Không đủ tiền trả lương, đường sắt xin chính sách hỗ trợ 13.000 lao động

Mai Hà
Mai Hà
23/06/2021 17:40 GMT+7

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài qua năm 2022, nguy cơ mất hết vốn chủ sở hữu có thể xảy ra, doanh nghiệp này cũng không đủ dòng tiền trả lương cho người lao động .

Báo cáo gửi Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, chiến dịch vận tải hè từ tháng 5 đến hết tháng 8 là thời điểm ngành đường sắt tổ chức chạy tàu khách với số lượng lớn nhất trong năm và đạt doanh thu cao để bù đắp cho các tháng thấp điểm còn lại.
Tuy nhiên, năm nay, dịch bùng phát trở lại sẽ làm mất đi phần lớn sản lượng vận tải hành khách hè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và việc làm.
Theo dự báo, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp thì lượng khách đi tàu suy giảm đến hết năm.
Trước đó, tổng doanh thu 5 tháng đầu năm của đường sắt chỉ đạt 1.114,1 tỉ đồng, bằng 81,6% so với cùng kỳ và chỉ bằng 60,1% so với 5 tháng đầu năm 2019, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong tháng 5 vừa qua, tổng số đoàn tàu khách bãi bỏ là 393, trong đó số đoàn tàu Thống Nhất là 38 đoàn, số đoàn tàu khách địa phương là 355 đoàn, do chính sách quy định hạn chế của nhiều địa phương.
Đáng chú ý, do việc cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến đường sắt, nên đã có 1.169 lao động bị hoãn hợp đồng và 136 lao động nghỉ không lương, chủ yếu thuộc nhân lực của các công ty vận tải.
Riêng khối khai thác nhà ga, khối đầu máy, khối điều hành vẫn phải đảm bảo duy trì do đặc thù ngành đường sắt, việc chạy ít hay nhiều tàu vẫn phải đảm bảo đủ các chức danh, kíp làm việc toàn thời gian.
Để cầm cự, ngành đường sắt kiến nghị Uỷ ban Quản lý vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành để giúp doanh nghiệp này cân đối được dòng tiền do bị sụt giảm doanh thu.
Cụ thể, tiếp tục cho áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt cho năm 2021.
Đặc biệt, cung cấp một gói hỗ trợ khẩn cấp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, bao gồm cấp hạn mức tín dụng ưu đãi bổ sung cho nguồn vốn do bị lỗ (khoảng 3.000 tỉ đồng) và các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khối vận tải hiện đang bị mất và thiếu việc làm.

“Kiến nghị ưu tiên cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sớm được tiêm phòng vắc xin cho các đối tượng trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ cao bị lây nhiễm. Các đối tượng này nếu bị nhiễm vi rút và bị cách ly sẽ tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng làm gián đoạn đến công tác vận tải, trước mắt đề nghị tiêm cho 6.678 người”, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.