Mía rớt giá, người trồng điêu đứng

19/01/2018 05:36 GMT+7

Tỉnh Long An có trên 8.000 ha đất trồng mía, tập trung nhiều nhất tại H.Bến Lức với khoảng 6.000 ha. Hiện nay mía đang vào vụ thu hoạch nhưng giá rớt sâu, chỉ còn 130.000 đồng/tấn, khiến người trồng điêu đứng.

Ông Nguyễn Văn Tài (64 tuổi, ngụ xã Lương Bình, H.Bến Lức) cho biết trong mấy chục năm sống bằng nghề trồng mía thì đây là năm gia đình ông khốn đốn nhất vì giá mía giảm xuống đáy. Nhà có 4 ha mía đến kỳ thu hoạch, ông chạy khắp nơi tìm thương lái để bán. Có người hứa đến mua với giá 130.000 đồng/tấn nhưng cuối cùng “lặn” mất tăm. “Vốn đầu tư là vốn vay ngân hàng, giờ mía không bán được nên trắng tay. Muốn phá bỏ cũng không xong vì giá thuê nhân công chặt bỏ tốn cả chục triệu đồng/ha”, ông Tài xót xa.
Ông Nguyễn Văn Pha (55 tuổi, ngụ ấp 3, xã Bình Hòa Nam, H.Đức Huệ) nói như mếu: “Gia đình tôi có 2 ha mía, vốn đầu tư lên liếp, mía gốc, phân bón, mướn người chăm sóc khoảng 45 triệu đồng/ha. Khi mía gần đến đợt thu hoạch, tôi kêu thương lái đến xem, họ trả giá 150.000 đồng/tấn tại ruộng nhưng sau đó đi mất”. Theo ông Pha, nếu sản lượng mía đạt được 90 tấn/ha thì với giá bán này ông chỉ thu được 13,5 triệu đồng, lỗ 30 triệu đồng/ha.
Theo ông Ngô Tấn Thời, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa (H.Bến Lức), toàn xã hiện có khoảng 1.400 ha mía (chiếm hơn 58% diện tích đất canh tác nông nghiệp) hiện đang vào vụ thu hoạch. Thương lái có nhiều, họ đi từng nhóm đến các khu vực trồng mía để xem rồi trả giá nhưng giá nào nông dân cũng “chết” do quá thấp. “Gia đình tôi cũng trồng 2 ha mía, giờ tính ra lỗ gần 70 triệu đồng. Kiểu này chắc phải thay đổi cây trồng thôi”, ông Thời nói.
Ông Lê Thành Út, Phó chủ tịch UBND H.Bến Lức, cho biết vừa qua UBND huyện đã chủ trì buổi đối thoại giữa Công ty mía đường Tây Ninh với gần 50 hộ dân của huyện. Qua lắng nghe, công ty đồng ý thu mua sản phẩm nhưng yêu cầu nông dân đốn chặt phải làm sạch, giảm tạp chất.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Long An, thừa nhận nông dân trồng mía trong tỉnh đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do giá thấp, thị trường bấp bênh và nhân công khan hiếm. Về lâu dài, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng vùng mía nguyên liệu, có cơ chế phù hợp, nghiên cứu giống cây trồng thích hợp để chuyển đổi và thay dần cây mía ở một số địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.