Người khuyết tật ‘biến’ vải vụn thành nghệ thuật

11/03/2021 15:14 GMT+7

Một hợp tác xã tại Hà Nội không chỉ biến vải vụn thành các tác phẩm nghệ thuật mà còn giúp người khuyết tật có thu nhập ổn định, tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống.

Lạc quan, yêu đời, thu nhập ổn định

Hợp tác xã Vụn Art (Q.Hà Đông, Hà Nội) đã đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2018, tới nay đã trở thành nơi đào tạo và làm việc của 21 người khuyết tật. Anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, từ ý tưởng “mỗi người khuyết tật như một mảnh vải vụn nhỏ, kết nối lại để họ không còn vụn nữa, trở lại hòa nhập với cộng đồng, sống có ích, hạnh phúc hơn” nên hội đã thành lập ra mô hình này. Tại đây, không chỉ nhận những người khuyết tật mà còn nhận đào tạo và hỗ trợ việc làm cho những người có người thân là người khuyết tật.
Lấy nguồn nguyên liệu từ vải thừa sau khi cắt may, hợp tác xã (HTX) đã chuyển thể tranh dân gian thành tranh vải. Chính nhờ việc tận dụng vải vụn nên mỗi bức tranh là một màu sắc khác nhau của văn hóa Việt Nam tạo nên nét độc đáo cho Vụn Art. Một số đơn vị lớn như Bảo hiểm Bảo Việt, Arena Multi... cũng đã hợp tác để sản xuất ra các sản phẩm lưu niệm. Khi nói về đầu ra của sản phẩm, chị Nguyễn Thùy Trang, Quản lý HTX chia sẻ: “Có những tháng doanh nghiệp đặt đơn hàng lớn hơn 1.000 chiếc túi... Trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, HTX vẫn duy trì làm việc, vì đây cũng là kế sinh nhai cũng như niềm vui của những người khuyết tật”.

Niềm vui trở lại đối với người khuyết tật khi tham gia Hợp tác xã Vun ART

Ảnh Khánh Huyền

Để tạo ra một bức tranh ghép vải phải trải qua nhiều công đoạn. Các công đoạn này chủ yếu được làm thủ công. Đầu tiên là phác thảo tranh trên bìa cứng để định hình rồi cắt rời chi tiết. Vải vụn chuẩn bị trước đó phải được làm sạch sẽ rồi là cho phẳng. Để đảm bảo độ cứng cáp cho miếng vải cũng như bền màu sau này, những mảnh vải vụn sẽ được tráng hoặc phết một lớp keo sữa mỏng rồi đem hong khô. Ngoài sản phẩm tranh ghép vải, Vụn Art còn sử dụng lụa tự nhiên không phai của làng Vạn Phúc để làm các sản phẩm cao cấp hơn như áo, túi, ví.
Mỗi thành viên của HTX là một mảnh đời bất hạnh khác nhau, nhưng dưới sự gắn kết, họ đã yêu thương, đùm bọc nhau và trở nên lạc quan hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, họ không phải sống phụ thuộc vào người thân như trước mà đã có thể tự lo cho bản thân với mức thu nhập từ 1 đến vài triệu đồng/tháng (tùy từng thời điểm).

Bức tranh đẹp từ những mảnh đời bất hạnh

Cô Hoàng Thị Hậu (55 tuổi) ngậm ngùi chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân mình. Cô bị khuyết tật chân từ năm 3 tuổi, việc di chuyển của cô gặp rất nhiều khó khăn vì cô không thể đi được bằng cả bàn chân như mọi người. Trước khi tham gia HTX cô thường ra đồng phụ giúp chị gái, phụ nghề rèn ở làng. Đến năm 2015, cô tham gia Hội người khuyết tật Hà Đông. Cô là một trong những người làm lâu năm tại Vụn Art. Chia sẻ về những ngày đầu học nghề thì cô đã gặp rất nhiều khó khăn vì bản thân đã có tuổi, mắt kém khó làm được những chi tiết thủ công tỉ mỉ. Sau một thời gian kiên trì học tập dần cô đã vượt qua khó khăn để tham gia vào sản xuất của Vụn Art. Từ ngày tham gia HTX, cô thấy vui vẻ thoải mái hơn, được giao lưu trò chuyện hàng ngày với mọi người cũng giúp cô bớt mặc cảm về bản thân mình. Điều kiện kinh tế cũng được cải thiện hơn rất nhiều.

Bức tranh dân gian Đám cưới chuột được làm từ vải vụn

Ảnh Khánh Huyền

Bùi Thu Dung (Vạn Phúc, Hà Nội) lại là một mảnh đời khác của Vụn Art. Cô gái này mắc căn bệnh khiến tay chân yếu hơn bình thường. Dung đã làm hơn ba năm, vẫn trong giai đoạn học việc và làm các họa tiết đơn giản nhưng cũng đóng góp rất nhiều cho HTX.
Vụn Art không chỉ là nơi làm việc mà như ngôi nhà thứ hai của những nguời khuyết tật giúp họ hòa nhập cộng đồng và chủ động hơn trong cuộc sống. Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể đóng góp những phẩm chất tuyệt vời của mình để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình. Đó có lẽ cũng là những gì mà HTX Vụn Art muốn gửi thông điệp tới cuộc sống.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.