Kinh tế khó khăn, Nga quay sang 'quyến rũ' Trung Quốc

23/06/2016 13:27 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang vào cuộc “quyến rũ” châu Á để tăng cường vị thế quốc tế của nước Nga.

Theo CNBC, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 25.6. Ký kết một số thỏa thuận kinh doanh và hợp tác an ninh, địa chính trị là hai trong số các nội dung được cho là chiếm lĩnh chương trình nghị sự sắp tới.
Cũng trong tuần này, Liên minh châu Âu (EU) quyết định kéo dài lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng, tài chính và quốc phòng Nga thêm sáu tháng vì căng thẳng ở Ukraine. Hồi tháng 5, Washington cũng gia hạn lệnh trừng phạt Moscow.
Hơn hai năm chịu lệnh cấm vận, giá dầu thô rẻ và giá trị đồng rúp sụt giảm, tổng sản phẩm quốc nội Nga giảm 3,7% năm 2015 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP hạ 1,8% trong năm nay.
Nhà phân tích cấp cao Á - Âu Lauren Goodrich thuộc hãng Stratfor cho hay: “Nga đang cố gắng thể hiện với phương Tây rằng họ không bị cô lập khỏi thế giới. Nga tổ chức Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hồi tuần trước với sự tham dự của nhiều chính trị gia và doanh nhân lớn. Ông Putin giờ đây tiến về Trung Quốc, và có thể sẽ thăm Nhật Bản trong tháng 9”.
Moscow từ lâu đã duy trì quan hệ mạnh mẽ với các nước lớn ở châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Hiện tại, có một số yếu tố nhất thời đẩy Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến gần nhau hơn. Trục của Washington ở châu Á, phát kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc và chuyến thăm Mỹ mới nhất của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tạo cho Nga cơ hội để thể hiện sự hiện diện ở khu vực và phát tín hiệu độc lập khỏi phương Tây, trợ lý nghiên cứu Stuart Rollo tại Đại học Sydney cho hay.
Nga cần gì từ Trung Quốc?
Tăng đầu tư từ Trung Quốc vào Nga có thể là điểm chính mà Tổng thống Putin tập trung vào, vì ông đang cố gắng giảm thiểu nỗi đau kinh tế của đất nước. “Nga rất cần đối tác mới và thị trường mới cho ngành công nghiệp quân sự, lĩnh vực mà Trung Quốc có thể thúc đẩy”, chuyên gia Goodrich nói.
Chuyến thăm của ông Putin cũng có thể là dịp đàm phán sâu hơn về việc bán 19,5% cổ phần hãng dầu khí quốc doanh Nga Rosneft cho Ấn Độ và Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp hai nước châu Á đã và đang bày tỏ sự quan tâm của họ về thỏa thuận 11 tỉ USD này. “Chúng tôi cần tiền”, ông Putin thừa nhận một tuần sau khi dữ liệu cho thấy thâm hụt ngân sách của Nga ở mức 5,5% GDP, nhiều hơn so với mục tiêu 3% mà chính phủ đặt ra.
“Tăng cường quan hệ năng lượng với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phục vụ thêm lợi ích địa chính trị của ông Putin, cùng lúc cũng giúp giành thị phần từ Ả Rập Xê Út”, nhà phân tích Mark McNamee thuộc Frontier Strategy Group nhận định.
Trung Quốc muốn đạt được gì?
Trong khi trọng tâm của Nga nghiêng về thương mại và quân sự, Trung Quốc có thể thể hiện mối quan tâm về địa chính trị. “Khi nhắc đến kinh tế, ngoài lĩnh vực năng lượng ra thì Nga không thể cung cấp nhiều thứ cho Trung Quốc”, ông McNamee nói. Mối quan hệ năng lượng ổn định sẽ rất quan trọng cho Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi Nga vượt qua Ả Rập Xê Út, trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho quốc gia châu Á hồi tháng 3.
“Chuyện quan trọng hơn nhiều là sự hỗ trợ chính trị mà Nga có thể đem đến, liên quan đến chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Quốc, khối G20 và các vấn đề khác… Trung Quốc hẳn nhiên là hạnh phúc khi có một đồng minh hữu ích như Nga”, ông McNamee nói tiếp.
Dự án Một vành đai, Một con đường - chương trình tham vọng nhằm “hồi sinh” Con đường tơ lụa cổ đại đi qua châu Á và châu Âu - là vấn đề quan trọng mà Đại lục cần sự hợp tác của Nga. Tầm ảnh hưởng của Nga với các nước nhỏ hơn trong khu vực sẽ đảm bảo sự tham gia nhiệt tình của họ. Điều này rất quan trọng với Trung Quốc. Nếu cuộc thảo luận về Một vành đai, Một con đường giữa ông Putin và ông Tập diễn ra tốt, dự án có thể tạo ra đối thủ của các hiệp định thương mại khu vực, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP) và Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Ngoài ra, ông Tập còn có thể tận dụng chuyến thăm của người đồng cấp để bàn bạc về lợi ích của Trung Quốc ở Georgia. Cảng Biển Đen, đường cao tốc và đường sắt đông tây của nước này là tài sản vô giá đối với tham vọng thương mại kết nối Á - Âu.

tin liên quan

Nga lo lắng về kinh tế Trung Quốc
Khi rủi ro về một cuộc suy thoái dịu bớt ở nước nhà, các quan chức hàng đầu Nga lại lo lắng về một mối đe dọa khác từ kinh tế Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.