Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 5: Một vẻ đẹp bí ẩn

02/06/2015 06:00 GMT+7

Trao đổi với nhóm làm ký sự chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM bảo rằng không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các đám cưới ở thành phố đều đến đây chụp hình.

Trao đổi với nhóm làm ký sự chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM bảo rằng không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các đám cưới ở thành phố đều đến đây chụp hình.

>> Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 4: Niềm tin trong tầm nhìn

Không gian xanh góp phần tạo nên cảnh quan độc đáo ở Phú Mỹ Hưng - Ảnh: Ngô Thị Thu BaKhông gian xanh góp phần tạo nên cảnh quan độc đáo ở Phú Mỹ Hưng - Ảnh: Ngô Thị Thu Ba
Sao người ta không đến nơi khác chụp hình mà lại đến đây? Là do cảnh quan ở đây đẹp. Cái đẹp của hiện đại nhân tạo hòa quyện với mây trời cỏ cây sông nước.
Theo ông Hòa, nói đến vẻ đẹp của Phú Mỹ Hưng không nên chỉ nói về kiến trúc mà trước hết phải nói đến quy hoạch. Sự độc đáo ở đây là các công trình được bố trí trên một nền tảng quy hoạch tốt, đường sá hợp lý, cây xanh hợp lý, diện tích dành cho công cộng hợp lý, các thứ không gian hợp lý, tận dụng và tôn tạo tối đa các yếu tố thiên nhiên.
PGS-TS Hòa nói, hồi còn làm Chủ nhiệm Khoa Quy hoạch Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ông thường giới thiệu bản đồ án quy hoạch khu Nam Sài Gòn cho sinh viên, coi như một đồ án mẫu, dù lúc đó khu đô thị Phú Mỹ Hưng chưa hiện hình, nhưng ông đã nhìn thấy sự kết hợp hoàn hảo giữa ý tưởng của nhà quy hoạch và ý tưởng của nhà đầu tư. Sau này những học trò thành đạt của ông đều nói những ý tưởng quy hoạch mà thầy giới thiệu từ bản đồ án là rất có ý nghĩa.
Có người nói rằng thực chất có tới 50% diện tích công viên của TP.HCM 8 triệu dân nằm ở Phú Mỹ Hưng 25.000 dân. Tôi không biết sự ước tính đó gần với thực tế tới đâu, nhưng nhìn một cách bao quát thì Phú Mỹ Hưng giống một khu nhà vườn rộng lớn.
Một so sánh khác cũng cho thấy: Tổng diện tích công viên, vườn hoa và cây xanh dải phân cách của TP.HCM hiện chỉ còn khoảng 500 ha (số liệu năm 2010 là 535 ha), chỉ bằng một nửa so với con số 1.000 ha thống kê vào năm 1998, tức là diện tích cây xanh đô thị của toàn thành phố giảm một nửa chỉ trong vòng hơn 10 năm mặc dù năm nào cũng báo cáo lượng cây xanh được trồng là rất đáng kể. Mật độ cây xanh toàn thành phố chỉ ở mức chưa được 1 m2/người. Sự sụt giảm mật độ cây xanh là do hàng loạt các dự án khu dân cư không tuân thủ quy hoạch, chủ yếu là nhiều diện tích dành cho cây xanh bị tùy tiện sử dụng xây dựng nhà ở hoặc vào các mục đích khác để kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, chỉ tính riêng khu A Phú Mỹ Hưng, trong tổng diện tích 433 ha đã có 124 ha được phủ xanh và 50 ha diện tích mặt nước. Mật độ cây xanh ở đây lên tới con số mơ ước: 8,9 m2/người.
Hiện nay dân số khu đô thị Phú Mỹ Hưng có khoảng 25.000 người, trong đó khoảng trên dưới một nửa là người nước ngoài đủ mọi châu lục. Một khu đô thị của VN mà có thể dung nạp được mọi phong cách sống trên thế giới kể cũng là chuyện lạ. Ngoài một số tranh chấp liên quan đến thủ tục và chính sách, cho đến nay vẫn chưa thấy có những dị ứng gì từ cuộc sống của các cư dân ở đây.
Ngay từ đầu, nhà đầu tư có chủ ý dung nạp các phong cách sống khác nhau nên đã tạo ra một không gian kiến trúc đa phong cách. Thiết kế khu đô thị là những kiến trúc sư xuất sắc của nhiều nước khác nhau, từ Mỹ, châu Âu đến Nhật Bản, Singapore, VN...
Tại đây không có sự lặp lại đơn điệu, không có những con đường giống nhau, không có những khu nhà giống nhau. Các chung cư cao tầng được thiết kế rất khéo léo để không làm mất ánh sáng tự nhiên trong những công viên bên trong và các tầng thấp, đồng thời để cư dân trong mọi căn hộ đều có thể thưởng ngoạn cảnh quan bên ngoài qua ban công hay cửa sổ. Bạn cũng cần biết rằng, các căn hộ được giao cho khách hàng đều không phải là những căn hộ được hoàn thiện với kiểu cách và nội thất giống nhau hàng loạt, mà người ở có thể bố trí theo phong cách và sở thích riêng của mình, và phạm vi của sự khác biệt giữa các căn hộ ngay trong một khu nhà có thể là rất lớn.
Một không gian sống không nhàm chán phải là nơi luôn luôn tạo bất ngờ về cảm giác. Sự chuyển động cùng những tương tác của nó và tương tác với sự tĩnh lặng tạo ra cảm giác đó, nhưng cái gì làm nên sự chuyển động và sự tĩnh lặng này là những bí ẩn tôi chưa chỉ tên ra được. Nhưng nếu sống ở đây bạn sẽ cảm nhận được điều đó, cảm nhận nhưng không giải thích được bằng lời.
Đang sống ở nơi này có những người bình thường và những người lãng mạn đi mây về gió, có những người hiếu động và những người thích lặng lẽ, những người nổi danh và có cả những ẩn sĩ. Và ai yêu Sài Gòn, gắn bó với Sài Gòn có lẽ sẽ tìm được cái hồn của Sài Gòn xưa lẩn khuất ở nơi này, lẩn khuất trong cái bí ẩn của sự chuyển động và tĩnh lặng đó. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.