Lãng phí trong đầu tư công

01/09/2015 06:14 GMT+7

Đơn giá áp dụng làm dự toán xây dựng tại các công trình do nhà nước đầu tư như: chung cư, trường học, bệnh viện, trụ sở hành chính... do Bộ Xây dựng ban hành cao hơn rất nhiều so với giá thực tế.

Đơn giá áp dụng làm dự toán xây dựng tại các công trình do nhà nước đầu tư như: chung cư, trường học, bệnh viện, trụ sở hành chính... do Bộ Xây dựng ban hành cao hơn rất nhiều so với giá thực tế.

Theo các chuyên gia, kẽ hở này có thể tạo cơ hội cho nhà thầu móc ngoặc với chủ đầu tư để “ăn” số tiền chênh lệch, từ đó phát sinh tham nhũng, lãng phí tiền của ngân sách.
Lãng phí trong đầu tư côngDo dự toán cao hơn thực tế nên các công trình xây dựng cầu, đường, trường, trạm... bằng vốn ngân sách sẽ dễ phát sinh lãng phí - Ảnh: Đình Sơn
“Công lắp bóng đèn cao hơn tiền bóng đèn”
Cụ thể, theo dự toán đơn giá xây dựng 1 m2 tường 20 cm của Bộ Xây dựng thì chi phí vật tư là 140.000 đồng, nhân công 139.000 đồng... Trong khi theo ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Tân, một công ty chuyên về tư vấn xây dựng tại TP.HCM, giá chủ đầu tư trả nhân công cho nhà thầu chỉ 60.000 đồng/m2. Như vậy đơn giá nhân công theo dự toán cao hơn 2,31 lần so với nhân công thực tế.
Hay đơn giá theo dự toán tô 1 m2 tường hết 11.000 đồng tiền vật tư và 59.000 đồng trả cho nhân công trong khi thực tế chủ đầu tư trả nhân công cho nhà thầu chỉ 34.000 đồng. “Với mức giá mà nhà nước trả cho nhà thầu và thực tế nhà thầu trả cho nhân công thì nhà thầu lãi 50% số tiền”, ông Đực tính toán.
Ông Đực còn chỉ ra rằng, trong khi thực tế cho thấy khi xây dựng một công trình giá nhân công thường thấp hơn giá vật tư, tức giá nhân công chỉ bằng khoảng 40% giá vật tư thì trong quy định dự toán của nhà nước, tiền trả cho nhân công lại cao hơn tiền mua vật tư. Cụ thể đơn giá theo dự toán 1 m2 xây dựng hoàn chỉnh thì tiền vật tư là 2.941.000 đồng và tiền cho nhân công là 2.956.000 đồng. Nhưng thực tế trong xây dựng tiền trả cho nhân công chỉ 1.179.000 đồng. “Đơn giá nhân công theo dự toán hơn 2,51 lần so với nhân công thực tế. Không những vậy, giá nhân công cao hơn vật tư là vô lý. Làm gì có chuyện công lắp đặt thép, bàn cầu, bóng đèn... lại cao hơn tiền mua thép, bàn cầu, bóng đèn”, ông Đực nói.
Một kiến trúc sư tại TP.HCM tỏ ra bức xúc khi ở Hà Nội chặt cây xanh theo dự toán là 36 triệu đồng/cây, trong khi thực tế chỉ cần bỏ ra khoảng 3 triệu đồng là có thể thuê được nhân công chặt được một cây. Như vậy, dự toán hơn 10 lần so với thực tế. Không những vậy, chỉ mỗi khâu đánh dấu cây chặt mà nhà nước trả 670.000 đồng/cây là một sự lãng phí quá sức tưởng tượng.
Vị kiến trúc sư cho rằng các định mức và đơn giá được soạn trong phòng làm việc đã vài ba chục năm rồi. Để bù trượt giá, chúng ta dùng các loại hệ số nhân lên, mà không có kiểm chứng với đơn giá thực tế như thế nào. Dẫn chứng cụ thể, ông này cho rằng cách đây 10 năm, khi chặt một cành cây thợ phải leo lên cây cắt thủ công, nên mỗi công thợ một ngày chỉ cắt 2 cành cây, mỗi cành 100.000 đồng, như vậy mỗi ngày công nhân được trả 200.000 đồng. Còn bây giờ có máy móc hiện đại, mỗi ngày một công nhân có thể cắt 20 cành cây. Vì vậy nhân lên nhà nước phải trả 2 triệu đồng/nhân công/ngày. Nhưng thực tế công ty cũng chỉ trả cho họ 200.000 đồng/ngày.
