10 năm đề án hạn chế xe cá nhân: Ùn tắc khủng khiếp vẫn 'nâng lên đặt xuống'

Mai Hà
Mai Hà
28/01/2021 10:34 GMT+7

Các đề án hạn chế phương tiện cá nhân (PTCN ), 10 năm nay vẫn trong tình cảnh “nâng lên, đặt xuống” khi bộ, ngành và địa phương tìm cách đùn đẩy trách nhiệm.

Ý tưởng hạn chế xe cá nhân đặt ra hơn 10 năm trước, khi Hà Nội mới 4,3 có triệu xe, TP.HCM gần 5,5 triệu. Sau 10 năm, Hà Nội hơn 7 triệu xe, TP.HCM 9 triệu xe, các giải pháp vẫn chưa được triển khai.

2012 - Bộ GTVT “phác” đề án

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.Hà Nội và TP.HCM phối hợp các bộ, ngành chức năng thí điểm việc hạn chế, hoặc cấm lưu thông trong thời gian thích hợp với xe mô tô, xe máy trên một số tuyến phố trong đô thị.
Sau đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì xây dựng trình Chính phủ đề án hạn chế PTCN tham gia giao thông ở các đô thị lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ). Cuối tháng 11.2013, Bộ GTVT đã có tờ trình Chính phủ và dự thảo Quyết định phê duyệt đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải.
Trước khi đưa ra đề án, tháng 1.2012, nhiều ý tưởng cũng đã được Bộ GTVT đưa ra dự kiến trình Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 2 loại phí: phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm. Mức phí cao nhất với ô tô là 50 triệu đồng/năm, phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm thu qua các trạm thu phí thông minh, thu một lượt khu xe đi vào trung tâm TP.
Còn tại dự thảo đề án hạn chế PTCN cuối 2013, Bộ GTVT đưa ra đề xuất quản lý, kiểm soát sử dụng xe cá nhân (xe máy, ô tô cá nhân) bằng các giải pháp như phân luồng và kiểm soát sử dụng xe cá nhân trên một số tuyến phố theo khung giờ nhất định và ngày nhất định trong tuần. Áp dụng nhiều mức thu phí trông giữ xe cơ giới theo hướng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài, tăng dần theo mật độ giao thông...
Lộ trình thực hiện, lập dự án thí điểm kiểm soát sử dụng xe cá nhân tại một số khu vực nội thành trên cơ sở tăng cường vận tải công cộng, đáp ứng được nhu cầu đi lại khi hạn chế xe cá nhân trong khu vực, báo cáo Thủ tướng áp dụng thí điểm trước ngày 1.5.2015. HĐND và UBND các TP xây dựng đề án áp dụng thí điểm thu phí dịch vụ trông giữ xe cá nhân, thực hiện thí điểm trước ngày 1.4.2015...
Thời điểm đó, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GTVT đã rất khôn khéo khi đẩy “quả bóng” trách nhiệm cho các địa phương nghiên cứu đề án chi tiết với một vấn đề gây tranh cãi dư luận rất lớn.

TP.HCM đang đi nhanh hơn Hà Nội trong lộ trình hạn chế xe cá nhân

Ảnh Ngọc Dương

Hà Nội - nhiều giải pháp hạn chế “chết yểu”

Năm 2003, trước tình trạng PTCN tăng mạnh, gây ùn tắc tại khu vực nội đô, Sở GTVT Hà Nội đã nêu phương án hạn chế PTCN, quy định xe máy đi vào ngày chẵn/lẻ theo số cuối của biển số, riêng thứ 7, chủ nhật lưu thông bình thường. Phương án này bị loại vì dư luận phản ứng dữ dội.
Năm 2004, Hà Nội thực hiện tạm ngừng đăng ký xe máy tại một số quận nội thành, quy định này đã bị biến tướng thành tình trạng “bán suất” nên bị Bộ Tư pháp tuýt còi. Năm 2005, HĐND TP.Hà Nội chính thức bãi bỏ quy định này.
Năm 2011, UBND TP yêu cầu Sở GTVT làm đầu mối thực hiện nghiên cứu, lập đề án về hạn chế PTCN trên địa bàn. UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu các sở ngành liên quan xây dựng ngay đề án thu phí PTCN vào trung tâm TP, thu phí vào giờ cao điểm; xây dựng đề án cấm PTCN tại một số tuyến trong giai đoạn 2012-2015 và từ năm 2015 - 2016 sẽ cấm theo vùng.
Năm 2016, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp Viện Phát triển Chiến lược giao thông (Bộ GTVT) dự thảo đề án “Tăng cường quản lý PTCN”. Trong đó đưa ra giải pháp hạn chế xe máy theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2020 (hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần và dịp lễ tết). Năm 2021 dừng hoạt động với xe máy vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 - 19 giờ hàng ngày, hạn chế xe máy trong khu vực phố cổ. Giai đoạn 2 từ năm 2023, dừng hoạt động với xe máy trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ. Giai đoạn 3 đến năm 2025, cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3, xe ô tô cá nhân hoạt động theo giờ tại một số tuyến, khu vực.
Tháng 7.2017, HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”. Nghị quyết cũng đưa ra lộ trình giai đoạn 2017 - 2020 áp dụng giải pháp hạn chế PTCN theo ngày chẵn, lẻ với những khu vực, tuyến phố ùn tắc nghiêm trọng. Tuy nhiên, hết giai đoạn này, giải pháp trên chưa được triển khai.
Tháng 7.2019, Sở GTVT Hà Nội có tờ trình UBND TP thẩm định, phê duyệt đề cương đề án thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô, với lộ trình 2019-2020 xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, đến hết năm 2020, đề án chi tiết “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” do Sở GTVT chịu trách nhiệm xây dựng vẫn chưa được trình lên UBND TP cũng như chưa được đưa vào chương trình nghị sự trong kỳ họp HĐND TP.Hà Nội cuối năm ngoái.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.