Mở toang cánh cửa thị trường bán lẻ

17/06/2005 22:20 GMT+7

Trong tháng này, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ xuất hiện thêm một tên tuổi "ngoại" là Parkson, thuộc Tập đoàn Lion của Malaysia. Trên bàn làm việc của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại có thêm một bộ hồ sơ mới của South Asia Investments Pte, nhà bán lẻ đến từ Singapore. Cứ thế, sau khi bật đèn xanh cho các nhà bán lẻ châu u, bây giờ đến châu Á và tương lai không xa Việt Nam tiếp tục mở rộng cửa thị trường bán lẻ đón các nhà bán lẻ Mỹ...

Đến và thành công

Trong khi hệ thống siêu thị bán lẻ Big C của Bourbon (Pháp) và siêu thị bán sỉ Metro Cash & Carry ( Đức) đang tiếp tục mở rộng ra phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long, thì tại TP.HCM, Parkson đang chuẩn bị ra mắt trung tâm mua sắm đầu tiên của mình tại Việt Nam. Sau Công ty Dairy Farm (Hồng Kông), theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn South Asia Investments Pte của Singapore cũng đang "đánh tiếng" xin được kinh doanh siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. Tham Tuck Choy - Tổng giám đốc Parkson Vietnam nhận xét: "Dân số Việt Nam là một điểm hấp dẫn nhưng hấp dẫn hơn chính là yếu tố dân số trẻ, thu nhập ngày càng cao... Phải nói đây là một thị trường đầy hứa hẹn". Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam là cơ sở để Parkson vạch một kế hoạch phát triển 10 trung tâm mua sắm trong vòng 5 năm ngay từ khi chưa nắm được giấy phép đầu tư trong tay. Điểm chung của các nhà bán lẻ nước ngoài là thành lập hàng loạt siêu thị, cửa hàng tại hầu hết các tỉnh, thành phố lớn. 

Hàng nhập khẩu mới thường xuyên xuất hiện tại Diamond Plaza

Trên thực tế, trước khi Parkson xuất hiện, tại TP.HCM đã tồn tại 2 trung tâm mua sắm do người nước ngoài quản lý là Zen Plaza (Nhật Bản) và Diamond Plaza (Hàn Quốc). Ông Duck Ho Kim - Tổng quản lý Diamond Plaza không cho biết doanh số nhưng khẳng định là hoạt động của trung tâm mua sắm cao cấp này rất thành công. Còn Zen Plaza thì cho biết, dù mới chính thức hoạt động từ năm 2003 nhưng cũng đã đạt mức tăng trưởng về doanh số đến 30%/năm. Trong một thời gian ngắn, đã có đến 240 nhãn hiệu thời trang trong và ngoài nước tập trung về đây. Giải thích về sự thành công của Diamond Plaza, ông Duck Ho Kim ví von: "Cho dù là một phụ nữ đẹp, bạn vẫn phải trang điểm và luôn "làm mới" mình bằng những bộ trang phục phù hợp, như vậy mới có thể hấp dẫn người khác. Trung tâm của chúng tôi cũng vậy, mới hoạt động nhưng chúng tôi đã phải làm mới cho nó 6 lần rồi đó". Yếu tố dẫn đến thành công của Diamond Plaza chính là ở sự chia sẻ lợi ích giữa những người thuê mặt bằng bán hàng và chủ cho thuê. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 70% quầy hàng tại đây chia một phần doanh số thu được cho nhà quản lý Diamond Plaza. Đổi lại, họ sẽ được hưởng lợi từ những chương trình khuyến mãi, những sự kiện lôi kéo khách hàng, nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, thay đổi cách bài trí cho hấp dẫn... từ nhà quản lý. Một tiểu thương từng bán hàng cho Trung tâm Thương mại Saigontourist nhận xét: "Đây là cách đem lại hiệu quả cao cho người bán hàng. Chia sẻ lợi ích như vậy khiến nhà quản lý có trách nhiệm với chúng tôi chứ không như các trung tâm, siêu thị Việt Nam cho thuê mặt bằng xong thường là quên luôn nghĩa vụ với chúng tôi...".

Thương hiệu Việt chưa thể vào nơi sang trọng?

Cả nước hiện có 170 siêu thị và trung tâm thương mại cùng 600 cửa hàng tự chọn, hệ thống này được xem là còn nhỏ lẻ và manh mún. Bộ Thương mại đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm nhằm tìm biện pháp tổ chức lại hệ thống phân phối, bán lẻ trong nước trước khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tràn vào. Tuy nhiên theo nhiều DN, thay vì họp đi, bàn lại, Bộ Thương mại cần phải có những kế hoạch cụ thể hỗ trợ các DN trong nước nhanh chóng xây dựng hệ thống phân phối nếu không muốn tiếp tục "thua ngay trên sân nhà".

Sự ra đi chóng vánh của Trung tâm Thương mại Saigontourist, nhường mặt bằng đẹp vào loại bậc nhất TP.HCM cho một công ty nước ngoài khiến nhiều DN ưu tư về "lợi thế sân nhà". "Nghĩ mà ức, hàng của chúng tôi xuất khẩu đi Mỹ, đi châu u nhưng lại không vào được Diamond Plaza. Tôi không hiểu họ chọn theo tiêu chuẩn gì?", một DN ngành giày da tỏ ra bức xúc. Khi Trung tâm Thương mại Saigontourist được chuyển giao cho Parkson, cũng có rất nhiều mặt hàng của DN trong nước bị loại ra, nhường chỗ cho những nhãn hiệu nước ngoài chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Nhiều DN tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh: ngày càng có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị nước ngoài chiếm lĩnh những vị trí đẹp, sang trọng nhất của thành phố, thì cũng là lúc ngày càng ít thương hiệu trong nước có mặt tại những nơi này. Giám đốc một công ty may mặc than thở:  “Hàng của chúng tôi về mặt chất lượng và mẫu mã chẳng thua kém hàng của Pierre Cardin, giá lại rẻ hơn, nhưng nếu xét về sự nổi tiếng của thương hiệu thì làm sao bằng. Cho nên họ nói là hàng chúng tôi chưa đạt đẳng cấp quốc tế, không thể bán tại đây...". Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Tổng quản lý Diamond Plaza nói: "Chúng tôi không hề đặt ra một tiêu chuẩn nào để lựa chọn kinh doanh bao nhiêu phần trăm hàng Việt Nam, bao nhiêu phần trăm hàng nước ngoài. Nguyên tắc của chúng tôi là luôn luôn mới và bán cái gì là do khách hàng quyết định. Không riêng gì hàng Việt Nam, những nhãn hiệu nước ngoài nổi tiếng nhưng nếu chúng tôi không bán được thì cũng phải thay bằng nhãn hiệu khác". Với mục tiêu nhắm đến đối tượng khách hàng từ trên trung lưu đến cao cấp, ông Tham Tuck Choy cho biết: "Việc lựa chọn mặt hàng để kinh doanh của chúng tôi không giống như ở siêu thị. Tuy nhiên, tôi khẳng định là có những thương hiệu dù chưa nổi tiếng vẫn có thể được chúng tôi lựa chọn miễn là có tiềm năng và phù hợp với triết lý kinh doanh của chúng tôi". Trên thực tế cũng có những thương hiệu Việt nằm xen kẽ với những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài tại Diamond Plaza, Zen Plaza và sắp tới là Parkson nhưng tỷ lệ rất khiêm tốn.

Trung Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.