Lò mổ gia súc hiện đại bị... kẹt

24/01/2010 23:41 GMT+7

Mục tiêu xây dựng 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong năm 2010 của Hà Nội khó có thể hoàn thành khi nhiều dự án vẫn chưa được phê duyệt quy hoạch, giao đất.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 400 tấn thịt, phần lớn do các lò mổ thủ công cung cấp không đảm bảo yếu tố vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Theo kế hoạch, năm 2010, Hà Nội sẽ xây dựng 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hiện đại đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho người dân Hà Nội.

Địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ phải cách khu dân cư gần nhất tối thiểu 300 mét. Dự kiến sau khi hoàn thành, 7 cơ sở này cung cấp khoảng 320 tấn thịt/ngày, đáp ứng 80% nhu cầu.

Dọn đường cho việc thực hiện kế hoạch, UBND TP Hà Nội có nhiều chính sách “trải thảm đỏ” thu hút doanh nghiệp đầu tư như giảm 50% đơn giá thuê đất tính theo thời giá hiện tại; hỗ trợ vay vốn với mức lãi suất ưu đãi và có thể vay tới 70% tổng giá trị đầu tư...

Bên cạnh đó, TP hỗ trợ toàn bộ phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho tất cả các cơ sở này. Cho đến thời điểm hiện tại, các dự án này đã có chủ đầu tư.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Công Thương, cho đến nay chỉ có 2 dự án khởi công, số còn lại đang trong giai đoạn thẩm định và chờ phê duyệt quy hoạch, không xác định thời hạn công trình hoàn thành.

Đại diện các chủ đầu tư cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do sự chậm trễ trong việc xét và phê duyệt quy hoạch. Điển hình là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) “ôm” 3 dự án thì chỉ có cơ sở tại xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ là hoàn thành hồ sơ thiết kế nhưng chưa được phê duyệt.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Minh Nguyệt, Chủ tịch, Tổng giám đốc Hadico cho biết, chậm phê duyệt quy hoạch là yếu tố lớn nhất cản trở tiến độ dự án; và cho tới thời điểm này Hadico vẫn chưa nhận được quyết định bàn giao đất ở cả ba dự án.

“TP cần tăng cường chỉ đạo và tháo gỡ dứt điểm từng khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để các dự án sớm khởi công”, ông Nguyệt đề nghị.

Trên thực tế, từ vài năm qua Hà Nội đã có một số dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm theo kiểu công nghiệp hiện đại nhưng hoạt động cầm chừng vì không thể cạnh tranh nổi với các lò mổ thủ công, tự phát.

Công ty cổ phần Đông Thành (huyện Đông Anh) đầu tư hệ thống giết mổ gia cầm theo dây chuyền công nghiệp, công suất hàng nghìn con một ngày nhưng hiện tại chỉ vận hành trên dưới 350 con.

Tương tự, dây chuyền nhập ngoại giết mổ lợn, trị giá 8 tỉ đồng tại Công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm Foodex (huyện Đan Phượng) công suất 600 con/ngày cũng chỉ đạt từ 70 - 100 con/ngày.

“Gia súc, gia cầm giết mổ ở các lò mổ thủ công có giá bán thấp hơn so với giết mổ bằng dây chuyền công nghiệp nên sản phẩm của chúng tôi đưa ra ngoài thị trường khó cạnh tranh”, ông Lê Đình Phượng, Giám đốc Công ty Foodex nói.

Đại diện UBND TP Hà Nội còn tiết lộ, ở một số địa phương người dân không ủng hộ việc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm do lo ngại ô nhiễm môi trường; nên cần phải có thời gian tuyên truyền, giải thích.

Để giải quyết vấn đề này, TP Hà Nội sẽ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền và cũng như phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng.

“UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các buổi họp bàn tiếp thu ý kiến và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phấn đấu cuối năm 2011 các cơ sở đi vào hoạt động khi đó sẽ tiến hành chấm dứt hoạt động tất cả các lò mổ thủ công, tự phát không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó chủ tịch UBND TP cho biết.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.