Lở đất chết người Thâm Quyến - Điểm tối trong cơn sốt nhà đất Trung Quốc

27/12/2015 13:22 GMT+7

Tờ The New York Times (Mỹ) vừa có bài phân tích chỉ ra góc khuất trong sự phát triển quá nhanh của thị trường bất động sản Trung Quốc thông qua thảm họa lở đất chết người ở Thâm Quyến hôm 20.12.

Tờ The New York Times (Mỹ) vừa có bài phân tích chỉ ra góc khuất trong sự phát triển quá nhanh của thị trường bất động sản Trung Quốc thông qua thảm họa lở đất chết người ở Thâm Quyến hôm 20.12.

Xe xúc đất được triển khai để thực hiện việc cứu hộ tại hiện trường vụ lở đất ở Thâm Quyến - Ảnh: Reuters Xe xúc đất được triển khai để thực hiện việc cứu hộ tại hiện trường vụ lở đất ở Thâm Quyến - Ảnh: Reuters
Trong khi kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và giá nhà khắp nơi tại quốc gia này giảm mạnh, thành phố Thâm Quyến vẫn phát triển với tốc độ vũ bão.
Nhiều công ty khởi nghiệp hoạt động trong mảng công nghệ mọc lên thay thế cho các nhà máy tại thành phố miền nam Trung Quốc. Hàng triệu thanh niên từ khắp Trung Quốc đã chuyển đến đây sinh sống và làm việc. Các công trình xây dựng có mặt khắp nơi và giá nhà tăng cao ngất.
Tuy nhiên, trận lở đất chết người xảy ra hồi tuần trước tại Thâm Quyến, vốn là một tai nạn xuất phát từ đống rác thải xây dựng do con người tạo ra, đang phơi bày nhược điểm của thị trường bất động sản quá nhanh tại Trung Quốc.
Phớt lờ các tiêu chuẩn an toàn, cũng như các quy định về môi trường vẫn diễn ra tại Trung Quốc bất chấp nguy cơ xảy ra thảm họa ngày càng tăng, cụ thể là vụ lở đất tại Thâm Quyến, khiến hàng chục tòa nhà đổ sập, làm nhiều người mất tích.
Tại làng Jiazitang, ngoại ô Thâm Quyến, cô Lý Tú Hoa, một lao động nhập cư 21 tuổi, than vãn với tờ The New York Times về công trường xây dựng bị bỏ hoang nằm kế bên nhà mình.
“Chẳng ai ngó ngàng gì đến công trường này cả. Tính từ lúc dời về đây ở cách đây 2 năm, công trường này đã ngừng thi công và chẳng ai tới dọn dẹp bãi hoang phế này”, cô Lý chỉ tay về phía đống đổ nát tại công trường cạnh nhà.
The New York Times bình luận trận lở đất tại Thâm Quyến đã làm lu mờ của cái được cho là hình ảnh thu nhỏ của câu chuyện phát triển kinh tế của Trung Quốc. Với dân số 11 triệu người (chỉ vỏn vẹn 3,3 triệu người là thường trú, còn lại là dân nhập cư), Thâm Quyến dường như “miễn nhiễm” với tình hình suy thoái kinh tế cả nước.
Hồi tháng 11, theo thống kê chính thức về thị trường bất động sản, giá nhà mới xây tại 49 trên 70 thành phố tại Trung Quốc đồng loạt giảm sút.
Nhưng tình hình tại Thâm Quyến lại hoàn toàn trái ngược. Giá nhà tăng vọt đến 44% trong tháng 11, mức tăng nhanh nhất so với bất kỳ thành phố nào của Trung Quốc tính từ lúc chính phủ chính thức công bố khảo sát giá bất động sản từ năm 2011.
Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng này đã công bố kế hoạch giải quyết tình trạng thừa nhà ở trên toàn quốc, bao gồm biện pháp nới lỏng quy định nhập cư giữa các tỉnh thành, nhằm kích thích nhu cầu nhà ở tại các thành phố vùng ven.
Nhưng cơn sốt nhà đất tại Thâm Quyến lại làm lộ ra những khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực điều hành mảng bất động sản, một trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế nước này.
Tại Trung Quốc nói chung, việc phát triển bất động sản không kiểm soát và các công trình xây dựng tràn lan trong những năm gần đây đã tạo ra tình trạng thừa mứa nhà ở và các khoản nợ xấu. Còn ở Thâm Quyến, vụ lở đất còn tạo ra một vấn đề khác, đó là những đống đất đá từ các công trường xây dựng bỏ hoang tiềm ẩn các hiểm họa chết người.
Một nhân viên cứu hộ đang có mặt tại khu công nghiệp nằm trong khu vực bị lở đất tại Thâm Quyến - Ảnh: Reuters
Trong quá trình điều tra nguyên nhân vụ lở đất, cảnh sát Trung Quốc ngày 22.12 tiến hành lục soát Công ty đầu tư phát triển Shenzen Yixianglong.
Đây là nhà thầu chịu trách nhiệm quản lý và vận hành bãi tập trung phế liệu và xà bần trong khu công nghiệp xảy ra trận lở đất kinh hoàng làm sập 33 tòa nhà tại thành phố Thâm Quyến hôm 20.12.
Các nguồn tin địa phương cho biết Shenzen Yixianglong đã ồ ạt nhận đất đá, xà bần thải ra từ những công trình xây dựng gần đó về đổ đống mà không hề có quy trình xử lý gì. Từ hồi tháng 9, giới hữu trách đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu cải thiện an toàn.
Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có hàng trăm xe tải chở xà bần đến đổ. Hậu quả là sau trận mưa lớn hôm 20.12, ngọn đồi phế liệu cao 100 m đã đổ sập, tạo thành dòng thác bùn san bằng một khu vực khoảng 30 ha.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.