên đến 50 tỉ đồng. Giám đốc điều hành một thương hiệu thời trang của khối doanh nghiệp trong nước thừa nhận: “Mãi lực tiêu thụ quá kém từ cuối quý 2 đã đẩy các doanh nghiệp vào tình cảnh hàng chồng hàng, lượng hàng tiêu thụ của hầu hết doanh nghiệp đều giảm ít nhất 30% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Vẫn theo vị giám đốc này, công ty ông đã rơi vào tình thế “án binh bất động” kể từ cuối tháng sáu đến nay, chỉ sản xuất cầm chừng và hoàn toàn không nghĩ đến chuyện phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ sản phẩm của mình như kế hoạch đặt ra từ đầu năm trước do sức mua quá... èo uột hiện nay. Riêng lượng hàng tồn của công ty hiện đã lên xấp xỉ 45 tỉ đồng.

Điều tiết lại sản xuất

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương - giám đốc điều hành chuỗi hệ thống siêu thị Vinatexmart, với tình hình mãi lực tiêu thụ khá ảm đạm hiện nay, doanh thu sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, giải pháp trước mắt phải khuyến mãi thật mạnh, thật sốc may ra mới đẩy nhanh được lượng hàng tồn của các doanh nghiệp trong khối Vinatex đang gửi hàng bán tại hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, bà Hương cho rằng với các doanh nghiệp nhà nước, khi lên kế hoạch giá bán đã tính rất sát với giá thành sản xuất nên không thể giảm giá 70-80% như các doanh nghiệp tư nhân mà tối đa chỉ 30-50%.

Trước những khó khăn đang diễn ra trước mắt, phần lớn doanh nghiệp đều chọn giải pháp giữ nguyên sản lượng sản xuất bằng năm ngoái, hoặc điều chỉnh tiết giảm 15-20% sản lượng sản xuất so với cùng kỳ nhằm giảm thiểu rủi ro. Theo ông Nguyễn Hữu Toàn - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 2, lượng hàng sản xuất cho mùa tết sắp đến đã giảm khoảng 10% so với năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết so với kế hoạch tăng trưởng doanh thu đặt ra trong năm nay từ 20-25%, hiện phần lớn đều thất bại, thậm chí có doanh nghiệp còn giảm đến 15-20%, trong đó nguy cơ tăng trưởng... âm cũng đã được tính đến.

Theo một chuyên gia trong ngành dệt may, việc các doanh nghiệp bị tồn hàng quá lớn như hiện nay ngoài yếu tố lạm phát, sức mua yếu..., một số doanh nghiệp đã không chuẩn xác trong định vị khách hàng khi tung ra sản phẩm mới khiến các sản phẩm này có giá thành cao, kiểu dáng không thu hút do sử dụng các nguyên liệu không phù hợp với mẫu mã thiết kế. “Có những sản phẩm may rất kỳ công nhưng lại thiếu điểm nhấn để hút khách hàng, trong khi bộ phận thăm dò thị trường của các doanh nghiệp cũng không tích cực ghi nhận phản hồi từ thị trường” - ông phân tích.

Doanh nghiệp nhựa cũng lao đao

Không chỉ doanh nghiệp dệt may, nhiều doanh nghiệp ngành nhựa cũng... liêu xiêu trong nhiều tháng qua vì sức mua giảm sút. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nhựa cho biết kể từ cuối tháng 5-2008, các doanh nghiệp trong ngành đã phải cắt giảm sản xuất khi thời điểm đó bắt đầu xuất hiện tình trạng sức mua chậm lại. “Giá nguyên liệu cao kèm theo sức mua thấp nên chúng tôi phải cắt giảm khoảng 20% tại thị trường nội địa. Các sản phẩm mới cũng không còn tha thiết trong bối cảnh sức mua hết sức ảm đạm hiện nay” - vị giám đốc này cho hay.

Theo Trần Vũ Nghi - Như Bình/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.