Mang món ngon Việt tới người Việt

16/02/2021 12:30 GMT+7

Trung bình mỗi năm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cá tra khoảng 2 tỉ USD, nhưng lượng tiêu thụ trong nước còn rất khiêm tốn.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam đang ráo riết thực hiện kế hoạch “mang món ngon Việt về với người Việt”, đẩy mạnh tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa.

Xóa suy nghĩ hàng nội địa là hàng... dạt

Tháng 10.2020, tại Đồng Tháp, nhiều lãnh đạo địa phương và đại diện của hệ thống siêu thị lớn trong nước đã bị “hút hồn” khi được thưởng thức “thập lục bảo” cá tra (16 món ăn từ cá tra) trong dòng sản phẩm BASAmaster phục vụ thị trường nội địa, do Công ty CP Vĩnh Hoàn nghiên cứu, chế biến. Các món ăn như chả lụa, tẩm bột xốt tartar, chabokki xốt cay, xẻ bướm tẩm gia vị, da cá sấy giòn fun chips, khô cá tra ăn liền, cá viên... hài hòa giữa phong cách ẩm thực Á - Âu, phù hợp với khẩu vị của người Việt. Buổi giới thiệu sản phẩm mang đến cái nhìn mới, đầy hãnh diện đối với các món ăn từ cá tra, cá basa.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn, chia sẻ: “Đã hơn 10 năm liên tiếp, Vĩnh Hoàn đứng đầu về xuất khẩu cá tra ở Việt Nam, với kim ngạch hơn 300 triệu USD/năm. Nhìn lại thị trường trong nước thì người tiêu dùng chưa được hưởng những sản phẩm cá tra chất lượng cao. Đã đến lúc chúng tôi phải có trách nhiệm chia sẻ quyền lợi này cho người tiêu dùng ở Việt Nam”.
Cá tra là sản phẩm giàu dinh dưỡng, giá thành cạnh tranh, nhưng theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, thị trường gần 100 triệu dân trong nước chưa được quảng bá, khai thác hiệu quả nên chưa hấp dẫn người tiêu dùng. “Phải xóa đi ấn tượng hàng nội địa là hàng vụn, hàng dạt chất lượng kém. Trách nhiệm của chúng tôi là phải đưa cá tra - một quà tặng quý của sông Mê Kông - không chỉ đến với khách hàng trên thế giới mà còn cho người tiêu dùng Việt Nam hiểu biết và yêu thương nó như chúng tôi đã yêu thương”, bà Trương Thị Lệ Khanh nói.
Mang món ngon Việt tới người Việt1

Một món cá tra đơn giản mà hấp dẫn

ẢNH: TRẦN NGỌC

Cùng quan điểm với bà Khanh, ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt, cho rằng đã đến lúc phải thay đổi dòng sản phẩm cá tra để tiến ra Bắc. “Trong thời gian dài, sản phẩm cá tra được mang ra Bắc là sản phẩm không đạt chất lượng. Sắp tới, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi EU của Nam Việt sẽ “tiến quân” ra thị trường phía bắc”, ông Doãn Tới nói.
Đưa sản phẩm chất lượng “tiến về” nội địa, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ đa dạng sản phẩm sao cho phù hợp với khẩu vị và xu hướng tiện lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

Những cuộc tiếp thị thành công

Ông Doãn Tới cho biết “Bắc tiến” là ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn Nam Việt trong việc tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa. Trong tháng 4.2020, tổng cộng 100 tấn sản phẩm cá tra của đơn vị này được tiêu thụ hết sạch tại Hà Nội chỉ trong thời gian ngắn. Hiện nay, nhiều trường học, đơn vị quân đội, bếp ăn ở khu vực phía bắc cũng đã sử dụng sản phẩm cá tra của Nam Việt, đó là tiền đề để công ty đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.
Mang món ngon Việt tới người Việt2

Gỏi chế biến từ cá tra

Tại đồng bằng sông Cửu Long thì An Giang và Đồng Tháp là 2 địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất cả nước (mỗi tỉnh hơn 2.000 ha). Để kích thích tiêu dùng sản phẩm cá tra trong nước, tháng 10.2020, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức tuần lễ cá tra, cá basa và nông sản Đồng Tháp tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thủ đô. Với hàng chục món ăn từ cá tra, basa được chế biến và trình bày bắt mắt, phù hợp khẩu vị, rất nhiều người dân Hà Nội và các tỉnh phía bắc đã thay đổi cái nhìn về con cá mang về cho đất nước 2 tỉ USD mỗi năm này. Kết quả của đợt xúc tiến, nhiều đơn vị xuất khẩu cá tra tại Đồng Tháp đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, đơn vị quân đội ở khu vực Hà Nội trong thời gian dài.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết đến nay diện tích nuôi cá tra cả nước hơn 6.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Cửu Long. Sau hơn 25 năm nghiên cứu phát triển, nước ta đã có ngành hàng cá tra với quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, là thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới.
Mang món ngon Việt tới người Việt3

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Tập đoàn Nam Việt (An Giang)

“Với sự công nhận thương hiệu của Mỹ thì cá tra Việt Nam sẽ còn đi xa hơn, rộng hơn, với quy mô lớn hơn ở thị trường thế giới. Thế nhưng chúng ta không thể bỏ quên thị trường trong nước và cần phải coi trọng thị trường này. Sắp tới chúng ta giải quyết đồng bộ theo chuỗi khép kín của chuỗi kinh tế tuần hoàn, từ khâu sản xuất giống, thức ăn dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng, thu hoạch sơ chế, chế biến thì tổng thể giá trị cá tra sẽ tiếp tục tăng cao”, ông Phùng Đức Tiến cho biết thêm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.