Lãng phí trong quy định dự toán suất đầu tư

10/12/2015 06:07 GMT+7

Hội thảo Quản lý giá hợp đồng xây dựng tại VN do Tổng hội Xây dựng tổ chức hôm qua (9.12), tại Hà Nội.

Hội thảo Quản lý giá hợp đồng xây dựng tại VN do Tổng hội Xây dựng tổ chức hôm qua (9.12), tại Hà Nội.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông bị đội vốn hơn 300 triệu USD - Ảnh: Lê QuânDự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông bị đội vốn hơn 300 triệu USD - Ảnh: Lê Quân
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng VN, lãng phí, thất thoát tiền ngân sách thể hiện ngay trong các quy định về dự toán đến suất đầu tư do Bộ Xây dựng đưa ra.
“Đơn cử, giá nhân công do nhà nước quy định hiện đang cao hơn gấp đôi so với thực tế trung bình của thị trường. Ví dụ, chung cư thấp tầng, không thang máy chi phí vật tư theo quy định là 2.941.000 đồng/m2 nhưng giá nhân công dự toán là 2.956.000 đồng/m2. Trong khi đó, giá nhân công trung bình theo thị trường là 1.179.000 đồng/m2. Nhiều chủ đầu tư kinh qua thực tế cũng nghiệm ra, giá nhân công chỉ bằng 30 - 50% giá vật tư”, ông Đực nói và đưa tiếp minh chứng: Hay như suất đầu tư xây dựng 1 chung cư cao 7 tầng, không có thang máy, theo Bộ Xây dựng đưa ra là gần 8,5 triệu đồng/m2 nhưng chung cư thông thường phần kinh doanh được chỉ khoảng 90% nên suất đầu tư thực tế lên tới khoảng 9,3 triệu đồng/m2, chưa kể tiền đất và hạ tầng. Trong khi đó, công trình xây dựng nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương từ 3 - 5 tầng bán chỉ 3 - 5 triệu đồng/m2.
“Rõ ràng, giá bán nhà ở xã hội của tỉnh Bình Dương còn kèm thêm 1 phần hạ tầng nữa, nhưng cũng chỉ dưới phân nửa suất đầu tư của Bộ Xây dựng đưa ra. Bộ Xây dựng phải xem xét lại cách tính dự toán, suất đầu tư công trình mẫu sao cho sát với giá thị trường. Đúng ra giá giao thầu có thể giảm được 40% giá do nhà nước ban hành”, ông Đực kiến nghị.
Đưa dự án vào thế “đã rồi”
Mổ xẻ nguyên nhân gây đội vốn ở các công trình xây dựng, TS Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng, cho rằng ngoài khách quan là giá cả thị trường biến đổi thì phần lớn do trình độ, năng lực quản lý, thực hiện chưa tốt. Cụ thể, lớn nhất là năng lực của các chủ thể là chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát... không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng yếu, chậm bàn giao mặt bằng thi công gây chậm tiến độ dự án, gián tiếp làm tăng tổng mức đầu tư.
Cũng theo ông Khánh, không thể phủ nhận tình trạng nhiều chủ đầu tư các dự án dùng vốn ngân sách hoặc do nhà nước bảo lãnh vốn cố tình dìm giá đầu tư xuống để dễ được duyệt. Đến khi thực hiện thì liên tục xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đưa dự án vào thế “việc đã rồi” để xin thêm tiền làm.
Một số chuyên gia cũng chỉ ra chi phí rủi ro của các dự án xây dựng ở VN thường được dự kiến 10 - 15% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, đa phần ở các dự án, mức này đều bị phá vỡ dễ dàng. Nguyên nhân cũng xuất phát từ trình độ năng lực dự báo, quản lý rủi ro của ta yếu kém.
Ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng hiện có rất ít người đủ trình độ bao quát được các yếu tố chủ quan, khách quan có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tổng mức đầu tư. Do vậy, ngay từ ban đầu đã không lường trước được hết các yếu tố có thể xảy ra khi thực hiện dự án, dẫn đến tăng vốn là điều khó tránh khỏi.
“Nói toạc ra là trình độ năng lực quản lý của các cấp, các bên liên quan đến dự án, công trình xây dựng ở ta thấp. Gây lãng phí, thất thoát nhiều ở các dự án dùng vốn ngân sách, vốn vay do nhà nước bảo lãnh. Đấy là chưa tính đến yếu tố tiêu cực”, ông Liêm nói và cho rằng: “Trách nhiệm của Bộ Xây dựng làm thế nào đề ra quy định không cho tăng tổng mức đầu tư lên. Dự án nào muốn tăng lên thì cần phải cấp cao hơn xử lý, nhưng vẫn phải hạn chế. Dự án nào cũng tăng lên sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ trận ngân sách nhà nước. Thâm hụt ngân sách phần nhiều cũng do đầu tư công lãng phí, thất thoát”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.