Hay việc đào đường, lát đường, thông cống cũng vậy, trước đây làm thủ công còn nay đã có máy móc hỗ trợ nhưng cách tính công vẫn theo cách cũ rồi nhân lên hệ số.
Dự toán 100 tỉ đồng, giá thực tế chỉ 40 tỉ đồng
Giám đốc một công ty xây dựng tiết lộ công ty ông chuyên đi “quan hệ” với lãnh đạo các địa phương để làm các công trình nâng cấp, xây dựng cầu đường ở các quận, huyện bởi giá đưa ra rất hời, chỉ cần nhận được thầu đã có lãi. “Con đường dự toán làm 2 tỉ, mình chỉ nhận 1,5 tỉ đồng nhưng thực tế làm 1 tỉ”, vị này cho hay.
Cũng theo ông Đực, dự toán một công trình có giá trị vật tư 100 tỉ đồng, nhân công 100 tỉ đồng, tổng cộng dự toán là 200 tỉ đồng. Trong khi thực tế giá nhân công khoảng 40 tỉ đồng, tổng cộng thực tế 140 tỉ đồng, giá theo dự toán vượt thực tế là 60 tỉ đồng (chiếm 30% giá dự toán của công trình) là “mảnh đất” màu mỡ để lãng phí và tham nhũng sinh sôi nảy nở. Điều này lý giải tại sao vụ chặt cây Hà Nội làm rất nhanh chóng, lương tháng của giám đốc công ty công ích hàng trăm triệu đồng và nhiều công ty xây dựng chỉ “lăm lăm” đi thi công công trình vốn ngân sách.
“Tôi đề nghị Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng TP.HCM cần lập bộ phận nghiên cứu định mức, có sự tham gia ý kiến của các nhà tư vấn, chủ đầu tư, đơn vị thi công để xác định định mức hợp lý. Trước mắt, định mức vật tư cho từng loại công trình và giá nhân công chỉ khoảng 40% giá vật tư. Việc để đơn giá nhân công quá cao là cội nguồn của lãng phí và tham nhũng, đẩy tiền đầu tư công lên rất cao.
Tiêu chí từ... thời Liên Xô
Kỹ sư Nguyễn Thanh Liêm, một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây dựng và dự toán công trình, cho biết hiện nay cách làm dự toán công trình của nhà nước là một giá thành, cào bằng cho cả xã hội, theo kiểu chỉ một nhà thầu làm cho một ông chủ. Nhưng thực tế trên thị trường mỗi dự án, mỗi đơn vị thi công có mức giá khác nhau. Nguyên nhân do dự toán lấy các tiêu chí để xây dựng từ thời Liên Xô, đến nay cũng không có thay đổi nên đã lạc hậu so với trình độ phát triển của công nghệ thi công trên thị trường. Trong khi đó, mỗi lần muốn thay đổi, phải đi qua nhiều thủ tục pháp lý phức tạp và kéo dài, đến khi “ra đời” thì lại đã có nguy cơ tụt hậu. Tổ chức chịu trách nhiệm lập định mức là cơ quan quản lý nhà nước nên không có động cơ lợi ích để thúc đẩy việc điều chỉnh cơ sở dữ liệu định mức cho kịp thời.
Theo ông Liêm, ở các nước phát triển có nền công nghệ xây dựng tiên tiến thì đơn giá xây dựng, định mức thường do các tổ chức tư vấn có uy tín thiết lập theo kinh nghiệm riêng. VN cũng nên bắt kịp xu thế này, thành lập theo cơ chế thị trường, tạo cơ chế cạnh tranh tự do thay vì độc quyền như hiện nay. Đồng thời minh bạch hóa cơ sở dữ liệu, thông qua bàn tay vô hình của thị trường để cạnh tranh đưa ra một mức giá hợp lý được thị trường, xã hội áp dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.