Khuyến khích phát triển diện tích sâm đương quy ở vùng sâu

23/02/2017 08:00 GMT+7

Theo UBND H.Đăk Glei (Kon Tum), vài năm gần đây, thấy được giá trị kinh tế cao của cây sâm đương quy (một loại dược liệu quý), đồng bào dân tộc thiểu số đã phát triển mạnh diện tích loại cây này ở nhiều xã vùng sâu, vùng cao.

Đây là loài dễ trồng, được giá, thời gian thu hoạch nhanh và trong thực tế đã giúp nhiều người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
Điển hình như ông A Bảy ở thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh. Năm 2012, ông đến xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông xin giống về trồng 2 sào sâm đương quy; đến nay ông đã phát triển lên được gần 1 ha. Vừa qua, ông Bảy bán tại chỗ gần 50 kg sâm đương quy với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg “Qua năm 2018, tôi sẽ thu hoạch đại trà diện tích sâm này”, ông Bảy cho biết.
Theo thống kê của UBND H.Đăk Glei, hiện ở xã Ngọc Linh người dân đã tự nhân giống trồng được 45 ha sâm đương quy. Ngoài ra, tại xã Mường Hoong, người dân cũng trồng được gần 40 ha loại cây này. Nhìn chung cây phát triển tốt. Chính quyền xã Mường Hoong đang khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích, dự kiến phát triển thêm ít nhất 10 - 15 ha nữa.
Bên cạnh đó, chính quyền H.Đăk Glei cũng đang có kế hoạch hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Xốp, Đăk Choong, Đăk Man, Đăk Blô chuyển đổi cây trồng sang trồng các loài cây dược liệu, trong đó chú trọng cây sâm đương quy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.